Đầu năm 2021, thị trường bất động sản khu vực phía Bắc xôn xao trước thông tin Dự án Khu đô thị An Lạc Green Symphony (tiền thân là dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh), địa chỉ tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội bất ngờ rao bán trở lại sau hàng chục năm “đắp chiếu” do vướng mắc thủ tục pháp lý.
Đáng nói hơn, dự án dù chưa mở bán chính thức nhưng đã gây nhiễu loạn thị trường thông qua các "chiêu trò" booking, đặt chỗ, có dấu hiệu huy động vốn trái phép.
Hiện tại, trên internet và các trang mạng xã hội vẫn đang tràn ngập các thông tin quảng cáo, rao bán dự án này. Khảo sát trên google với từ khóa “bán dự án An Lạc Green Symphony” ngay lập tức có ngay khoảng 26.600.000 kết quả liên quan trả về chỉ trong 0,62 giây.
Điển hình, trên website duananlacsymphony.com giới thiệu: Khu đô thị An Lạc Green Symphony có chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư An Lạc, vị trí tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Nhà thầu thi công là Công ty Hà Đô 23 và Hà Đô 45, quy mô dự án 70 ha. Phân khu thấp tầng gồm 900 lô trong đó gồm: 362 căn liền kề, 210 căn nhà vườn, 328 căn song lập. Phân khu cao tầng gồm 20 tòa chung cư cao từ 21 – 33 tầng, số lượng 11.000 căn (từ 1 – 3 phòng ngủ). Hiện nhận đặt chỗ 200 triệu/ lô không thưởng phạt.
Thời gian gần đây, báo chí phản ánh về việc chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Lạc thi công “chui” phần hầm khu chung cư có diện tích 6.177m2, tại ô đất có ký hiệu C1-CT thuộc dự án An Lạc Green Symphony.
Sau đó, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Lạc số tiền 40 triệu đồng do thực hiện hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng đối với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng tại ô đất có ký hiệu C1-CT thuộc dự án Khu đô thị mới An Lạc.
Tuy nhiên, mức phạt này có vẻ chưa đủ sức răn đe với chủ đầu tư khi hiện nay, thông tin rao bán, đặt cọc giữ chỗ các căn liền kề khối đế chung cư vừa bị xử phạt vì xây dựng không phép tiếp tục tràn lan trên thị trường.
Dự án An Lạc Green Symphony đã và đang được quảng cáo, rao bán dưới hình thức đặt chỗ trị giá 200 triệu/ lô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với khách hàng. |
Trao đổi với PV, một môi giới cho biết: “Dự kiến vào ngày 15/5 sắp tới, chủ đầu tư sẽ tổ chức đợt giáp căn lần 2, khách hàng sẽ tiếp tục booking giữ chỗ tại dự án. Lần này, chủ đầu tư ra thêm hàng là các căn liền kề chân đế chung cư có diện tích nhỏ hơn đợt trước, khoảng chừng 80 m2, giá khoảng hơn 10 tỷ/ căn. Số tiền đặt cọc là 200 triệu đồng, bây giờ cũng đã nhận cọc rồi.”
Tuy nhiên, người này cũng cho biết thêm, có những khách booking từ trước Tết, đến nay đã 4 – 5 tháng, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên chủ đầu tư chưa thể tổ chức giáp căn được, do vậy đành om tiền ở đấy thôi chứ cũng không có cách nào khác.
Chia sẻ với PV Ngày mới Online, luật sư Phạm Kỳ Dương (Văn phòng luật sư Giang Thanh) cho rằng: “Việc chủ đầu tư ký hợp đồng đặt tiền giữ chỗ với khách hàng tại các dự án bất động sản như hiện nay chỉ là chiêu trò chiếm dụng vốn trái phép, có lợi rất nhiều cho chủ đầu tư, tiềm ấn rủi ro cho người mua đồng thời là tác nhân khiến thị trường bất động sản trở nên bất ổn.
Theo khoản 1, Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Ngoài ra, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị Sở Xây dựng chấp thuận được phép bán và phải có thông báo đủ điều kiện bán của Sở Xây dựng hoặc hết thời hạn mà Sở Xây dựng không trả lời thì mới được phép bán. Như vậy, việc ký hợp đồng huy động vốn mà chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng xin chấp thuận cho phép huy động vốn theo quy định này là trái pháp luật.”
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người dân, tránh xảy ra tình trạng giao dịch mua bán bất hợp pháp, huy động vốn trái phép tại dự án An Lạc Green Symphony, đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức và các ban, ngành liên quan sớm vào cuộc thanh tra, làm rõ vụ việc trên.
Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vua-bi-phat-40-trieu-dong-do-xay-dung-khong-phep-du-an-an-lac-green-symphony-van-tiep-tuc-ban-lua-non-108870.html