Hơn một năm trước, TP.HCM là hình mẫu chống dịch của cả nước với giải pháp tiên phong như đóng cửa quán bar, vũ trường, karaoke… hay sáng kiến xây dựng bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Giờ đây, TP.HCM trở thành tâm dịch có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất cả nước với hơn 6.000 ca bệnh sau 40 ngày bùng dịch (tính từ 27/5).
Trong khi đó, Bắc Giang - nơi từng là tâm dịch đáng lo ngại nhất - bắt đầu ghi nhận ngày đầu tiên không có ca nhiễm mới sau gần 2 tháng (ngày 3/7). Là nơi đầu tiên ghi nhận trên 5.000 ca nhiễm, địa phương này từng trải qua nhiều vấn đề mà TP.HCM đang gặp phải.
Bắc Giang mất gần 2 tháng để nắm thế chủ động, kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh. Thời gian này, lãnh đạo tỉnh đã không ít lần phải đứng trước câu hỏi có nên cách ly xã hội toàn tỉnh để ngăn chặn dịch hay không.
Dồn đọng mẫu xét nghiệm
Những ngày giữa tháng 5, số ca nhiễm tại Bắc Giang bất ngờ giảm khiến nhiều người hy vọng tình hình được cải thiện. Khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thẳng thắn thừa nhận số lượng F0 ở Bắc Giang chưa giảm, mà tốc độ xét nghiệm đang “tắc”. Nguyên nhân là tốc độ lấy mẫu không tương ứng với công suất xét nghiệm.
Việc xét nghiệm tại TP.HCM đang gặp nhiều hạn chế. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đây cũng là vấn đề TP.HCM đang gặp phải. Một số khu vực tại TP.HCM bị kéo dài thời gian phong tỏa hơn 21 ngày do người dân chưa có kết quả xét nghiệm lần cuối. Nhiều khu cách ly tập trung cũng báo cáo tình trạng trả kết quả xét nghiệm trễ dẫn đến phát hiện ca bệnh chậm, gây nguy cơ lây nhiễm chéo cho người cách ly chung phòng.
Kể từ khi bùng dịch hôm 27/5, TP.HCM liên tục nâng công suất xét nghiệm. Từ 100.000 mẫu xét nghiệm/ngày, TP.HCM đặt mục tiêu mỗi ngày lấy 500.000 mẫu và thậm chí là một triệu mẫu – theo chỉ tiêu mà UBND TP.HCM đặt ra trong Kế hoạch cao điểm kiểm soát dịch trước 10/7.
Thế nhưng, số liệu báo cáo của HCDC cho thấy một bức tranh khác. Từ 26/5 đến hết 3/7, TP.HCM lấy gần 1,6 triệu mẫu xét nghiệm, bao gồm cả F1, F2 và mở rộng tầm soát. Đây là con số rất cao so với năng lực trước đó của thành phố. Tổng mẫu tích lũy từ đợt dịch đầu tiên đến ngày 26/5 cũng chỉ hơn 851.000 mẫu.
Số liệu lấy mẫu xét nghiệm tại TP.HCM | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nguồn dữ liệu: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 26/5 | 28/5 | 30/5 | 31/5 | 1/6 | 2/6 | 3/6 | 4/6 | 5/6 | 6/6 | 8/6 | 9/6 | 10/6 | 11/6 | 12/6 | 13/6 | 14/6 | 15/6 | 16/6 | 17/6 | 18/6 | 19/6 | 20/6 | 21/6 | 22/6 | 23/6 | 24/6 | 25/6 | 27/6 | 28/6 | 29/6 | 30/6 | 1/7 | 2/7 | 3/7 | ||
Tổng xét nghiệm | Mẫu | 2318 | 30938 | 151487 | 199238 | 277841 | 299157 | 323204 | 390016 | 410310 | 443081 | 457342 | 482154 | 510766 | 531585 | 535941 | 560270 | 591972 | 593333 | 628127 | 645198 | 664179 | 688555 | 711762 | 733114 | 995170 | 1035936 | 1085493 | 1113933 | 1195907 | 1214722 | 1255506 | 1408106 | 1457126 | 1533704 | 1596473 | |
Xét nghiệm chờ | 29 | 18806 | 93528 | 129062 | 180991 | 186907 | 198699 | 253334 | 192611 | 206526 | 184768 | 183145 | 130421 | 142835 | 101234 | 20116 | 31859 | 33022 | 37734 | 48593 | 54902 | 61779 | 64875 | 42953 | 296780 | 324708 | 343070 | 0 | 0 | 0 | 184103 | 314682 | 311994 | 351254 | 314935 |
Tuy nhiên, con số 1,6 triệu vẫn còn rất xa so với mục tiêu 5 triệu mẫu mà thành phố đặt ra. Thực tế cho thấy các mẫu xét nghiệm liên tục trong tình trạng phải chờ. Từ biểu đồ trên có thể thấy giai đoạn giữa tháng 6, số mẫu chờ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, từ tuần thứ 3 của tháng 6 đến nay, số mẫu chờ ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với số mẫu mà ngành y tế lấy được (riêng ngày 25, 28, 27/6 không có số liệu mẫu chờ).
Giải thích vấn đề dồn đọng mẫu của Bắc Giang, ông Mai Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết khi đó, vấn đề của tỉnh là công suất lấy mẫu mỗi ngày quá nhanh, có thể lên đến 60.000-70.000 mẫu. Tuy nhiên, công suất phòng xét nghiệm của CDC Bắc Giang chỉ 1.500-2.000 mẫu.
Để giải quyết vấn đề này, Bắc Giang đã kêu gọi mọi chi viện, gửi mẫu đi khắp nơi. 10 phòng xét nghiệm tại Bắc Giang và các tỉnh lân cận được huy động để hỗ trợ. Tỉnh cũng vận động doanh nghiệp tài trợ thêm máy PCR để nâng công suất xét nghiệm. Xét nghiệm nhanh cũng được vận dụng tối đa ngay từ đầu dịch để tăng khả năng tầm soát diện rộng.
Lây nhiễm chéo trong khu cách ly
Là hai địa phương cùng có số bệnh nhân Covid-19 vượt mốc 5.000, Bắc Giang và TP.HCM có điểm chung là hầu hết ca nhiễm được phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng phần lớn các ca dương tính tại khu cách ly có quá trình “ủ bệnh” từ trước. Trong đó, nhiều trường hợp phải xét nghiệm đến lần 4, 5 mới phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. HCDC khẳng định qua điều tra tại các khu cách ly cho thấy không có sự lây nhiễm chéo.
Bệnh viện dã chiến công suất 600 giường trong nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Phạm Thắng. |
Còn tại Bắc Giang, Phó chủ tịch Mai Sơn thừa nhận ngành y tế từng phải đối mặt với tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
“Giải pháp rất quan trọng là giảm tải các khu cách ly và đưa nhóm y tế có kinh nghiệm vào để hướng dẫn việc phòng dịch”, ông Mai Sơn nói.
Để chấm dứt tình trạng lây nhiễm chéo, Bắc Giang chia các khu cách ly tập trung có ca nhiễm mới theo nhóm nguy cơ cao (1 người/phòng), nguy cơ trung bình (2-3 người/phòng), nguy cơ thấp (4 người/phòng).
Nhân viên y tế có kinh nghiệm mới biết trường hợp nào có thể lây nhiễm chéo
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn
Bắc Giang cũng phân loại các khu cách ly tập trung theo màu đỏ (có ca nhiễm mới liên tục 2 ngày hoặc một ngày có nhiều ca nhiễm), màu vàng (từng có ca nhiễm), màu xanh (chưa có ca nhiễm), để tập trung kiểm tra, giám sát trọng điểm nhằm hạn chế lây nhiễm chéo.
Vị phó chủ tịch giải thích giai đoạn đầu, người cách ly cùng nhau đi ra khu vệ sinh để tắm, giặt; hoặc cùng ra ngoài lấy cơm mang vào phòng ăn. Ông cho biết đây là các điều kiện để người cách ly tiếp xúc, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo. Sau khi phát hiện điểm yếu này, tỉnh đã thay đổi phương án. Người cách ly phải sử dụng khu vệ sinh theo giờ; cơm được nhân viên y tế đặt tại hành lang trước cửa phòng thay vì để người cách ly ra ngoài lấy.
“Nhân viên y tế có kinh nghiệm mới có thể quản tốt, biết trường hợp nào có thể lây nhiễm chéo và thay đổi cách làm”, ông Sơn chia sẻ bài học.
Có nên cách ly toàn địa bàn?
Một trong những câu hỏi cân não nhất với lãnh đạo Bắc Giang trong 2 tháng kiểm soát dịch là có nên áp dụng Chỉ thị 16 hay không, áp dụng với khu vực nào.
“Liên tục có ý kiến dư luận là sao không áp dụng cách ly cả tỉnh mà chỉ làm lẻ tẻ. Mình phải có kiến thức, phương tiện, và đặc biệt là có bản lĩnh để ra quyết định”, Phó chủ tịch Mai Sơn chia sẻ về giai đoạn cao điểm dịch của Bắc Giang.
Giống như TP.HCM, Bắc Giang kiên định với giải pháp khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp. Địa phương này chọn áp dụng Chỉ thị 16 tại huyện Lục Nam, Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên. Các huyện còn lại tùy tình hình áp dụng Chỉ thị 15, 19 hoặc giữ trạng thái bình thường.
TP.HCM áp dụng phương pháp khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp khu vực nguy cơ. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Vị phó chủ tịch tỉnh chia sẻ qua đánh giá tình hình, tỉnh nhận thấy dịch chỉ khu trú trong những khu vực cụ thể, đặc biệt tập trung ở các khu công nghiệp. Do đó, không cần thiết phải đóng cả tỉnh, đặc biệt khi Bắc Giang là vùng nông sản lớn với đặc sản vải thiều. Nếu đóng cửa sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nông sản của nông dân. Do đó, thay vì áp dụng Chỉ thị 16 toàn tỉnh, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang đã đặt bút ký quyết định tạm ngưng hoạt động 4 khu công nghiệp.
Liên tục có ý kiến dư luận là vì sao không áp dụng cách ly cả tỉnh mà chỉ làm lẻ tẻ
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn
Để có bản lĩnh đưa ra quyết định này, Phó chủ tịch Mai Sơn chia sẻ xét nghiệm chính là phương tiện giúp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đánh giá tình hình dịch sát thực tế nhất.
Qua truy vết, ngành y tế nhận thấy ca bệnh ở các huyện đều có mối liên quan đến khu công nghiệp. Trong khi đó, xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên ngoài cộng đồng, tại các khu vực dễ lây nhiễm như chợ, bến xe, nơi giao lưu nhiều thì không phát hiện ca bệnh. Trên cơ sở đó, tỉnh đánh giá dịch khu trú trong khu công nghiệp. Địa phương này yêu cầu công nhân không ra khỏi tỉnh, không giao lưu giữa các huyện để cắt đứt nguồn lây nhiễm.
Khác với Bắc Giang, từ sau khi kiểm soát chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo, TP.HCM liên tục phát hiện những chuỗi lây nhiễm mới tại khu dân cư, chợ, bệnh viện, khu công nghiệp… Các chùm ca bệnh này đều không có điểm chung nào mà được phát hiện ngẫu nhiên.
Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang nhận định TP.HCM đang rơi vào tình thế khó khăn. Ông chia sẻ nếu giai đoạn cao điểm, Bắc Giang phát hiện nhiều F0 qua lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ngoài cộng đồng, có thể tỉnh sẽ phải áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh mỗi tỉnh có đặc điểm khác nhau nên rất khó để áp dụng một phương pháp chung.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chi viện lực lượng thiện chiến nhất cho TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
40 ngày kể từ khi bùng dịch, chu kỳ 1.000 ca nhiễm của TP.HCM ngày càng ngắn lại. Ngày 1/7, TP.HCM vượt mốc 4.000 ca nhiễm. Ngày 3/7, thành phố ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm. Ngay hôm sau, 4/7, thành phố cán mốc 6.000 ca.
Truy vết thần tốc, khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp vẫn là giải pháp xuyên suốt được TP.HCM áp dụng. Trên tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa, TP.HCM ngày càng trao quyền nhiều hơn cho các địa phương để chỉ đạo sát với tình hình. Đây cũng là nguyên tắc được Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt nhiều lần.
Trong cuộc họp với TP.HCM ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương chi viện các lực lượng thiện chiến nhất cho TP.HCM. Ông cũng yêu cầu phong tỏa, giãn cách không phụ thuộc cứng nhắc vào địa giới hành chính; lấy hệ thống chính trị cơ sở là nền tảng, là pháo đài chống dịch để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, với sự vào cuộc của lực lượng công an, sự hỗ trợ của quân đội.
“Lãnh đạo phải chọn việc khó khăn hơn để thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội”, Thủ tướng quán triệt tinh thần.
Link nội dung: https://biztoday.vn/cau-hoi-ve-gian-cach-xa-hoi-o-tphcm-va-bai-hoc-tu-bac-giang-145665.html