Dự án Khu đô thị Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội) chậm triển khai gây ảnh hưởng quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ảnh: HÀ QUANG
Bất cập vì dự án treo
Cứ tưởng diện mạo quê hương sẽ đổi thay, đời sống người dân được nâng lên khi hàng loạt dự án lớn được triển khai trên địa bàn, nhưng đã hơn 10 năm qua, người dân xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) vẫn mòn mỏi chờ đợi bởi tất cả đều án binh bất động. Ông Nguyễn Văn Hạnh ở thôn 6, xã Tiến Xuân cho biết, vì đất ở của gia đình ông nằm trong khu vực quy hoạch, cho nên rất khó chuyển nhượng, còn đất ruộng manh mún cũng không thể dồn đổi vì thuộc đất dự án. Theo thống kê, trên địa bàn xã Tiến Xuân hiện có 21 dự án với tổng diện tích hơn 1.100 ha chậm triển khai từ năm 2008 đến nay. Thí dụ như các dự án: Tổ hợp thương mại và dịch vụ đô thị cao cấp Vitaco (Sunny City), Khu biệt thự, nhà vườn nghỉ dưỡng sinh thái Việt Nam, Khu đô thị Tiến Xuân... Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân, Ðinh Công Long cho biết, các dự án chậm triển khai đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ðây cũng là nguyên nhân khiến người dân không thể thực hiện các quyền lợi liên quan đất đai như cho tặng, thừa kế hay thế chấp ngân hàng để vay vốn phát triển kinh tế.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Hoàng Anh Tuấn cho biết, trên địa bàn huyện có 60 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, nhưng chậm triển khai. Trong đó, có 47 dự án đô thị, 13 dự án khác được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích 2.140 ha. Các dự án này đều đã hết hạn đầu tư và phải thực hiện việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư. Ðến nay, UBND thành phố đã điều chỉnh chủ trương đầu tư bảy dự án; còn 53 dự án chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.
Ngay tại khu vực nội thành, nơi được coi là "tấc đất, tấc vàng", tình trạng các dự án chậm triển khai, đất để hoang nhiều năm cũng xảy ra nhiều. Quận Bắc Từ Liêm hiện có tám dự án chậm triển khai giải phóng mặt bằng với diện tích gần ba héc-ta. Về nghĩa vụ tài chính, qua rà soát hiện có ba dự án còn nợ tiền thuế sử dụng đất và tiền chậm nộp thuế là 228,6 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng số 4 Vạn Xuân nợ hơn 200 tỷ đồng từ nhiều năm nay. Còn tại quận Nam Từ Liêm, hơn một trăm héc-ta đất "vàng" của hàng chục dự án bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích nhiều năm nay vì các vướng mắc khác nhau, gây lãng phí lớn cho Nhà nước và xã hội. Ðiều đáng nói là hầu hết các dự án này đã được HÐND thành phố Hà Nội chỉ ra từ đợt giám sát giữa năm 2018. Tuy nhiên đến nay, tiến độ triển khai vẫn không tiến triển. Theo lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm, trên địa bàn quận có 48 dự án chậm triển khai, trong đó có 36 dự án đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thanh tra, kiểm tra. Ðến nay, mới có một dự án bị UBND thành phố bãi bỏ quyết định thu hồi đất, với diện tích 2.235 m2.
Mới thu hồi... trên giấy
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố hiện còn 379 dự án chậm tiến độ, tập trung ở các quận, huyện: Mê Linh, Thạch Thất, Cầu Giấy, Hoàng Mai... Ðó là những dự án đang chờ điều chỉnh quy hoạch, hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư; hoặc chưa được chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, hoặc đang bị triển khai dở dang. Ðáng nói, có những dự án chính quyền sở tại không thể liên hệ được với chủ đầu tư để giải quyết vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoặc chủ đầu tư chây ỳ, kéo dài thời gian thực hiện. Cùng với đó, không ít chủ đầu tư cố tình vi phạm, "lách luật" bằng cách liên tục xin thay đổi quy hoạch, mục đích triển khai dự án nhằm tìm kiếm nhà đầu tư mới để "kiếm lời".
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Lê Thanh Nam cho biết: Trên cơ sở rà soát các dự án chậm triển khai, Sở đã kiến nghị UBND thành phố đưa 57 dự án với diện tích 49,3 ha ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai, sử dụng đất có vi phạm do chủ đầu tư đã khắc phục; tiếp tục giám sát 39 dự án với diện tích 241,6 ha đất; xác định và thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 60 dự án... Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát tiến độ các dự án theo quy định.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội, Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tích cực phối hợp theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các kết luận giám sát, thanh tra đã có, chưa tổng hợp hết kết quả sau thanh tra. Ðồng thời, Sở cần phân nhóm các dự án liên quan các vấn đề về tài chính hay đầu tư, quy hoạch để gửi danh mục cho các sở liên quan rà soát, gửi địa phương. Thí dụ như đối với 89 dự án chậm triển khai (tính đến năm 2012) còn tồn tại đã được Thường trực HÐND thành phố kiến nghị tại Báo cáo số 53/BC-HÐND ngày 20-9-2012, đến nay còn 56 dự án chưa được khắc phục dứt điểm các vi phạm theo kiến nghị giám sát. Trong đó 22 dự án có quyết định thu hồi đất, nhưng đến thời điểm giám sát lại vào tháng 3-2021, vẫn còn 18 dự án chưa được thu hồi đất trên thực tế. Bên cạnh đó, trong số 383 dự án chậm triển khai giai đoạn 2012 - 2017, HÐND thành phố kiến nghị, đến nay vẫn còn 293 dự án tiếp tục chậm triển khai hoặc có các vi phạm. Trong số 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2018, vẫn còn 37 dự án chậm nộp tiền sử dụng đất gần 2.000 tỷ đồng.
Ðể giải quyết dứt điểm tình trạng dự án chậm triển khai, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Hoàng Anh Tuấn kiến nghị: "Với những dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không có năng lực, thành phố cần thu hồi để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân, cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, các sở, ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư, các thủ tục liên quan giao đất, thu hồi giải phóng mặt bằng...". Ðồng tình quan điểm này, lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm đề nghị thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tích cực đôn đốc các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục, báo cáo thành phố xem xét quyết định, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Phó Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội, Phùng Thị Hồng Hà đề nghị các sở, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra và tham mưu UBND thành phố kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án vi phạm; đẩy mạnh quản lý thực hiện dự án theo quy hoạch và rà soát tiến độ điều chỉnh quy hoạch đối với từng dự án. Ðồng thời có giải pháp ngăn chặn việc chủ đầu tư lợi dụng đề xuất điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai của dự án nhằm trục lợi, gây lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên của Nhà nước và nhân dân.
Link nội dung: https://biztoday.vn/manh-tay-xu-ly-cac-du-an-om-dat-roi-bo-hoang-138674.html