Kết thúc phiên 21/5, giá dầu Brent tương lai tăng 1,33 USD, tương đương 2%, 66,44 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 1,64 USD, tương đương 2,65%, lên 63,54 USD/thùng.
Chốt tuần, giá dầu Brent giảm 3,3% còn WTI giảm 2,7%.
Thị trường năng lượng lo ngại trước tiến triển trong đàm phán giữa Mỹ và Iran, có thể đạt thỏa thuận giúp loại bỏ các lệnh trừng phạt Washington áp lên Tehran, khiến nguồn cung có thể tăng thêm khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày. Về mặt tích cực, một cơn bão đang hình thành trên vịnh Mexico, nơi có nhiều cơ sở năng lượng của Mỹ, giúp giá dầu ngày 21/5 phục hồi sau 3 phiên giảm trước đó.
“Hầu hết thị trường năng lượng đã tính đến trường hợp có thêm sản lượng từ Iran vào cuối mùa hè”, Ed Moya, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Mỹ tại OANDA, nói.
“Cơn bão sớm này thúc đẩy nhà đầu tư mua dầu thô trước cuối tuần với kỳ vọng sản lượng của Mỹ bị ảnh hưởng”, theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, Chicago, bang Illinois.
Tuy nhiên, vấn đề Iran vẫn sẽ có ảnh hưởng mạnh hơn đến thị trường.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng thay thế các lệnh trừng phạt do người tiền nhiệm Donald Trump triển khai bằng một thỏa thuận ngăn Iran có chương trình hạt nhân cấp vũ khí và sẽ do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thực thi.
Dù vậy, một số nhà ngoại giao châu Âu nhấn mạnh đàm phán với Iran, bắt đầu từ giữa tháng 4 tại Vienna, Áo, không chắc đã thành công và các bên còn nhiều vấn đề khó giải quyết.
Tổng lực cầu dầu thế giới dự kiến tăng 5,7 triệu thùng/ngày trong năm 2021 lên 96,7 triệu thùng/ngày, sau khi giảm 8,7 triệu thùng/ngày năm ngoái, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo.
Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình Covid-19 tại Ấn Độ bởi đây là quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ ba thế giới.
Tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 14/5 tăng 1,3 triệu thùng, tồn kho xăng giảm 2 triệu thùng. Lực cầu xăng tăng lên 9,2 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 2 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan dầu và khí lên 455, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng 4 lên 356, số giàn khoan khí giảm 1 còn 99 và số giàn khoan dự phòng giảm 1 còn 0.
Ảnh: Reuters. |
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 25/5
Viện dầu mỏ Mỹ dự báo về tồn kho dầu thô hàng tuần.
Ngày 26/5
EIA cập nhật số liệu hàng tuần về tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm tinh chế.
Ngày 28/5
Baker Hughes cập nhật số liệu về giàn khoan dầu Mỹ.
Kim loại quý
Giá vàng ngày 21/5 tăng bất chấp USD phục hồi và số liệu kinh tế Mỹ tích cực. Cụ thể, giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 4,1 USD lên 1.880,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giảm 0,3% xuống 1.876,7 USD/ounce.
Chốt tuần, giá vàng tương lai tăng 1,8%.
Một điểm đáng chú ý là giá vàng cao nhất trong phiên 21/5 là 1.890,15 USD/ounce, lần thứ hai trong tuần trước tiến sát mốc 1.900 USD/ounce, sau phiên 19/5. Các nhà giao dịch và quản lý quỹ đôi khi xác định xu hướng giá vàng bằng cách xem xét giá giao ngay thay vì giá tương lai.
Nếu vượt 1.900 USD/ounce, đặc biệt là 1.920 USD/ounce, vàng sẽ tăng so với đầu năm, kỳ vọng quay lại đỉnh hơn 2.000 USD/ounce lập hồi tháng 8/2020.
Fed ngày 19/5 công bố biên bản họp chính sách hồi cuối tháng 4 cho thấy họ vẫn giữ chính sách tiền tệ nới lỏng.
“Tóm lại, lãi suất ở Mỹ còn lâu mới tăng. Môi trường lãi suất thấp có lợi cho vàng, tài sản không sinh lợi tức”, Sophie Griffiths, trưởng phòng nghiên cứu thị trường Anh và châu Âu, Trung Đông, châu Phi tại OANDA, nhận định.
Vàng đang vào xu hướng giá lên nhưng cần phải giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.846 USD/ounce, Kevin Grady, chủ tịch Phoenix Futures & Options, cho biết.
“Tôi vẫn trung lập về vàng. Vàng có thể điều chỉnh. Với tôi, mốc quan trọng là 1.846 USD/ounce. Nếu thủng mốc hỗ trợ này, giá vàng có thể giảm còn 1.808 USD/ounce”.
Link nội dung: https://biztoday.vn/trien-vong-gia-dau-vang-tuan-24-285-118879.html