Ngày 22/7 - tức một ngày trước khi Olympic Tokyo khai mạc, đoàn thể thao Guinea tuyên bố rút lui khỏi giải đấu do lo ngại về sức khỏe của các vận động viện.
"Trước sự nổi lên của các biến chủng mới của đại dịch Covid-19, nhằm bảo về sức khỏe của các vận động viên Guinea, chính phủ lấy làm tiếc phải quyết định rút sự tham gia của đoàn thể thao Guinea tại Olympic lần thứ 32 tại Tokyo", Bộ trưởng Thể thao Guinea Sanoussy Bantama Sow tuyên bố.
Đây không phải là đoàn thể thao đầu tiên từ chối đến Tokyo do Covid-19. Trước đó, Triều Tiên cũng quyết định không cử vận động viên tham dự Olympic lần này. Ba vận động viên cử tạ của đoàn Samoa cũng không thể đến Nhật Bản vì lý do tương tự.
Nhật Bản từng coi Olympic Tokyo là cơ hội để nước này chứng tỏ vị thế của một cường quốc trên toàn cầu giữa lúc đối mặt với tình trạng dân số giảm và sự vươn lên của Trung Quốc. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã phá hỏng kế hoạch tưởng như hoàn hảo của các nhà lãnh đạo đất nước mặt trời mọc. Ngay cả phần lớn người Nhật được khảo sát cũng phản đối sự kiện diễn ra vào lúc này.
Cơ hội bị bỏ lỡ
Năm 2019, bà Yoshiko Tobe bỏ ra hơn một triệu USD để tân trang nhà khách nhỏ theo kiểu truyền thống tại Tokyo. Bà hy vọng những người tới tham dự và cổ vũ Olympic sẽ bước đầu giúp bà hoàn vốn. Tuy vậy, đại dịch đã khiến khán giả không được phép theo dõi trực tiếp sự kiện.
Giờ đây bà Tobe không còn hứng thú với Olympic nữa.
“Sẽ là tốt hơn nếu không có Olympic. Ít nhất điều này sẽ không tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh”, bà nói.
Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn kế hoạch tổ chức Olympic Tokyo của Nhật Bản. Ảnh: Al Jazeera. |
Olympic Tokyo sẽ được tổ chức khi thủ đô của Nhật Bản vẫn đang áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp để đối phó với đại dịch Covid-19.
Hôm 22/7, chỉ một ngày trước lễ khai mạc, thành phố này vẫn ghi nhận 1.979 ca mắc Covid-19. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất tại Tokyo kể từ tháng 1.
Dù vậy, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tin tưởng các biện pháp mạnh mẽ đủ để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Ông cũng nhận định Nhật Bản vẫn sẽ hưởng lợi từ lượng khán giả theo dõi Olympic qua truyền hình.
“Tôi quyết định Olympic vẫn sẽ được tổ chức mà không phải đánh đổi sức khỏe của người dân Nhật Bản”, ông Suga nói trong một buổi phỏng vấn. “Từ bỏ là lựa chọn đơn giản và dễ dàng nhất. Tuy vậy, nhiệm vụ của chính phủ là đối phó với các thách thức”.
Tuy vậy, ngay từ khi Olympic chưa chính thức khai mạc, đại dịch đã khiến chính phủ Nhật Bản đau đầu. Ít nhất 8 vận động viên đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 khi đến Tokyo. Nhiều cầu thủ của đội bóng đá nam Nam Phi phải cách ly vì tiếp xúc với đồng đội mắc Covid-19.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi đài truyền hình NHK từ ngày 9-11/7 cho thấy gần hai phần ba dân số Nhật Bản không muốn tiếp tục tổ chức Olympic.
Nhiều người Nhật Bản cho rằng Olympic vẫn phải tổ chức dưới sức ép của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Một quan chức IOC từng tuyên bố Olympic vẫn sẽ diễn ra kể cả khi Nhật Bản muốn hủy sự kiện. Khoảng ba phần tư ngân sách của IOC đến từ khoản tiền bán bản quyền phát sóng Olympic.
Khi Chủ tịch IOC Thomas Bach đến thăm Nhật Bản đầu tháng 7, ông phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối trên khắp đất nước.
Người dân Nhật Bản tuần hành phản đối Olympic. Ảnh: Wall Street Journal. |
Tuy nhiên, bản thân Thủ tướng Suga có lý do để tiếp tục tổ chức Olympic. Theo giáo sư khoa học chính trị Mieko Nakabayashi tại Đại học Waseda, ông Suga cần sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Shinzo Abe để tái đắc cử chức vụ lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Trong khi đó, Olympic Tokyo được coi là đứa con tinh thần của ông Abe.
“Ông Suga không thể suy tính lại về việc tổ chức Olympic. Ông phải trung thành với ông Abe”, giáo sư Nakabayashi nói.
Còn đó hy vọng
Sau thành công của đoàn Nhật Bản tại Olympic London năm 2012, Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Shinzo Abe quyết tâm giành quyền đăng cai Olympic 2020 về cho Nhật Bản.
Theo ông Abe, Olympic sẽ giúp nâng cao tinh thần của đất nước sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2011. Bên cạnh đó, Nhật Bản kỳ vọng đón lượng lớn khách quốc tế tới theo dõi và cổ vũ Olympic, giúp nước này thu được 2 tỷ USD. Nhiều du khách khác cũng sẽ đến Nhật Bản theo hiệu ứng lan tỏa, mang đến cho Nhật Bản thêm hàng tỷ USD nữa.
Đến năm 2019, hầu hết cơ sở hạ tầng phục vụ Olympic đã hoàn thiện. IOC đánh giá Tokyo là thành phố chủ nhà chuẩn bị tốt nhất trong lịch sử Olympic.
Các tấm biển quảng bá sự kiện tràn ngập đường phố. Các doanh nghiệp tài trợ lên kế hoạch tận dụng Olympic để nâng cao giá trị thương hiệu.
Tháng 3/2020, khi đại dịch bắt đầu bùng phát, Nhật Bản và IOC quyết định hoãn sự kiện một năm. Đây là một canh bạc. Nhật Bản kỳ vọng đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát trước mùa hè năm 2021.
Điều này đã không xảy ra. Biến chủng Delta đang gây ra làn sóng dịch mới trên quy mô toàn cầu. Tại Tokyo, chỉ 22% dân số được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Thành phố này đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp đến ngày 22/8.
Các sân vận động đồ sộ của Nhật Bản không được phép đón khán giả theo dõi trực tiếp Olympic Tokyo. Ảnh: Olympic. |
Để phù hợp tình hình dịch bệnh, ông Suga phải áp dụng một số thay đổi. Thay đổi lớn nhất là việc cấm khán giả đến nhà thi đấu. Bên cạnh đó, các khu vực tập trung theo dõi trên màn hình lớn cũng không được tổ chức. Chính phủ Nhật Bản khuyên người dân theo dõi Olympic tại nhà.
Giống như hầu hết kỳ Olympic khác, ngân sách dành cho Olympic Tokyo lớn hơn nhiều so với dự tính ban đầu. Ngân sách chính thức được chính phủ công bố là 15,4 tỷ USD. Tuy vậy, cơ quan kiểm toán Nhật Bản cho rằng con số này vượt 20 tỷ USD, gấp gần ba lần khoản ngân sách 7,4 tỷ USD dự tính khi Nhật Bản tuyên bố đăng cai.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đóng góp 3 tỷ USD cho sự kiện. Đây là khoản tiền lớn nhất mà doanh nghiệp tại quốc gia đăng cai Olympic bỏ ra trong lịch sử.
Tuy vậy, trên thực tế, kể cả trong kịch bản xấu nhất, thiệt hại về kinh tế chưa đạt 1% GDP của Nhật Bản. Bên cạnh đó, khi theo dõi Olympic Tokyo, nhiều người nước ngoài có thể chuẩn bị cho kế hoạch du lịch Nhật Bản khi đại dịch chấm dứt.
“Chi phí mà nhà hàng, khách sạn tân trang để chào đón du khách nước ngoài sẽ không uổng phí”, nhà kinh tế học Takahide Kiuchi tại Viện Nghiên cứu Nomura nói. “Các sân vận động và nhà thi đấu Olympic sẽ được tổ chức sự kiện có đón khách trong tương lai”.
Bà Kyoko Ishikawa đã theo dõi trực tiếp mọi kỳ Olympic mùa hè từ năm 1992 đến nay. Bà đã mua vé theo dõi hai môn thi đấu mỗi ngay tại Olympic Tokyo trước khi lệnh cấm khán giả được ban bố.
“Đối với tôi, đây là kỳ Olympic gần nhất mà cũng xa nhất trong 30 năm qua”, bà Ishikawa nói.
Link nội dung: https://biztoday.vn/olympic-tokyo-tu-cuc-cung-hoa-cuc-no-trong-mat-nguoi-nhat-155576.html