Theo phản ánh của người dân tới Báo Dân Việt, phóng viên đã có mặt tại khu vực xưởng sản xuất "không tên" tại xã Đình Chu, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc).
Ghi nhận ban đầu cho thấy, thời điểm phóng viên có mặt không thấy hiện tượng đốt rác nhưng theo người dân việc đốt rác thải tại xưởng sản xuất này vẫn diễn ra vào ban đêm.
Khu nhà xưởng được xây dựng kiên cố, bao gồm hai hệ thống nhà xưởng, một bên chính và một bên phụ. Bên phụ là khu vực người dân "tố" đơn vị này đốt rác gây ô nhiễm môi trường.
Mặc dù nhà ở cách xa xưởng sản xuất "không tên" này hàng trăm mét nhưng ông Trần Thanh Hương, thôn Phấn Khởi, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch vẫn ngửi thấy mùi khét lẹt từ việc đốt rác thải của xưởng sản xuất này. Ông Hương cho biết: "Thường thì rác thải được đốt vào buổi đêm, đây là các loại giấy được tẩm hóa chất, dùng trong công nghiệp. Người dân nơi đây đã kiến nghị nhiều lần, kể cả qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng việc đốt rác thải vẫn diễn ra".
Để làm rõ các vấn đề nhân dân phản ánh, phóng viên Dân Việt đã làm việc với UBND xã Đình Chu, huyện Lập Thạch. Khi phóng viên đề cập tới nội dung người dân phản ánh ô nhiễm từ việc đốt rác thải của đơn vị "không tên" này, lãnh đạo UBND xã Đình Chu cho biết: "Việc đốt rác thải đã được đơn vị này chuyển đi nơi khác và không đốt ở đó nữa".
Về việc xây dựng nhà xưởng, nhà máy trên đất nông nghiệp, lãnh đạo xã cho biết: "Đây là đất nông nghiệp không sản xuất được, xã cũng đang quy hoạch thành đất thương mại. Xưởng sản xuất này là tồn tại từ trước, xã đã có báo cáo lên trên".
Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Lập Thạch ông P.V.H, ông P.V.H trả lời không biết có việc này và sẽ cho cán bộ chuyên môn kiểm tra lại.
Lãnh đạo UBND xã Đình Chu "chia sẻ" thêm những khó khăn như: hiện toàn xã không có một nhà máy, một doanh nghiệp nào cả, và cho biết người chủ của xưởng sản xuất trên đất nông nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường này là người địa phương.
Khi phóng viên đến làm việc với xưởng sản xuất "không tên" này thì được một người nhận là nhân viên kế toán cho biết, giám đốc không có ở đây mà ở Hà Nội.
Dù nhiều sai phạm liên quan tới đất đai, môi trường, giấy phép hoạt động nhưng đơn vị "nhiều không" này vẫn ngang nhiên hoạt động, mặc cho những phản ánh, kiến nghị của người dân nơi đây trong nhiều năm qua. Chính quyền đang "làm ngơ" cho sai phạm, không có động thái kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, để vi phạm kéo dài, dẫn tới ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân địa phương?
Trước những dấu hiệu sai phạm trên, các cơ quan chức năng huyện Lập Thạch, và tỉnh Vĩnh Phúc cần nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, xử lý sai phạm của đơn vị "không tên" này, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Điều 4 của Luật Xây dựng - Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng
Phải bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của từng địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khoản d, Điều 14 Luật Xây dựng - Yêu cầu và nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch xây dựng
Phải Bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động bất lợi đến cộng đồng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật;
Link nội dung: https://biztoday.vn/vinh-phuc-xuong-san-xuat-quy-mo-lon-moc-tren-dat-nong-nghiep-trai-phep-nguoi-dan-to-gay-o-nhiem-134872.html