BIDV kẹt giữa hai bờ nợ mới, nợ cũ

Nhằm thu hồi và xử lý nợ xấu từ khách hàng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gần đây liên tục rao bán tài sản đảm bảo của những khoản nợ cả trăm đến nghìn tỷ đồng. Thậm chí có những khoản nợ BIDV đã rao bán nhiều lần, “đại hạ giá” tài sản đảm bảo nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.

Theo đó, BIDV có nhiều khoản nợ "đặc biệt" và tài sản đảm bảo có giá trị lớn từ vài trăm đến hơn nghìn tỷ đồng được rao bán hoặc đang trong quá trình chọn đơn vị tổ chức đấu giá. Trong số đó, có nhiều tài sản, khoản nợ đã được nhà băng này rao bán nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có người mua.

Cụ thể, trong thông báo bán đấu giá lần thứ 9 khoản nợ của Công ty vận tải Biển Đông (Bisco) vào đầu tháng 11/2020, BIDV Long Biên Hà Nội đã đại hạ giá tài sản đảm bảo của khoản nợ này từ gần 174 tỷ đồng ở lần rao bán ban đầu xuống chỉ còn gần 102 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm của khoản nợ là tàu Biển Đông Victory trọng tải 47.084 DWT, trụ sở Công ty tại Hải Phòng, TPHCM và Chứng thư bảo lãnh số 136/CNT-TCKT.

Trước đó, BIDV cho biết, dư nợ của công ty đến ngày 30/6/2020 tại ngân hàng là hơn 17 triệu USD (tương đương với gần 400 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay 23.300 đồng/USD). Trong đó, dư nợ gốc gần 10,3 triệu USD, là dư nợ tham gia đồng tài trợ cho vay đầu tư mua tàu dầu Gammur trọng tải hơn 47 nghìn tấn (nay là tàu Biển Đông Victory) do Agribank Nam Hà Nội làm đầu mối. Dư nợ lãi là hơn 7 triệu USD (trong đó dư nợ lãi trong hạn 5,86 triệu USD, nợ lãi quá hạn 1,14 triệu đồng).

Cũng vào đầu tháng 11/2020, BIDV tiếp tục tổ chức bán đấu giá lần thứ 18 toàn bộ khoản nợ của 1 khách hàng doanh nghiệp là Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với giá khởi điểm 800 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỉ đồng so với nợ gốc và lãi.

Tại thời điểm ngày 7/4/2020, tổng dư nợ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn tại BIDV là 462 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 230 tỷ và nợ lãi 232 tỷ đồng. Còn khoản nợ của 95 khách hàng cá nhân lên tới 2.273 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc 978 tỷ đồng và lãi là 1.295 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ gốc và lãi của 2 khoản này lên tới hơn 2.700 tỷ đồng.

Cùng với việc “đại hạ giá” tài sản đảm bảo của hai khoản nợ khủng trên, BIDV cũng đang rao bán tài sản đảm bảo và chọn đơn vị tổ chức đấu giá những khoản nợ cả trăm tỷ đồng khác.

Theo đó BIDV đang rao bán đấu giá tài sản tại Sa Đéc Đồng Tháp 3 là 24 bất động sản và toàn bộ máy móc thiết bị dây chuyền xây xát, lau bóng gạo tại số 106 Tỉnh lộ 852, ấp Tân Lập, xã Tân Quy Tây, thị xã (nay là thành phố) Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với giá khởi điểm 228,8 tỷ đồng.

BIDV cũng bán đấu giá tài sản tại Cao Lãnh Đồng Tháp 9 là quyền sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất và dây chuyền sản xuất lúa gạo thành phẩm thuộc thửa đất số 207, tờ bản đồ số 10, tại địa chỉ xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với giá khởi điểm 92,6 tỷ đồng.

BIDV Cà Mau đang lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty CP chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Hải. Tài sản đảm bảo là 14.890.000 cổ phiếu chưa niêm yết của Công ty CP Thủy Sản Kiên Giang (Kisimex). Giá khởi điểm toàn bộ nợ gốc và lãi và phí tại thời điểm ngày 31/8 là 136,1 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý III/2020 của BIDV cho biết thu nhập lãi thuần đạt 9.144 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận hơn 2.700 tỷ đồng tăng 16,5% và lợi nhuận sau thuế đạt 2.174 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, lãi trước và sau thuế của BIDV đạt lần lượt 7.061 tỷ đồng và 5.666 tỷ đồng, đều tăng nhẹ so với cùng kỳ. Sau 9 tháng, BIDV mới chỉ đạt hơn 56% kế hoạch lợi nhuận trước thuế đề ra.

Về chất lượng tín dụng, tính đến ngày 30/9/2020, cho vay khách hàng của BIDV đạt gần 1,15 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Nhưng tổng nợ xấu của Ngân hàng tăng đến 16% so với đầu năm, chiếm hơn 22.526 tỷ đồng.

Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 15% đạt gần 4.951 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 16% đạt 14.315 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của BIDV tăng từ 1,75% lên mức 1,97%.

Link nội dung: https://biztoday.vn/bidv-ket-giua-hai-bo-no-moi-no-cu-14772.html