Cuộc khủng hoảng chip đang ngày càng trầm trọng

Cuộc khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung chip, vốn đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp sản xuất xe hơi và hàng tiêu dùng, đang diễn biến xấu hơn.

Thời gian sản xuất, từ lúc các đơn hàng được gửi đi cho tới khi chip được vận chuyển, tăng lên tới 17 tuần trong tháng 4. Điều đó đồng nghĩa nhiều khách hàng đang phải đối mặt với thách thức lớn hơn trong đảm bảo nguồn cung các sản phẩm đầu ra, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Susquehanna Financial Group.

Đây là quãng thời gian sản xuất lâu nhất được ghi nhận kể từ khi công ty thu thập dữ liệu vào năm 2017.

“Thời gian sản xuất đối với các dòng chip quan trọng tăng đáng kể”, theo Chris Rolland, chuyên gia phân tích tới từ Susquehanna. Ông bổ sung rằng chip quản lý điện năng và chip analog là những dòng chip có thời gian sản xuất lâu nhất.

“Những dòng chip này có mức độ gia tăng thời gian sản xuất cao nhất kể từ khi chúng tôi bắt đầu thu thập dữ liệu”.

Thời gian sản xuất, từ lúc các đơn hàng được gửi đi cho tới khi chip được vận chuyển, tăng lên tới 17 tuần trong tháng 4. Ảnh: AFP.

Thời gian sản xuất, từ lúc các đơn hàng được gửi đi cho tới khi chip được vận chuyển, tăng lên tới 17 tuần trong tháng 4. Ảnh: AFP.

Tác động của tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn đang lan dần từ ngành công nghiệp này sang ngành công nghiệp khác, khiến cho các công ty, chuyên sản xuất các sản phẩm từ xe hơi, tay cầm trò chơi cho tới tủ lạnh, không thể thực hiện đúng kế hoạch giao hàng. Các nhà sản xuất xe hơi ước tính doanh thu của họ có thể giảm khoảng 110 tỷ USD trong năm nay, khi nhiều hãng sản xuất ôtô lớn như Ford Motor, General Motors buộc phải cho dừng hoạt động sản xuất tại một số nhà máy vì thiếu linh kiện.

Ngành xe hơi và khách hàng coi thời gian sản xuất này là chỉ số để tính toán mức độ cân bằng giữa cung và cầu. Khoảng cách ngày một nới rộng đồng nghĩa việc những đơn vị đặt mua chip đang quan tâm nhiều hơn tới nguồn cung tương lai nhằm tránh lặp lại tình trạng thiếu hụt hiện tại thêm một lần nữa. Các chuyên gia phân tích coi vấn đề trên là điềm báo cho xu hướng tích trữ của doanh nghiệp, điều có thể dẫn tới sự gia tăng đột biến lượng hàng tồn kho và sự sụt giảm số lượng các đơn hàng.

“Quãng thời gian sản xuất tăng lên thường khiến cho các khách hàng có xu hướng thực hiện những hành vi không lành mạnh như tăng cường tích trữ, nâng số lượng đặt hàng”, Rolland chia sẻ. Những xu hướng trên có thể sẽ đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn rơi vào tình trạng cung ảo, vượt quá nhu cầu thực tế của khách hàng”.

Tính trạng thiếu hụt chip cũng trở nên phức tạp hơn khi Đài Loan, một thủ phủ của ngành sản xuất chip, đang chứng kiến số lượng các ca lây nhiễm Covid-19 tăng lên nhanh chóng. Hòn đảo này đã cho đóng cửa trường học, hạn chế tụ tập đông người, và tạm dừng hoạt động nhiều trung tâm vui chơi - giải trí, bảo tàng và địa điểm công cộng. Trong khi các doanh nghiệp và nhà máy vẫn được cho phép hoat động bình thường, chính quyền Đài Loan vẫn bỏ ngỏ khả năng áp dụng biện pháp thắt chặt hơn.

Đài Loan sở hữu công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC, với khách hàng gồm nhiều tên tuổi lớn như Apple và Qualcomm. Các công ty sản xuất chip khác chuyên sản xuất những dòng chip kém “hào nhoáng hơn”, nhưng vẫn đóng vai trò tương đối quan trọng, như các con chip điều khiển màn hình, vốn đang là một điểm nghẽn trong khả năng sản xuất chip toàn cầu.

Quãng thời gian sản xuất lên tới 17 tuần ở thời điểm hiện tại đã vượt quá ngưỡng 16 tuần mà Rolland trước đó cho biết là “giới hạn của ngưỡng nguy hiểm”, và đánh dấu mức tăng trong tháng thứ 4 liên tiếp.

Quãng thời gian sản xuất đối với một vài dòng sản phẩm, ví dụ như các con chip quản lý điện năng, tăng khoảng 4 tuần so với tháng trước. Thời gian sản xuất của các đơn hàng chip vi mạch điều khiển cũng tăng thêm khoảng 3 tuần, mức tăng nhanh nhất mà Rolland từng chứng kiến kể từ khi ông tiến hành thu thập dữ liệu từ năm 2017.

Link nội dung: https://biztoday.vn/cuoc-khung-hoang-chip-dang-ngay-cang-tram-trong-118549.html