Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Văn bản số 1046/KL-TTCP ngày 01/7/2021 về Kết luận thanh tra về thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 01/01/2010-31/12/2018 (Kết luận thanh tra).
Theo Kết luận thanh tra, công tác quản lý, sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản và đầu tư xây dựng tại một số dự án ở Thái Nguyên đã xảy ra sai phạm, vi phạm.
Trong số các dự án được "điểm mặt" tại Kết luận thanh tra, có dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Điềm Thụy do công ty Cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên làm chủ đầu tư (gọi tắt là: dự án KCN APEC Điềm Thụy/Dự án/Công ty APEC Điềm Thụy).
Tại Dự án này, TTCP phát hiện, việc UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt giá đất thô chưa có cơ sở hạ tầng để cho thuê là chưa đúng quy hoạch chi tiết được phê duyệt và Giấy chứng nhận đầu tư được cấp (trên tổng cộng phạm vi 1.118.600 m2 (=65,8%), làm giảm tổng giá trị phát triển khu đất. Từ đó, giá trị tiền thuê đất do tính thiếu là: hơn 4,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, dự án KCN APEC Điềm Thụy bị chậm tiến độ 75 tháng theo Giấy chứng nhận đầu tư, vi phạm pháp luật đất đai, thuộc trường hợp phải thu hồi đất của dự án theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013
Dự án KCN APEC Điềm Thụy được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009 với diện tích 170 ha tại hai huyện là Phổ Yên và Phú Bình, tổng vốn đầu tư hạ tầng trên 430 tỷ đồng. Trong đó, có 101.7ha đất dành cho xây dựng nhà máy, còn lại là quỹ đất trung tâm điều hành và dịch vụ, đất cây xanh giao thông, bến bãi phục vụ cho khu công nghiệp. Dự án có tính chất là: Dự án kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp và cho thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng (tại xã Điềm Thụy, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình và xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên).
Mặc dù được Chủ đầu tư ra sức giới thiệu Dự án có vị trí thuận lợi để kêu gọi đầu tư vào KCN, nhưng trên thực tế việc thực hiện dự án lại rất chậm, dù đã được gia hạn tiếp vào năm 2018. Hàng trăm ha đất của người dân rơi vào cảnh quy hoạch treo, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Đến nay, sau hơn 10 năm được cấp phép, Chủ đầu tư mới giải phóng mặt bằng được khoảng 1/4 tổng diện tích. Hạ tầng còn dở dang, ngổn ngang, ảnh hưởng rất lớn tới việc thu hút đầu tư của tỉnh.
Điều đáng nói là, tại dự án KCN APEC Điềm Thụy, trong khi chủ đầu tư có vẻ "hời hợt" với việc giải phóng mặt bằng đất dành cho xây dựng nhà máy, thì (trong quá trình chờ kết luận thanh tra) lại rất sốt sắng cho xây dựng hàng trăm căn nhà trong phạm vi khu công nghiệp. Khiến dư luận không khỏi hoài nghi động cơ của sự việc.
Tại Kết luận thanh tra, TTCP cũng kiến nghị cơ quan công an điều tra làm rõ những dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án tại dự án khu dân cư số 5 (phường Túc Duyên, TP.Thái Nguyên). Dự án này cũng do Công ty APEC Thái Nguyên làm chủ đầu tư.
Liên quan về APEC Thái Nguyên và APEC Group. APEC Thái Nguyên là một trong những mắt xích trong hệ sinh thái đa ngành mang tên APEC Group của đại gia Nguyễn Đỗ Lăng (hệ sinh thái doanh nghiệp đa ngành mang tiền tố APEC).
Được biết, APEC Group góp mặt tại hàng loạt doanh nghiệp như CTCP Đầu tư Apec Group Việt Nam, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ Investment), CTCP Đầu tư Anpha, Công ty thiết kế A Studio, CTCP Apec Land Huế, Công ty nội thất Kasa Grand, CTCP Đầu tư Bất động sản Everest Việt Nam...
Xuất phát điểm là một công ty chuyên về đầu tư tài chính, đến nay APEC Group còn được biết đến là “tay chơi” mới nổi trên thị trường bất động sản với nhiều dự án đình đám nhưng cũng không ít tai tiếng, phải kể tới như dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né (Bình Thuận).
Tại đây, kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư và đơn vị phân phối chưa thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 11/11/2014 và Luật Kinh doanh Bất động sản.
Ngoài ra, sản phẩm căn hộ condotel mà APEC Group và các công ty môi giới (Khải Hoàn Land, CLand) thời điểm rao bán, nhận tiền huy động vốn từ nhiều khách hàng thực chất lại không hề tồn tại trong quy hoạch của dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né (?).
Công ty Cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên được thành lập năm 2009, có trụ sở chính đặt tại phường Gia Sàng, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Cập nhật mới nhất đến tháng 1/2021, người đại diện pháp luật của APEC Thái Nguyên là ông Đinh Quốc Đức (SN 1979, Hà Nội), hiện ông Đức đang nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc tại công ty này.
Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng do 4 cổ đông góp vốn, trong đó có 2 cổ đông cá nhân và 2 cổ đông là doanh nghiệp, tất cả đều liên quan đến đại gia Nguyễn Đỗ Lăng (SN 1974) - Chủ tịch APEC Group.
Cổ đông góp vốn lớn nhất là CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API) sở hữu 84% VĐL; tiếp đến là CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APS) góp 15% vốn; hai cổ đông cá nhân còn lại là ông Nguyễn Duy Khanh và ông Nguyễn Đỗ Lăng mỗi người góp 0,5% - tương ứng 500 triệu đồng.
Được biết, ông Nguyễn Đỗ Lăng hiện là Chủ tịch API, Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT APS. Còn ông Nguyễn Duy Khanh hiện là Tổng giám đốc của API.
Cả API, APS hay APEC Thái Nguyên đều là những mắt xích trong hệ sinh thái đa ngành mang tên APEC Group của đại gia Nguyễn Đỗ Lăng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/du-an-kcn-apec-diem-thuy-thai-nguyen-bi-xem-xet-thu-hoi-153280.html