"Giống với Washington, Bắc Kinh có mối quan hệ vừa yêu vừa ghét với các tập đoàn công nghệ hàng đầu đất nước", bà Kendra Schaefer tại hãng tư vấn Trivium China nói với CNBC.
"Một mặt, những công ty này đại diện cho quá trình hiện đại hóa thành công của Trung Quốc và năng lực cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng. Một mặt khác, Bắc Kinh từ lâu đã chật vật với việc kiểm soát các công ty công nghệ lớn trong nền kinh tế nước này", bà nói thêm.
Hồi đầu tuần, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc lần đầu công bố dự thảo các quy tắc nhằm xác định những điểm cấu thành hành vi độc quyền.
Dự thảo của Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường bao gồm giá cả, phương thức thanh toán và sử dụng dữ liệu nhắm vào người dùng. Những nỗ lực này nhằm điều chỉnh hành vi độc quyền của các tập đoàn công nghệ, vốn phát triển như vũ bão trong vài năm qua.
Bắc Kinh muốn siết chặt quyền kiểm soát các công ty công nghệ hàng đầu đất nước. Ảnh: Reuters. |
Siết chặt kiểm soát
Tại Trung Quốc, các dịch vụ được những công ty công nghệ hàng đầu cung cấp đã trở nên thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, ứng dụng nhắn tin WeChat của Tencent được hơn 1 tỷ người sử dụng mỗi tháng.
WeChat cũng không đơn thuần là một ứng dụng nhắn tin. Người dùng có thể thanh toán qua WeChat Pay, đặt vé máy bay, tàu hỏa, mua sắm trực tuyến mà không cần rời khỏi ứng dụng. Ngoài ra, tập đoàn Tencent cũng rất mạnh trong lĩnh vực game.
Trong khi đó, ứng dụng Alipay của Ant Group có 700 triệu người dùng mỗi tháng. Alibaba của tỷ phú Jack Ma nắm giữ 1/3 cổ phần Ant Group. Hôm 11/11, các cổ phiếu công nghệ đồng loạt lao dốc trước thông tin về dự thảo quy tắc chống độc quyền.
Trên thực tế, các chuyên gia cho biết Bắc Kinh đã tìm cách giải quyết những vấn đề này từ lâu. Hồi đầu năm 2018, các cơ quan quản lý Trung Quốc đình chỉ việc phê duyệt trò chơi điện tử mới vì lo ngại chúng chứa quá nhiều bạo lực và khiến trẻ em gặp vấn đề thị lực. Tencent cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi động thái này.
Ứng dụng Alipay của Ant Group có đến 700 triệu người dùng mỗi tháng. Ảnh: Reuters. |
Gần đây, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group tại Hong Kong và Thượng Hải bị tạm hoãn. Sở giao dịch Chứng khoán Thượng Hải tuyên bố Ant đã "gặp các vấn đề nghiêm trọng như sự thay đổi trong môi trường quản lý công nghệ tài chính".
Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các cơ quan quản lý khác ban hành quy tắc dự thảo mới về tín dụng vi mô (micro-lending). Những quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến startup công nghệ tài chính của Jack Ma.
Tuy nhiên, CNBC nhận định các luật chống độc quyền mới có thể không dễ thực hiện. "Mọi thứ khó khăn ngay cả với các nhà quản lý phương Tây, nơi luật chống độc quyền đã có lịch sử rất lâu đời", ông Brian Bandsma, Giám đốc danh mục đầu tư tại hãng Vontobel Quality Growth, nhận định.
Mối quan hệ phức tạp
"Các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng phải đối mặt với thách thức tương tự. Những doanh nghiệp (độc quyền) rất khó xác định và kiểm soát thông qua các định nghĩa pháp lý truyền thống", ông nói thêm.
Hồi cuối tháng trước, tỷ phú Jack Ma lên tiếng chỉ trích cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc. Đây có thể là lý do dẫn đến thương vụ IPO của Ant Group sụp đổ. Bên cạnh đó, một số nhà quan sát cho rằng nguyên nhân là các quy tắc chống độc quyền mới đây.
Theo Morgan Stanley, Alibaba, Tencent, Meituan, JD.com và Pinduoduo đều là những công ty có thể bị ảnh hưởng bởi các quy định mới. "Điều này sẽ phục thuộc vào cách thực thi quy định, hoặc liệu có thêm luật hoặc quy định mới trong quá trình thực thi hay không", ông Paul Triolo, Trưởng bộ phận Thực hành Công nghệ địa lý tại Eurasia Group, bình luận.
Dường như khi Bắc Kinh quyết định thực hiện hành động theo quy định, mọi thứ sẽ diễn ra nhanh chóng và các công ty phải tuân thủ theo.
- Paul Triolo (Eurasia Group)
Tuy nhiên, việc đối phó với các quy định không phải là vấn đề mới đối với những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Chẳng hạn, Tencent đã vượt qua các quy định khác nhau về ngành công nghiệp game.
Công ty fintech Lufax là một gã khổng lồ cho vay ngang hàng tại đất nước tỷ dân. Tuy nhiên, các quy định khắt khe của Trung Quốc đối với lĩnh vực này đã buộc công ty phải thu hẹp quy mô. Năm 2019, Lufax rời khỏi mảng cho vay ngang hàng và chuyển hướng sang hoạt động kinh doanh khác.
"Các công ty khá thành thạo trong việc nhanh chóng xoay chuyển chiến lược kinh doanh", bà Schaefer của Trivium China nhận xét.
Tuy nhiên, khác với Mỹ, Bắc Kinh có thể thay đổi lĩnh vực công nghệ nhanh chóng hơn. "Dường như khi Bắc Kinh quyết định thực hiện hành động theo quy định, mọi thứ sẽ diễn ra nhanh chóng và các công ty buộc phải tuân theo", ông Triolo nhận định.
"Những động thái mới nhất là một loại cảnh báo, giống như chúng ta đã thấy ở Thung lũng Silicon. Các công ty sẽ phản ứng với những quy định mới và chủ động hành động để giải quyết mối lo của giới chức trách", ông nói thêm.
Sự cố Ant Group cũng có thể do các quy tắc chống độc quyền mới được đưa ra gần đây. Ảnh: Reuters. |
Trong vài năm qua, các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã cố gắng mở rộng ra nước ngoài. Hồi năm 2016, Alibaba mua lại cổ phần kiểm soát Công ty thương mại điện tử Lazada (có trụ sở tại Singapore) với mục đích mở rộng sang Đông Nam Á.
Huawei là một ví dụ khác. Trước khi Mỹ áp các lệnh trừng phạt lên nhà sản xuất điện thoại thông minh, Huawei được coi là chìa khóa cho tham vọng trở thành siêu cường công nghệ toàn cầu của Trung Quốc.
Trên thực tế, Bắc Kinh cần cân bằng giữa tham vọng dẫn đầu công nghệ toàn cầu và mục tiêu điều tiết lĩnh vực công nghệ trong nước. "Các cơ quan quản lý cũng cần cẩn thận. Những công ty lớn có lợi thế quy mô để thu được lợi ích từ dữ liệu và cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu", ông Triolo bình luận.
"Đó cũng là một mục tiêu mà Bắc Kinh mong muốn", ông nhấn mạnh.
Link nội dung: https://biztoday.vn/trung-quoc-chat-vat-quan-ly-nhung-ga-khong-lo-cong-nghe-10133.html