Không thể dung túng những doanh nghiệp vi phạm ở hồ Đại Lải

Vĩnh Phúc đã xử phạt hành chính các doanh nghiệp vi phạm, kiểm điểm trách nhiệm các Sở, ngành tuy nhiên động thái này cũng chỉ là 'giơ cao đánh khẽ'

Đoàn liên ngành Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT và Cục cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường - Bộ Công an kiểm tra công trường lấp hồ Đại Lải.

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam thông tin về hàng loạt dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép ở khu vực hồ Đại Lải có vi phạm, Tổng cục Thủy lợi đã thành lập đoàn kiểm tra và chỉ rõ những dự án không có giấy phép hoạt động thủy lợi, lấn chiếm lòng hồ Đại Lải.

Vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc cũng căn cứ vào Kết luận Thanh tra của tỉnh đã xử phạt các doanh nghiệp có dự án vi phạm tại khu vực hồ Đại Lải với tổng số tiền xấp xỉ 1 tỉ đồng. Tỉnh cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của các Sở, ngành không làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước, để xảy ra sai phạm.

Tuy nhiên, quyết định xử phạt của tỉnh Vĩnh Phúc là không triệt để vì sai phạm ở các dự án quá lớn và số tiền xử phạt hành chính lại không thể tương xứng. Xử phạt hành chính, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc cũng không buộc các doanh nghiệp phải trả lại nguyên trạng phần diện tích đất lấn chiếm. Chỉ với 3 doanh nghiệp vi phạm sử dụng đất ngoài phạm vi dự án được giao diện tích mất đi đã lên tới 11,5 ha. Rồi các dự án lấn vào đất rừng, ngang nhiên đổ đất lấn vào lòng hồ thủy lợi, xây dựng trái phép….

Tất cả những hành vi lấn chiếm, lấn rừng, lấn hồ, xây dựng trái phép kể trên đáng ra tỉnh phải ra quyết định thu hồi và buộc trả về nguyên trạng thì mới đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Nghiêm khắc, cứng rắn buộc doanh nghiệp vi phạm phải chịu tổn thất lớn thì mới đảm bảo tính răn đe.

Dư luận cho rằng, quyết định xử phạt của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ là một động thái “giơ cao, đánh khẽ” thậm chí còn tạo tiền đề để doanh nghiệp được hợp thức hóa sai phạm.

Quan điểm này của tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện rất rõ tại văn bản số 4642/UBND-NN1 ngày 15/6/2021 gửi Tổng cục Thủy lợi về việc xin ý kiến tháo gỡ khó khăn cho các dự án có hành vi vi phạm lòng hồ Đại Lải gồm: Dự án Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hằng và Công ty Cổ phần Pardise Đại Lải; Dự án ĐTXD sân Golf và tổ hợp văn hóa thể thao, vui chơi giải trí nghỉ mát và du lịch do Công ty TNHH Đại Lải - Việt Nam; Dự án Khu du lịch sinh thái Đại Lải – Khu A; Dự án khu dịch vụ du lịch Đảo Ngọc của Công ty TNHH Đạt Tiến.

Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng đã đắp đất, ngăn hồ thành đường nội bộ dài 190m, rộng 6m tạo thành hồ 4,2ha cho dự án của mình.

Lý do là tỉnh Vĩnh Phúc đang hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, các dự án trên đã được tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch tỉ lệ chi tiết 1/500, đã được tỉnh giao đất, cho thuê đất theo quy hoạch. Bên cạnh đó, diện tích tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của hồ Đại Lải đã giảm gần 50% so với thiết kế ban đầu và trong nhưng năm qua tỉnh đã đầu tư nhiều công trình trong phạm vi phục vụ tưới và khu vực phía thượng lưu thuộc lưu vực hồ Đại Lải.

Tỉnh Vĩnh phúc đề nghị Tổng cục Thủy lợi báo cáo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, điều chỉnh lại quy trình vận hành điều tiết hồ Đại Lải và cho phép tỉnh được tiếp tục triển khai các dự án xung quanh hồ.

Xử phạt nhưng lại tạo điều kiện hết mức, thậm chí còn “xin” các cấp ngành cho doanh nghiệp vi phạm được tiếp tục thực hiện dự án. Lãnh đạo tỉnh thể hiện tinh thần ủng hộ như vậy thì bảo sao các doanh nghiệp không dám làm bừa, lấn rừng, chiếm đất?

Tương tự, đối với các Sở ngành không hoàn thành nghĩa vụ quản lý nhà nước, ngoài việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể cũng cần phải chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm khắc vì để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trên địa bàn. Nhưng Vĩnh Phúc không đề cập !

Link nội dung: https://biztoday.vn/khong-the-dung-tung-nhung-doanh-nghiep-vi-pham-o-ho-dai-lai-155572.html