Theo thông tin trên Cổng TTĐT của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, ngày 4/6, HDBank nhận được quyết định 1520/QĐ-CT của Cục Thuế TP.HCM thông báo xử lý vi phạm hành chính với số tiền hơn 190.580.039 đồng vì sai soát trong kê khai thuế theo quy định.
HDBank cũng cho biết đã hoàn thành việc nộp số tiền trên và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác theo yêu cầu của cơ quan thuế. Hiện ngân hàng không còn nghĩa vụ liên quan đến quyết định này.
HD Bank công bố quyết định xử phạt hơn 190 triệu đồng từ cơ quan thuế. |
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu nhà băng này bị đưa ra quyết định xử phạt liên quan đến thuế. Cụ thể, cuối năm 2018, HDBank cũng nhận quyết định số 1868/QĐ-TCT kèm theo quyết định uỷ quyền số 1869/QĐ-TCT và kết luận thanh tra thuế số 59/KL-TCT niên độ 2017 của Tổng cục Thuế. Theo kết luận nói trên, tổng số tiền chậm nộp thuế, kê khai sai và phạt hành chính là hơn 1,4 tỷ đồng; Trong đó, kê khai sai là hơn 978 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này, HDBank nộp trong quá trình thanh tra.
Trước đó nữa, đầu năm 2018, HDBank cũng bị xử phạt hành chính, nộp bổ sung gần 16,5 tỷ đồng theo kết luận thanh tra thuế tại quyết định số 864/QĐ-CT. Trong đó, số tiền phạt hành chính là hơn 202 triệu đồng; Đồng thời, HDBank cũng bị phạt hành chính, nộp bổ sung đợt này cho kỳ quyết toán thuế từ năm 2011-2013.
Ngoài những “lùm xùm” liên quan đến thuế, nhà băng này còn bị ảnh hưởng lớn đến quy trình bảo mật của ngân hàng sau khi đã để xảy ra việc một nhân viên giao dịch lợi dụng sơ hở trong kiểm soát của ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.
Năm 2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Minh Quyên (SN 1990, ngụ quận 11) - Nhân viên giao dịch tại PGD Đông Sài Gòn thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP HCM (HD Bank) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, cuối năm 2018, Quyên thực hiện các giao dịch mở tài khoản, nộp và rút tiền mặt, mở và rút tiền từ sổ tiết kiệm, cho vay theo sổ tiết kiệm cho khách tại ngân hàng. Trong khoảng thời gian từ 17/1/2019 đến 19/12/2019, Quyên lập khống nhiều chứng từ rút hơn 4,4 tỷ đồng từ 12 sổ tiết kiệm của 11 khách hàng.
Bị can Nguyễn Thị Minh Quyên. Ảnh: Công an cung cấp. |
Thủ đoạn của Quyên là khi phát hành sổ tiết kiệm cho khách, Quyên photo sổ tiết kiệm cất riêng. Khi cần tiền, Quyên nhập thông tin tài khoản khách hàng và số tiền tương ứng vào hệ thống của ngân hàng để phần mềm in ra giấy rút tiết kiệm.
Từ hệ thống lưu trữ thông tin chữ ký khách hàng, Quyên xem chữ ký mẫu của khách hàng rồi giả chữ ký, ký tên vào phần “Chủ sở hữu” và ký tên Quyên vào phần giao dịch viên. Sau đó, Quyên cập nhật thông tin giao dịch rút tiền vào bản photo sổ tiết kiệm của khách mà Quyên đã lưu trữ trước đó. Sau khi ký chứng từ, Quyên lấy số tiền tương ứng từ quỹ giao dịch hàng ngày của Quyên. Giấy rút tiền tiết kiệm và bản photo sổ tiết kiệm được Quyên tập hợp cùng các chứng từ khác trong ngày để phục vụ đối chiếu, kiểm quỹ cuối ngày và lưu trữ.
Để tránh bị phát hiện, Quyên lựa chọn các sổ tiết kiệm có thời gian đáo hạn xa. Đồng thời, Quyên thường chỉ rút số tiền dưới 50 triệu đồng để tránh phải thông qua phê duyệt của kiểm soát viên. Công an xác định, nhiều lúc cần nhiều tiền, lợi dụng sơ hở trong kiểm soát của ngân hàng, Quyên sẵn sàng rút trên 50 triệu đồng của khách hàng nhưng không bị phát hiện. Người này được xác định rút từ 120 triệu đến 850 triệu.
Mặc dù quy trình về việc thực hiện giao dịch rút tiền từ sổ tiết kiệm được Ngân hàng HDBank quy định cụ thể nhưng thực tế tại Phòng giao dịch Đông Sài Gòn, tất cả các giao dịch rút tiền, kiểm soát viên không xem xét ký duyệt chứng từ, kiểm tra thông tin người rút tiền để ký chứng từ trước khi thực hiện giao dịch mà chỉ duyệt trên hệ thống máy tính để giao dịch viên in chứng từ ra.
Giao dịch viên tự ký chứng từ cùng khách hàng và thực hiện chi tiền. Sau đó, cuối tuần hoặc cuối tháng, khi kiểm soát viên và thủ quỹ rảnh sẽ tập hợp toàn bộ các chứng từ này để ký một lượt.
Từ sự lỏng lẻo trong việc quản lý, ký chứng từ của kiểm soát viên PGD Đông Sài Gòn, việc không thực hiện đúng quy trình theo quy định của ngân hàng đã tạo điều kiện để bị can Nguyễn Thị Minh Quyên lợi dụng lập khống nhiều chứng từ rút tiền từ 12 sổ tiết kiệm của 11 khách hàng, chiếm đoạt hơn 4,4 tỉ đồng của Ngân hàng HDBank.
Hai "nữ tướng" đứng sau HDBank
HDBank thành lập năm 1990, là 1 trong những Ngân hàng TMCP đầu tiên của cả nước. HDBank có vốn điều lệ: 9.810 tỷ đồng; tổng tài sản tính đến hết năm 2019 đạt 229.477 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 20.381 tỷ đồng. HDBank hiện có mạng lưới gần 300 điểm giao dịch và gần 14.000 điểm giao dịch tài chính.
Đứng sau điều hành hoạt động của HDBank là hai "nữ tướng" nổi tiếng trên thương trường là bà Lê Thị Băng Tâm với vai trò Chủ tịch HĐQT (từ tháng 6/2010). Người thứ hai là "madam" Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT HDBank.
Bà Lê Thị Băng Tâm sinh năm 1947 tại ở Phú Yên, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Cty CP sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM).
Bà Lê Thị Băng Tâm với vai trò Chủ tịch HĐQT (từ tháng 6/2010). |
Bà Tâm tốt nghiệp khóa học Quản lí kinh tế cao cấp tại Liên Xô và hoàn thành bằng Tiến sĩ Kinh tế chuyên ngành tài chính tín dụng tại đây. Ngoài ra bà cũng sở hữu Chứng chỉ Tài chính quốc tế tại Đại học North University London.
Bà Tâm gia nhập Vinamilk từ năm 2013, trên cương vị Thành viên HĐQT độc lập. Cho đến năm 2015 được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vinamilk.
Người thứ 2 là bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank, đồng thời là Tổng giám đốc Cty CP hàng không Vietjet. Bà Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, tham gia vào HDBank từ năm 2008.
Bà Thảo là một nữ doanh nhân, nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam được Forbes ghi nhận sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Bà Thảo là Cử nhân Kinh tế và Tài chính, Tín dụng – Ngân hàng, Tiến sĩ Kinh tế.
Phần lớn tài sản của bà Thảo đến từ số cổ phần đã niêm yết của Vietjet Air (mã chứng khoán VJC) sau khi hãng bay này IPO vào tháng 2/2017. Hiện tại, bà Thảo có khối tài sản lên đến gần 3 tỷ USD.
Bên cạnh lĩnh vực ngân hàng và hàng không, bà Thảo còn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico chuyên về bất động sản.
Dự án đầu tiên mà bà Phương Thảo đầu tư là dự án Furama Resort Đà Nẵng (năm 2005), sau đó, mở rộng dự án với 108 căn biệt thự và dự án căn hộ nghỉ dưỡng Ariyana Condotel Đà Nẵng.
Bà Thảo còn thâu tóm thêm 2 dự án nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa là An Lâm Villas Ninh Vân Bay (1/1/2017 dự án đổi tên thành L'Alyana Ninh Vân Bay) và Ana Mandara Cam Ranh. Ngoài ra, Tập đoàn Sovico Holdings còn đẩy mạnh đầu tư các khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT HDBank |
Gần đây, Sovico Holdings tiếp tục phát triển dự án tại những khu đất vàng của TP HCM là Dragon Riverside City (quận 5) và Dragon Village (quận 9).
Tập đoàn Sovico Holdings thành lập vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước tại Liên Bang Nga, trải qua 30 năm hình thành và phát triển, dưới sự dẫn dắt của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tập đoàn Sovico Holdings hiện đang quản trị và điều hành hơn 20 đơn vị thành viên và liên kết, với gần 20,000 nhân viên.
Trở lại vấn đề về kinh doanh của HDBank, lũy kế cả năm 2019, thu nhập lãi thuần tăng 27% so với năm trước, đạt gần 9,747 tỷ đồng, trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng đến 36%, ghi nhận gần 596 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 5,018 tỷ, tăng 25% so với năm 2018 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận sau thuế đạt 4,020 tỷ đồng, tăng 25.6%. Lãi ròng HDBank đạt gần 3,605 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2020, HDBank có thu nhập lãi thuần 11.897 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 950 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối 167 tỷ đồng, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh 105 tỷ đồng… Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 2020 của HDBank đạt 5.818 tỷ đồng; Tổng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp 1.171 tỷ đồng. Đến 31/12/2020, HDBank có tổng vốn chủ sở hữu 24.704 tỷ đồng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/hdbank-bi-co-quan-thue-xu-phat-hon-190-trieu-va-nhung-cau-chuyen-lum-xum-130146.html