Cụ thể, tại Đắk Lắk, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý trường số 1 tiến hành kiểm tra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh (địa chỉ 259-261 Ngô Quyền, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng bán hàng không niêm yết giá và bán giá cao hơn so với giá niêm yết. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính hai hành vi trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Sóc Trăng, Đội QLTT số 02 (Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng) cũng kiểm tra, phát hiện cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3 (TP.Sóc Trăng) bán hàng không đúng giá niêm yết nên lập biên bản xử lý. Cụ thể, cháo tươi gà cà rốt có giá niêm yết là 19.000 đồng/gói nhưng cửa hàng bán 19.600 đồng/gói; cháo tươi thịt thăn, giá niêm yết 13.500 đồng/gói, bán ra 14.600 đồng/gói; cháo tươi lươn đậu xanh giá niêm yết 22.500 đồng/gói, bán ra 24.000 đồng/gói; cháo yến vị thịt bằm, giá niêm yết 9.800 đồng/gói, bán ra 10.300 đồng/gói. Thậm chí, cháo tươi rau củ thập cẩm có giá niêm yết 14.500 đồng/gói nhưng lại bán ra 20.000 đồng/gói.
Hành lá bán tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh QLTT.
Sau đó, Bách Hóa Xanh đã có văn bản giải thích nguyên nhân tăng giá do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như thời gian, chi phí vận chuyển, tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao, chi phí nhân công gia tăng do tăng ca, chi phí xét nghiệm cho tài xế giao hàng, nhân viên. Ngoài ra, đơn vị phải thanh toán chi phí chỗ ở cho nhân viên để hạn chế di chuyển và giá hàng hóa từ phía nhà cung cấp cũng tăng lên.
Thế nhưng, người tiêu dùng cho rằng với việc tăng giá nhiều mặt thiết yếu giữa mùa dịch như vậy là không chấp nhận được khi người dân đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Chưa kể đây còn là dấu hiệu của việc lợi dụng dịch bệnh đầu cơ tăng giá để trục lợi.
Thậm chí, trên mạng xã hội, nhiều người dân khác tại các tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ cũng phản ánh họ gặp phải việc tính tiền nhầm lẫn khi mua hàng ở Bách Hóa Xanh. Trong dịch bệnh, nhiều người muốn mua hàng nhanh chóng để trở về nhà, nhưng sự cố tính tiền khiến họ phải ở lại siêu thị lâu hơn để giải quyết. Việc này dẫn đến bức xúc và khó chịu của khách hàng.
Đại diện Bách Hóa Xanh cũng thừa nhận có sự việc nhầm lẫn khi tính tiền do lỗi cá nhân ở từng cửa hàng cục bộ, đặc biệt những thời điểm mua sắm đông đúc.
Ông Nguyễn Đức Tài. Ảnh Internet.
Được biết, thương hiệu Bách hóa Xanh là chuỗi siêu thị của Thế giới Di động do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Đức Tài sinh năm 1969, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM ngành Tài chính – kế toán và lấy bằng Thạc sĩ ngành Quản Trị Kinh doanh tại Học viện Quản trị CFVG. Ông là một trong 5 đồng sáng lập viên CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG). Ông đã lần lượt nắm giữ các vị trí chủ chốt của Công ty như Tài chính kế toán, Kinh doanh tiếp thị, Cung ứng hậu cần, Mở rộng mạng lưới cửa hàng, Quản lý điều hành chung.
Từ năm 2007 đến tháng 5/2014, ông là Chủ tịch HĐQT tại CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) và Tổng Giám đốc tại CTCP Thế giới Di động (một công ty con quan trọng của MWG). Từ tháng 5/2014 đến nay, ông Tài kiêm nhiệm cả hai chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc MWG. Tính đến tháng 6/2019, ông Nguyễn Đức Tài đang sở hữu 11,46 triệu cổ phiếu MWG, tương đương 2,585% tỉ lệ vốn cổ phần.
Sáng 19/7, Cổ phiếu của ông chủ chuỗi Bách Hóa Xanh lao dốc. Cụ thể, MWG của Đầu tư Thế giới Di động giảm 6,5% về 157.000 đồng/cổ phiếu sau thông tin Bách Hóa Xanh nâng giá bán các mặt hàng thực phẩm, nhiều điểm bán bị lập biên bản.
Nhận thấy tiềm năng từ thị trường bán lẻ, bắt đầu từ năm 2020, Bách Hóa Xanh có tốc độ mở chuỗi và tăng trưởng doanh thu nổi bật trên thị trường. Thế nhưng, cũng từ đây thương hiệu này liên tiếp bị người tiêu dùng phản ánh về chất lượng hàng hóa cũng như dịch vụ.
Năm 2020, chuỗi mở thêm 700 cửa hàng, trung bình mỗi tháng mở thêm 58 cửa hàng mới. Có những thời gian cao điểm như tháng 5/2020, chuỗi này mở tới 131 cửa hàng, tháng 6/2020 mở 121 cửa hàng.
Đến tháng 5/2021, chuỗi này tăng gấp 3,3 lần số cửa hàng so với thời điểm tháng 5/2019, lần đầu tiên doanh thu vượt mốc 2.500 tỷ đồng, tăng 19% so tháng 4 và tăng 56% so với cùng kỳ 2020. Theo giải tích của Thế giới Di động, doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng này đạt hơn 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhieu-cua-hang-vi-pham-tang-gia-giua-mua-dich-ong-chu-bach-hoa-xanh-la-ai-153678.html