Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh (Lâm Đồng): Bị 'tuýt còi', nhưng… vẫn có thể tiếp tục thực hiện

Dự án 'khủng' tại huyện Đức Trọng đã bị Thanh tra Chính phủ 'tuýt còi'. Nhưng, Dự án có thể được tiếp tục nếu thực hiện đúng các thủ tục, khắc phục những vấn đề đã xảy ra…

Khu vực thực hiện Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh. Ảnh: D.K

Để hàng trăm héc-ta rừng bị phá

Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (còn có tên gọi khác là Dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt, sau đây gọi tắt là Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh) của Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (gọi tắt là Công ty Sài Gòn Đại Ninh) “khai sinh” năm 2010, có diện tích thực hiện lên đến 3.595 ha, tại huyện Đức Trọng. Đáng chú ý, phần diện tích đó có hơn 1.000 ha rừng (trong đó có 342,659 ha rừng tự nhiên).

Sau khi được giao dự án, Công ty Sài Gòn Đại Ninh lập lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách gồm 10 người.

Theo ý kiến của UBND huyện Đức Trọng tại cuộc họp ngày 18/3/2020 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng chủ trì, thì lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách này không đủ số lượng, hoạt động chưa hiệu quả và để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Trước đó, theo Văn bản số 1012 (ngày 20/8/2018) của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh để xảy ra tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng với diện tích 166,142 ha. Trong đó, diện tích bị phá là 140,279 ha, bị lấn chiếm là 25,863 ha.

Nhưng, tại Kết luận số 2094 (ngày 13/4/2020) của UBND tỉnh Lâm Đồng, con số đã “đội lên” gấp đôi: “Doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích 368,51 ha (phá rừng 257,05 ha, lấn chiếm 111,46 ha) và không lập phương án quản lý bảo vệ rừng theo quy định”.

Trong khi đó, Công ty Sài Gòn Đại Ninh lại báo cáo là đã ký nhận rừng trên văn bản giấy tờ mà không kiểm tra thực địa, khẳng định số lượng rừng và lâm sản bị mất theo kết luận thanh tra là không thực tế.

Ngày 25/11/2020, Văn bản số 489 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng khẳng định, việc Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã kiểm kê tài nguyên rừng, nhận bàn giao rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, thiệt hại tài nguyên rừng là vi phạm Luật Lâm nghiệp, thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp.

Tùy tiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Tài liệu phóng viên Báo Đầu tư thu thập được cho thấy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh khá “lắt léo”.

Cụ thể, theo Quyết định số 953 (ngày 22/4/2011) của UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Sài Gòn Đại Ninh được thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án với diện tích 14.324.900 m2, loại đất là đất lâm nghiệp.

Ngày 19/8/2011, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 1814 về điều chỉnh diện tích sử dụng đất đã cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh thuê xuống còn 14.283.560 m2.

Đến ngày 7/2/2012, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 293 về việc chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn I với tổng diện tích 3.238.446,5 m2. Cụ thể, đất ở (giao đất có thu tiền sử dụng đất): 1.665.679 m2; đất chuyên dùng (thuê đất): 486.948 m2; đất giao thông, sân bãi (giao đất không thu tiền sử dụng đất): 1.085.819,5 m2.

Ngày 30/8/2012, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 1827 về điều chỉnh diện tích đất đã cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng đất theo Quyết định số 293. Theo đó, đất giao thông, sân bãi giữ nguyên; 2 loại đất ở và đất chuyên dùng bị “sửa lại”, tương ứng thành 1.665.319 m2 và 487.308 m2.

Sau quyết định này, ngày 16/4/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 737 về việc phê duyệt mức giá giao quyền sử dụng đất để doanh nghiệp nộp ngân sách trước khi được chuyển mục đích sử dụng đất với số tiền hơn 226,05 tỷ đồng.

Nhưng ngày 9/10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng lại ban hành Quyết định số 2020 thống nhất cho Sài Gòn Đại Ninh chưa thực hiện chuyển mục đích sang đất ở với 1.665.319 m2 (chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm); giảm diện tích chuyển mục đích sử dụng đất còn một nửa (còn 1.573.127,5 m2), chuyển mục đích đất ở sang lại đất lâm nghiệp.

Kỳ lạ hơn, ngày 6/12/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng bất ngờ ban hành Văn bản số 2518, thu hồi Quyết định 737 (năm 2014) về phê duyệt mức giá giao quyền sử dụng đất khi được chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo Thanh tra Chính phủ, Quyết định số 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng với nội dung “chưa thực hiện chuyển mục đích sang đất ở đối với diện tích 1.665.319 m2 và diện tích này trở về trạng thái đất chuyên dùng” thể hiện sự tùy tiện và chưa phù hợp với mục tiêu Dự án “thực hiện dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh”. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cần rà soát lại tính pháp lý của quyết định này.

Chưa kể, tại Kết luận thanh tra số 929 (ngày 12/6/2020), Thanh tra Chính phủ chỉ ra, việc UBND tỉnh Lâm Đồng không ra quyết định thu hồi đất là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai, “chạy theo” chủ đầu tư.

Hai “con đường” cho dự án

Ngày 25/11/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 489, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh, sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận số 929.

Tuy nhiên, sau khi Kết luận thanh tra số 929 được ban hành, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng… cho tiếp tục thực hiện Dự án (giãn tiến độ, điều chỉnh dự án) và phục hồi nghĩa vụ tài chính.

Ngày 18/1/2021, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất tạm thời chưa xem xét chấm dứt hoạt động Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh để chờ kết quả kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Tại Báo cáo số 715 (ngày 10/5/2021) về giải quyết các kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc cơ quan này kiến nghị chấm dứt hoạt động Dự án như Kết luận thanh tra số 929 là đảm bảo theo quy định của pháp luật và tình hình thực hiện Dự án của Công ty tại thời điểm năm 2018.

“Thời điểm ban hành Kết luận thanh tra, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không có năng lực tài chính, không có khả năng thực hiện dự án. Theo đó, đến ngày 9/10/2018, Công ty nợ 262.468 triệu đồng, trong đó tiền sử dụng đất nợ từ năm 2014 là 158.238 triệu đồng, tiền phạt chậm nộp 104.230 triệu đồng, thi công chậm tiến độ, để lấn chiếm đất, phá rừng, nợ tiền bồi thường lâm sản và môi trường rừng với số tiền 6.660 triệu đồng”, Báo cáo số 715 nêu.

“Bí ẩn” ở chỗ, với Văn bản số 2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền 262.468 triệu đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, hiện nay, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã được UBND tỉnh thay đổi người đại diện là ông Nguyễn Cao Trí, đã thay đổi cổ đông chi phối (ông Nguyễn Cao Đức chiếm trên 51%). Theo Giấy chứng nhận đầu tư, đến 31/12/2018, Dự án đã hết hạn đầu tư. Theo quy định, chủ đầu tư được giãn tiến độ 24 tháng hoặc điều chỉnh dự án, nhưng thực tế chưa từng được thực hiện nội dung trên.

Tại Báo cáo số 715, Thanh tra Chính phủ cho rằng, kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh về việc tiếp tục thực hiện Dự án là phù hợp, nhưng chủ đầu tư phải ký quỹ theo quy định, thực hiện các thủ tục gia hạn sử dụng đất, thủ tục giãn hoặc điều chỉnh dự án, khắc phục triệt để việc để xảy ra lấn chiếm, phá rừng trong thời gian qua, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất), nghĩa vụ thuế theo quy mô dự án đã được phê duyệt. “Trường hợp vi phạm tiến độ hoặc không thực hiện nghĩa vụ tài chính, thì kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Sau báo cáo số 715 (ngày 10/5/2021) về việc xác minh kiến nghị của Công ty Sài Gòn, ngày 8/7/2021, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo số 1081 về việc sửa đổi, bổ sung một số vấn đề của Kết luận thanh tra 929 về quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó có Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.
Cụ thể, Thông báo kết luận số 1081 nêu: “Liên quan đến Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh do Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh làm chủ đầu tư: UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn Công ty thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, hoàn thành dự án theo đúng cam kết; đầu tư theo quy mô đã được phê duyệt. Trường hợp công ty vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định. Đồng thời, rà soát, kiểm tra lại tính pháp lý của Quyết định số 2020/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh để quyết định thu tiền sử dụng đất theo thẩm quyền; chỉ đạo rà soát, yêu cầu công ty nộp thuế chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án (nếu có) theo quy định”.

Link nội dung: https://biztoday.vn/du-an-khu-do-thi-sinh-thai-dai-ninh-lam-dong-bi-tuyt-coi-nhung-van-co-the-tiep-tuc-thuc-hien-149464.html