Dự án Hòa Lân lại bị 'treo', vòng quay tố tụng mới chưa biết khi nào có hồi kết

Kháng nghị Giám đốc thẩm khiến doanh nghiệp chồng chất thiệt hại và gần 50ha đất Dự án Hòa Lân (Bình Dương) bỏ trống 20 năm nay sẽ tiếp tục kéo dài, gây lãng phí rất lớn.

Trúng đấu giá dự án khu dân cư Hòa Lân (Bình Dương) từ tháng 5/2017, đã đầu tư trên 2.000 tỉ đồng, nhưng đến nay Công ty CP Đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh) vẫn chưa triển khai được, do liên tục bị khiếu kiện, thanh tra, xét xử. Sau bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM, tưởng như vụ việc đã khép lại sau 4 năm tranh chấp, nhưng ngày 22/6/2021, VKSND Cấp cao tại TP.HCM lại Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm (KNGĐT) đề nghị hủy và tạm đình chỉ thi hành bản án.

20 năm, đất “vàng” bỏ trống

Từ năm 2019, đã có hàng trăm bài báo lên tiếng về những bất thường trong việc giải quyết tranh chấp Dự án khu dân cư Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) giữa Công ty Thiên Phú với Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn, Agirbank Chợ Lớn yêu cầu hủy kết quả đấu giá dự án mà Công ty Kim Oanh đã trúng đấu giá.

Riêng VOV.VN đã có loạt bài: “Dự án khu dân cư Hòa Lân, Bình Dương ách tắc vì đơn thư kiện tụng”; “Vì sao vụ kiện dự án khu dân cư Hòa Lân vẫn nhùng nhằng kéo dài?”; “Dự án khu dân cư Hòa Lân, Bình Dương: Ai đang làm méo mó Nghị quyết 42 của Quốc hội?”; “Những quyết định bất thường của Tòa án nhân dân quận 7”…

Dự án Hòa Lân (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) vẫn bỏ trống.

Xin được nhắc lại vụ việc, Agribank Chợ Lớn cho Công ty Thiên Phú vay số tiền lớn để đầu tư dự án Hòa Lân, đồng thời lấy dự án này làm tài sản thế chấp. Sau nhiều năm, Công ty Thiên Phú không có khả năng trả nợ, số tiền vay trở thành nợ xấu nên Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú thỏa thuận bán đấu giá Dự án này, đồng thời thuê Công ty đấu giá Nam Sài Gòn làm các thủ tục.

Vào thời điểm trầm lắng của thị trường bất động sản, diện tích gần 50 ha Dự án Khu dân cư Hòa Lân như một “cục máu đông” không ai để ý tới. Bởi vậy, dù qua 12 lần thông báo bán đấu giá kéo dài suốt 3 năm vẫn không có người đăng ký, hoặc đăng ký rồi rút, hoặc tham gia đấu giá nhưng không thành. Lần đấu giá thứ 13 vào tháng 5/2017, Công ty Kim Oanh trúng đấu giá với số tiền 1.353 tỉ đồng và tiến hành các thủ tục xác định ranh giới, đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện các nghĩa vụ thanh toán...

Khi thị trường bất động sản phục hồi, một số dự án giao thông ở Bình Dương khởi động, giá đất bắt đầu tăng, dự án Hòa Lân được ví như “đất vàng” thì xuất hiện tố cáo, tranh chấp đòi hủy kết quả đấu giá. Vụ tranh chấp kéo dài liên tục từ năm 2018 đến năm 2021. Sau khi Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc, kết luận việc đấu giá tài sản đúng quy định, không trái pháp luật, không phải hủy kết quả đấu giá thì Công ty Thiên Phú lại khởi kiện ra Tòa vẫn với yêu cầu “hủy kết quả đấu giá”.

Qua hành trình tố tụng đầy phức tạp, bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 99/2020/KDTM-ST ngày 12/11/2020 TAND quận 7, TP.HCM đã được các bên tranh chấp “tâm phục, khẩu phục”; các nguyên đơn rút đơn khởi kiện, không còn khiếu nại và các bên cùng nhau bàn giao dự án trên thực địa vào tháng 12/2020.

Tiếp đó, Bản án phúc thẩm 264/2021/KDTM-PT ngày 24/3/2021 của TAND TP.HCM quyết định “Đình chỉ giải quyết vụ án” khép lại hành trình 4 năm thanh tra, kiện tụng với thiệt hại lớn thuộc về Công ty Kim Oanh do dự án bị đình trệ.

Các bên liên quan vụ tranh chấp tiến hành bàn giao Dự án Khu dân cư Hòa Lân vào tháng 12/2020.

Nhưng chỉ 2 tháng sau, ngày 22/6/2021, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM bất ngờ ban hành Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm (KNGĐT) số 174/QĐKNGĐT-VKS-KDTM, đề nghị Tòa án cấp cao tại TP. HCM hủy 2 bản án trên, đồng thời tạm đình chỉ thi hành án. Vậy là Dự án Hòa Lân một lần nữa bị “treo”. Lại một vòng quay tố tụng mới chưa biết bao giờ kết thúc. Doanh nghiệp “than trời” mặc dù việc tham gia và trúng đấu giá là hợp pháp, là bên thứ ba ngay tình.

Cùng với những thiệt hại do đại dịch Covid-19, Công ty Kim Oanh cho rằng: “Quyết định KNGĐT khiến doanh nghiệp chồng chất thiệt hại bởi hàng ngàn lao động có nguy cơ mất việc làm, uy tín của doanh nghiệp và tài sản của khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; gần 50 ha đất bị bỏ trống suốt 20 năm qua, nay nguy cơ tiếp tục kéo dài, gây lãng phí rất lớn”.

Có hay không vi phạm nghĩa vụ thanh toán?

Một trong những nội dung KNGĐT cho rằng, sau khi trúng đấu giá dự án Hòa Lân với mức 1.353 tỉ đồng vào tháng 5/2017, Agribank Chợ Lớn đã “vi phạm trong việc cho Công ty Kim Oanh chậm thanh toán”. Trong 2 năm từ 2017 - 2019, Kim Oanh mới thanh toán đủ số tiền đấu giá thành và mức lãi trả chậm với tổng cộng hơn 1.450 tỉ đồng “làm ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ xấu của Ngân hàng cũng như quyền lợi của nhà nước”.

Theo hồ sơ vụ việc: Trong thời gian chậm thanh toán vì nhiều trở ngại khách quan như phải tiếp tục thỏa thuận đền bù với khoảng 20 hộ dân còn lại; xác định ranh giới khu đất trên thực địa; cùng thời điểm Thanh tra Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra việc bán đấu giá tài sản của Công ty Nam Sài Gòn, nên Công ty Kim Oanh đề nghị và được Agribank Chợ Lớn, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn chấp thuận chậm thanh toán, nhưng phải trả lãi suất quá hạn. Đến tháng 5/2019, Công ty Kim Oanh trả đầy đủ cả số tiền trúng đấu giá và lãi suất theo thỏa thuận.

Chính vì vậy, Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định có vi phạm về việc chậm thanh toán. Đây cũng không phải là lý do để hủy kết quả đấu giá vì không thuộc các trường hợp của điều 72 Luật Đấu giá tài sản.

Dự án Khu dân cư Hòa Lân bị "treo" do vướng quy trình tố tụng..

Trên thực tế, Agribank thu hồi xong nợ xấu, tài sản nhà nước không bị thiệt hại; Công ty Thiên Phú đã trả nợ hết cho Agirbank; Công ty đấu giá Nam Sài Gòn cũng hoàn tất nghĩa vụ và thanh lý hợp đồng bán đấu giá tài sản. “Chỉ còn Công ty Kim Oanh phải chịu thiệt hại do dự án Hòa Lân tiếp tục bị kéo dài mà không phải lỗi do mình gây ra”, đại diện Công ty Kim Oanh cho biết.

Nhiều nội dung trong KNGĐT đã được Thanh tra Chính phủ (thanh tra năm 2013), Thanh tra Bộ Tư pháp (thanh tra năm 2018) có Kết luận báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và nhiều cơ quan liên quan. Đặc biệt, qua 2 cấp xét xử có sự tham gia của các kiểm sát viên các cấp trong suốt 3 năm qua (từ 2019 đến 2021) đều cho rằng, việc bán đấu giá tài sản là đúng pháp luật và vụ án đã được các bên chấp thuận, tự nguyện thi hành.

“Là bên thứ ba ngay tình, không liên quan tới lỗi của các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp khác, Công ty Kim Oanh đề nghị được pháp luật bảo vệ theo điều 133 Bộ luật Dân sự 2015”, đại diện doanh nghiệp này nêu quan điểm./.

Link nội dung: https://biztoday.vn/du-an-hoa-lan-lai-bi-treo-vong-quay-to-tung-moi-chua-biet-khi-nao-co-hoi-ket-145116.html