Bãi Lữ được giới thiệu là một trong những dự án có tiềm năng lớn nhất khu vực miền Trung. Ảnh: https://cafeland.vn
Cả hai dự án đình đám đều vướng... thị phi
Tuy nhiên, điểm chung là cả hai dự án này đều dính lùm xùm về vấn đề huy động vốn.
Ngày 15/6, Sở Xây dựng Nghệ An đã có Văn bản 1941/SXD-QLN về việc kinh doanh bất động sản tại dự án khu du lịch sinh thái Bãi Lữ, xã Nghi Yến và xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc.
Dự án khu du lịch sinh thái Bãi Lữ có tên thương mại Meyresort Bãi Lữ do Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh Bãi Lữ làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành (Meyland) là nhà phát triển. Dự án có quy mô hơn 51ha với các hạng mục chính như tổ hợp khách sạn Mgallery, quần thể biệt thự, khu vực shophouse, trung tâm hội nghị quốc tế, bể bơi, beach club… Khu du lịch sinh thái dự kiến được khai trương vào quý IV/2023.
Theo Sở Xây dựng Nghệ An, gần đây, dư luận phản ánh, tại khu dự án Meyresort Bãi Lữ do Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh Bãi Lữ làm chủ đầu tư đang diễn ra các hoạt động quảng cáo rao bán các sản phẩm của dự án.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Sở Xây dựng chưa có văn bản thông báo dự án đủ điều kiện huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoặc văn bản thông báo dự án đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai. Vì vậy, chủ đầu tư chưa được phép ký các loại hợp đồng huy động vốn này đối với sản phẩm nhà ở tại dự án nêu trên.
Liên quan đến dự án này, đại diện Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho biết, Meyresort Bãi Lữ có quy mô hơn 52 ha với các hạng mục chính như: Tổ hợp khách sạn Mgallery, quần thể biệt thự, khu vực shophouse, trung tâm hội nghị quốc tế, bể bơi, beach club…
Dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ xây dựng 1/500 vào tháng 10/2020. Nhận bàn giao đất vào tháng 1/2021, ngay sau khi nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giữa tháng 5/2021, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bãi Lữ, công ty con của Tân Á Đại Thành, đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, với số tiền hơn 188 tỷ đồng. Cục Thuế tỉnh Nghệ An có văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho Công ty Bãi Lữ. Hiện dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Dự án Bãi Lữ, Nghệ An không phải lần đầu Tân Á Đại Thành vướng những lùm xùm về vấn đề huy động vốn.
Một cái tên khác trong danh mục dự án của tập đoàn này là dự án khu dân cư và đô thị cao cấp Hưng Phát (tên thương mại là Meyhomes Capital Phú Quốc) tọa lạc tại xã Dương Tơ và thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Du lịch và Kinh doanh Bất động sản Hưng Phát (công ty con của Tập đoàn Tân Á Đại Thành) làm chủ đầu tư.
Theo quy hoạch được duyệt ngày 23/10/2019, dự án có quy mô trên 56ha. Tuy nhiên, dự án chỉ mới được tạm bàn giao một phần đất theo quy hoạch được duyệt. Mặc dù chưa hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng dự án từng được rao bán rầm rộ.
Trước đó, giữa năm 2020, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cấp giấy phép xây dựng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Du lịch và Kinh doanh bất động sản Hưng Phát Phú Quốc (Công ty Hưng Phát Phú Quốc) được phép xây dựng 6 công trình thuộc dự án Meyhomes Capital Phú Quốc trong đó có san nền, hệ thống cấp nước, hệ thống cấp điện và chiếu sáng… dù dự án chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng vì nhiều hộ dân chưa di dời, đang khiếu nại gay gắt.
Dấu hỏi về năng lực của Tân Á Đại Thành
Bước chân vào ngành nghề được xem là "tay trái", giới địa ốc không khỏi hoài nghi về năng lực phát triển các dự án, mặc dù Tân Á Đại Thành cũng là một thương hiệu nổi tiếng.
Thực tế, khi đi sâu vào cấu trúc dòng tiền của tập đoàn này, sự nghi ngại không phải không có cơ sở.
Hiện tại, các công ty bất động sản của Tân Á Đại Thành, như Công ty Đầu tư Kinh doanh Bãi Lữ, Công ty Hưng Phát Phú Quốc, Công ty Bất động sản Tân Á Đại Thành đều mới thành lập nên chưa phát sinh doanh thu. Mỗi công ty này hàng năm lỗ từ vài trăm cho tới vài tỷ đồng, tài sản không đáng kể.
Theo đó, dòng tiền chính cho tập đoàn này vẫn chủ yếu đến từ các doanh nghiệp sản xuất.
Trong đó, một số công ty thành viên chủ chốt trong "hệ sinh thái" của Tân Á Đại Thành có thể kể đến như: Công ty TNHH Sản Xuất và Thương mại Tân Á Hưng Yên (Tân Á Hưng Yên), Công ty Cổ phần Nhựa Stroman (Nhựa Stroman)…
Trong 4 năm gần đây, Tân Á Hưng Yên đều có doanh thu đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng đang có chiều hướng đi xuống. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Tân Á Hưng Yên lần lượt đạt 1.604 tỷ đồng và 2.184 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu thuần của Tân Á Hưng Yên đạt gần 3.000 tỷ đồng, nhưng đến năm 2020, doanh thu giảm hơn 25%, theo giải thích của đại diện tập đoàn là do ảnh hưởng chung bởi dịch COVID-19.
Mặc dù doanh thu nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp cốt lõi trong hệ sinh thái Tân Á Đại Thành không mang lại lợi nhuận tương xứng, hầu hết những năm gần đây chỉ mang tính tượng trưng.
Trong khi đó, kể từ khi thành lập vào tháng 7/2017 đến nay, Công ty Cổ phần Nhựa Stroman mới chỉ báo lãi vào năm 2019. Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần của Nhựa Stroman đạt 101,38 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước; lãi thuần ở mức 0,2 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lỗ thuần 0,58 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Nhựa Stroman đạt 379 tỷ đồng, giảm 5,6% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 197,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, đầu năm 2019, Tân Á Đại Thành đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, đều thuộc sở hữu của các cổ đông cá nhân. Vốn điều lệ công ty này là 510 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Tân Á Đại Thành - bà Nguyễn Thị Mai Phương - nắm giữ nhiều nhất 50%, tiếp đến là ông Nguyễn Minh Ngọc sở hữu 30% và ông Nguyễn Anh Tuấn sở hữu 20%.
Doanh nghiệp này cho tới cuối năm 2020 có tổng tài sản xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 1.600 tỷ nhưng không phát sinh hoạt động kinh doanh.
Link nội dung: https://biztoday.vn/hai-du-an-dinh-dam-va-nang-luc-cua-tan-a-dai-thanh-147098.html