Handico 68 có “mang con bỏ chợ”?

Theo chuyên gia pháp lý, sau quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp kế thừa là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 (Handico 68) - Thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) sẽ hưởng trọn quyền và phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ do Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để lại. Nếu Handico 68 “chối bỏ” trách nhiệm trả nợ thì chẳng khác nào “mang con bỏ chợ”.

Handico 68 có mang con bỏ chợ?

 

Handico là công ty “mẹ” của Handico 68 (Ảnh: handico.com.vn)

Handico 68 có “phớt lờ” yêu cầu của Sở Tài chính?

Như Báo điện tử Xây dựng đã đưa tin, Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sau cổ phần hóa đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 có biểu hiện “đùn đẩy” nghĩa vụ trả nợ cho các cá nhân sau khi cổ phần hóa, mặc dù các ông Hoàng Hoài Nam, Trần Xuân Ngọc và Phạm Tiến Sơn (công tác tại Công ty Vận tải và xếp dỡ đường thủy) khi nộp tiền tại thời điểm 2005-2006, có đầy đủ phiếu thu từ Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Điều này có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh doanh, thương mại và các Nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời thể hiện sự “coi thường pháp luật”, cách hành xử theo kiểu “mang con bỏ chợ” khiến người dân hết sức bất bình, đồng thời mất niềm tin vào chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp.

Tại thời điểm 2005 - 2006, các ông Nam, Ngọc và Sơn được hứa hẹn, nếu nộp số tiền 935 triệu đồng cho Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì Công ty sẽ cho các ông Nam, Ngọc và Sơn thực hiện thi công một phần của dự án “Đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Hới – Thanh Hóa”.

Sau đó, Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không trúng thầu, nên các bên đã thống nhất phía Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn trả lại cho các ông Nam, Ngọc và Sơn số tiền đã thu là 935 triệu đồng. Đến nay đã hơn chục năm, sau rất nhiều lần đơn từ, gặp gỡ, trao đổi, làm việc nhưng phía Handico 68 (đơn vị chuyển tiếp sau Cổ phần hóa của Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) không hoàn trả khoản tiền trên cho các ông Nam, Ngọc và Sơn với lý do số tiền không có trong sổ sách kế toán, không có trong quỹ tiền mặt của Handico 68.

Handico 68 có mang con bỏ chợ?

Khi nộp tiền, các ông Nam, Ngọc và Sơn đều được công ty xuất phiếu thu đầy đủ chữ ký và đóng dấu.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, chuyên gia pháp lý Đoàn Văn Tùng – Luật gia đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng: Doanh nghiệp, sau quá trình cổ phần hóa được hưởng đầy đủ quyền và đương nhiên phải chịu trách nhiệm do doanh nghiệp trước cổ phần hóa để lại. Điều này thể hiện rõ trong pháp luật về kinh doanh, thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như văn bản hướng dẫn thực hiện cổ phần hóa.

Trong trường hợp này, trước hết phải xác định mối quan hệ giữa các ông Nam, Ngọc và Sơn khi nộp tiền vào Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là quan hệ giữa cá nhân và pháp nhân. Khi có xảy ra tranh chấp thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm với cá nhân.

Mặt khác, trong biên bản làm việc giữa ông Nam và Handico 68 ngày 14/6/2019, do ông Phạm Ngọc Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty chủ trì có đoạn kết luận: Trường hợp ông Trịnh Kim Long (nguyên Giám đốc) và ông Trương Minh Tuấn (Giám đốc XN7) không hợp tác thì Công ty 68 (Handico 68 – PV) có trách nhiệm cùng ông Nam tìm biện pháp thu hồi số tiền 935 triệu đồng trong thời gian sớm nhất. Vậy trách nhiệm của Handico 68 là gì, trách nhiệm tới đâu và đã thực hiện như thế nào? Đây là băn khoăn mà theo Luật gia Đoàn Văn Tùng cần phải làm rõ, xác định rõ trách nhiệm của Handico 68.

Cũng theo Luật gia Tùng: Cần phải thẳng thắn nhìn nhận việc nộp tiền của các ông Nam, Ngọc và Sơn đã được Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ghi nhận đầy đủ, sau này khi tiếp quản lại, Handico 68 cũng đã biết, đã có đầy đủ hồ sơ và đã nhiều lần tổ chức họp, làm việc với các ông Nam, Ngọc và Sơn nhưng đến nay, Handico 68 lại quy trách nhiệm cho cá nhân ông Trịnh Kim Long và ông Trương Minh Tuấn là không đúng quy định của pháp luật. Handico 68 đang có biểu hiện “đá bóng” trách nhiệm sang cá nhân ông Long và ông Tuấn là không “thấu tình, đạt lý”.

Handico 68 có mang con bỏ chợ?

Handico thực hiện vai trò trách nhiệm đại diện chủ sở hữu Nhà nước “mờ nhạt”.

Trước đó, ngày 08/12/2020, Sở Tài chính Thành Phố Hà Nội, ban hành Văn bản số 7975/STC-TCDN về hướng dẫn giải quyết vụ việc và yêu cầu Handico 68 báo cáo kết quả về UBND Thành phố, yêu cầu Handico 68 có trách nhiệm giải quyết trực tiếp đề nghị của ông Hoàng Hoài Nam. Đồng thời, yêu cầu Handico (công ty “mẹ”) có trách nhiệm thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Handico 68. Tuy nhiên, đến nay sau gần nửa năm Handico 68 vẫn chưa giải quyết dứt điểm đề nghị của ông Nam theo yêu cầu của Sở Tài chính đồng thời Handico thể hiện vai trò “mờ nhạt” trong vụ việc này khiến người dân đặt nghi vấn, phải chăng Handico đang “bao che” để cho Handico 68 “phớt lờ” trước những yêu cầu của Sở Tài chính Hà Nội?

Pháp luật quy định ra sao?

Theo chuyên gia pháp lý Đoàn Văn Tùng, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải thực hiện đúng, đầy đủ các quy định sau: Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Tại khoản 3, Điều 10 nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước quy định: Công ty cổ phần được sử dụng toàn bộ tài sản, nguồn vốn đã nhận bàn giao để tổ chức sản xuất, kinh doanh; kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa đã bàn giao và có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 ghi rõ tại Điều 16, các khoản nợ phải trả: “Công ty cổ phần (sau chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước) có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, tiếp tục kế thừa, theo dõi để thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi có yêu cầu của chủ nợ và hạch toán khoản chi trả nợ vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ”.

Như vậy, pháp luật đã quy định rõ nguyên tắc kế thừa nghĩa vụ sau quá trình cổ phần hóa phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và minh bạch và kịp thời. Do vậy, Handico 68 không thể chối bỏ trách nhiệm của mình với các ông Nam, Ngọc và Sơn khi các ông này có yêu cầu hoàn trả số tiền đã nộp để được thi công dự án nói trên nhưng không thành. Handico 68 không chịu thừa nhận nghĩa vụ thanh toán, chẳng khác nào Handico 68 đang chơi trò “qua cầu rút ván”. Từ đó dấy lên nghi ngại Handico 68 coi thường pháp luật, gây mất niềm tin trong nhân dân về chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Câu trả lời nên được các cấp quản lý của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Thành phố Hà Nội giải đáp.

Link nội dung: https://biztoday.vn/handico-68-co-mang-con-bo-cho-129542.html