Sai phạm trong quản lý tiền đất, Kiểm toán Nhà nước chỉ tên hàng loạt địa phương
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho biết một số địa phương gồm Đà Nẵng, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu… chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất khi hết thời gian ổn định đơn giá thuê. Còn tỉnh Long An chưa thực hiện kê khai đầy đủ, kịp thời tiền thuê đất phải nộp một lần.
Trong khi đó, TP. Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Bắc Giang sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất, hợp đồng thuê đất. Bên cạnh đó, một số tỉnh chưa hoặc chậm lập bộ theo dõi quản lý thu đối với các đơn vị đã có hợp đồng thuê đất như Thái Bình (có 3 doanh nghiệp); Nam Định (14 hộ, 1 tổ chức và 2 doanh nghiệp).
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tỉnh Bến Tre và Thanh Hóa cho hộ cá nhân thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất sử dụng cho thương mại, dịch vụ chưa đúng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013. TP. Hải Phòng, Long An, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án chưa phù hợp quy định. Huyện Trà Cú của tỉnh Trà Vinh chuyển mục đích sử dụng đất chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Cũng theo kiểm toán, dù đã hết thời hạn thuê đất theo hợp đồng đơn vị thuê vẫn đang quản lý sử dụng nhưng địa phương chưa xử lý đất cho thuê theo quy định. Cụ thể, tại Đà Nẵng có 4 doanh nghiệp; Quảng Ngãi có 10 doanh nghiệp; Kiên Giang có 8 đơn vị thuê đất tại thành phố Rạch Giá.
Ngoài ra, một số địa phương chậm ban hành giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với một số dự án đã được giao đất. Điển hình như Cần Thơ có một số dự án giao đất từ năm 2018, 2019 nhưng đến thời điểm kiểm toán chưa ban hành giá đất; Đà Nẵng có 1 dự án chậm 12 tháng, 2 dự án chậm hơn 24 tháng, 2 dự án đến thời điểm kiểm toán đã chậm hơn 12 tháng nhưng chưa ban hành giá đất; Kiên Giang có 9 dự án giao đất từ năm 2018, 2019 thời điểm kiểm toán chưa ban hành giá đất.
Đặc biệt, tại Thừa Thiên Huế chưa kịp thời ban hành giá đất của một số dự án có giá trị thửa đất trên 20 tỷ đồng của một số doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Đầu tư Vinh Thanh, Công ty TNHH Rạp chiếu phim - Thể thao và Giải trí Ngôi sao Huế và Công ty Cổ phần du lịch Mỹ An.
Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra tỉnh Thái Nguyên có 11 đơn vị, Lai Châu có 9 đơn vị và Cần Thơ có 6 đơn vị sử dụng đất để khai thác khoáng sản nhưng chưa nộp tiền thuê đất.
Tỉnh Đồng Nai đấu giá các khu đất khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, toàn bộ các dự án BOT trên địa bàn chưa xác định tiền thuê đất theo quy định. Tỉnh Kiên Giang chưa thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính do tỉnh và Trung ương quản lý đóng trên địa bàn.
Đáng chú ý, tỉnh Thái Nguyên còn hạch toán vào thu ngân sách nhà nước năm 2019 để cân đối chi đối với khoản tạm nộp tiền sử dụng đất nhưng đến thời điểm kiểm toán chưa có quyết định giao đất cho doanh nghiệp 105,7 tỷ đồng.
Tỉnh Lạng Sơn điều tiết các khoản thu tiền sử dụng đất tại cấp huyện cho ngân sách tỉnh chưa phù hợp với Nghị quyết HĐND. Còn tỉnh Thanh Hóa, HĐND đã ban hành chính sách hỗ trợ 100% tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê đất thực hiện dự án, kinh doanh khai thác chợ thuộc địa bàn xã ở các huyện chưa phù hợp quy định.
Qua kiểm toán công tác quản lý đất đai tại một số dự án giao đất, cho thuê đất, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy còn nhiều tồn tại. Có thể kể đến như Cần Thơ và Kiên Giang giao đất cho dự án có xây dựng nhà ở thương mại nhưng không thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo quy định; TP. Hải Phòng giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án khi chưa hoàn thành GPMB theo quy định tại Điều 53 Luật Đất đai 2013.
Một số dự án chưa bố trí đủ 20% tổng diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Cụ thể, dự án khu dân cư Cái Sơn Hàng Bàng mở rộng và khu dân cư 91B giai đoạn 3 (Cần Thơ); giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng khu đô thị dịch vụ - thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ (Hải Phòng); 2 dự án phát triển nhà ở thương mại tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang).
Tỉnh Long An còn phê duyệt chủ trương đầu tư khi dự án chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, giãn tiến độ đầu tư cho các dự án trên 24 tháng chưa phù hợp, không thẩm định về điều kiện giao đất, cho thuê đất quy định tại một số dự án, văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất thiếu các nội dung theo quy định; điều chỉnh chủ trương đầu tư, mục tiêu dự án từ khu tái định cư sang khu dân cư, tái định cư chưa có quyết định cơ quan thẩm quyền, giao đất, cho thuê đất theo tiến độ bồi thường GPMB chưa phù hợp với tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.
Link nội dung: https://biztoday.vn/sai-pham-trong-quan-ly-tien-dat-kiem-toan-nha-nuoc-chi-ten-hang-loat-dia-phuong-155389.html