Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, chiều 24-7, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về đề xuất một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đưa vào nghị quyết của kỳ họp này.
5 đề xuất quan trọng
Trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc và bất cập cần giải quyết ngay trong điều kiện lần đầu tiên xảy ra đại dịch lớn trên toàn thế giới như Covid-19. Trong đó có nhu cầu cần phải điều chỉnh, trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, nhằm sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái "bình thường mới".
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp, giải pháp sau: Thứ nhất: Chủ động áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các biện pháp quy định tại điều 54 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các biện pháp cần thiết khác để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng chống dịch bệnh, thảm họa, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; được áp dụng các biện pháp, ban hành những quy định cần thiết chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc cách trong đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thuốc, vắc-xin, trang thiết bị y tế, hóa chất, đăng ký lưu hành, thử lâm sàng thuốc, vắc-xin, phát triển sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước, nội địa hóa trang thiết bị y tế...
Thứ hai, được sử dụng chỉ thị, nghị quyết và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Thứ ba, khẩn trương rà soát các luật có liên quan, trình Quốc hội dự án một luật sửa nhiều luật liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 và các dự án luật cần thiết khác vào các năm 2021-2022. Thứ tư, ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Chính phủ quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng chống dịch; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh.
Thứ năm, triển khai chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già, người yếu thế khác và lực lượng chống dịch tuyến đầu; có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, không đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất - kinh doanh, lao động.
Thẩm tra nội dung của tờ trình, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh việc tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có hiệu quả hơn, kể cả dự phòng các tình huống dịch bệnh có thể phát sinh phức tạp trong thời gian tới là thực sự cần thiết. Về cơ bản, Ủy ban Xã hội và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với nội dung tờ trình của Chính phủ. Ủy ban Xã hội kiến nghị Quốc hội xem xét, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện các nội dung nêu trên của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tờ trình về đề xuất một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: Văn Tấn
Giữ vững an toàn nợ công
Sáng cùng ngày, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo Bộ trưởng, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến đầu tư trong giai đoạn này là 2,87 triệu tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 1,5 triệu tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương 1,37 triệu tỉ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là dưới 5.000 dự án, giảm hơn 50% so với giai đoạn 2016-2020. Chính phủ xác định mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hoàn thành các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam; các đường vành đai 3, 4 ở Hà Nội, TP HCM; các tuyến đường liên vùng; đường thủy nội địa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Chính phủ dự kiến hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang trong giai đoạn này.
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung trên, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết đa số ý kiến trong ủy ban đánh giá về tổng thể, vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần so với số kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 là tích cực. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý, rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công. Bên cạnh đó, lưu ý việc xác định dự toán chi đầu tư hằng năm phải dựa trên cơ sở thu ngân sách, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau. Đồng thời, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Thảo luận tại tổ về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) kiến nghị ưu tiên vốn lần lượt cho các dự án an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, phòng chống dịch Covid-19. Nhắc đến tình trạng dịch còn diễn biến phức tạp, lực lượng y tế đang căng mình chống dịch, ông Ngân cho rằng cần chú ý đầu tư cho lực lượng này để họ yên tâm công tác. Bên cạnh đó, cần gói đầu tư đủ lớn để hỗ trợ và giúp doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", thay vì để doanh nghiệp tự xoay trở.
Nhấn mạnh việc bố trí vốn khoa học, chặt chẽ để tăng hiệu quả đầu tư công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần quan tâm cân đối đầu tư, ưu tiên đầu tư vùng có khả năng tạo động lực; chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông. Theo Chủ tịch nước, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu cần được quan tâm đầu tư lớn hơn, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý trong bối cảnh nhu cầu đầu tư rất lớn, cần huy động thêm các nguồn lực cả trong và ngoài nước.
Đánh giá cao việc khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải nhưng đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) băn khoăn khi thời gian qua, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) không thực hiện được mà phải chuyển sang đầu tư công. "Thực tế này cho thấy việc huy động các nguồn lực của xã hội chưa thành công. Chúng ta phải thực hiện các cam kết giữa nhà nước với nhà đầu tư để tránh tình trạng nhiều dự án PPP gây thiệt hại cho nhà nước" - ông Cường kiến nghị.
Đề cử nhân sự để bầu Chủ tịch nước
Trong phiên làm việc chiều 24-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Nhân sự được đề cử là Chủ tịch nước đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc. Trước đó, tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021. Theo chương trình dự kiến, ngày 26-7, Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Sau đó, Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức.
Chủ tịch nước đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê quán tỉnh Quảng Nam, là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV, XV. Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.
Kết thúc kỳ họp sớm 3 ngày
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội đã điều chỉnh rút ngắn thời gian kỳ họp thứ nhất, dự kiến bế mạc vào ngày 28-7, thay vì 31-7 như kế hoạch trước đó. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cân nhắc đến phương án điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ nhất để bảo đảm hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với chất lượng tốt nhất, thời gian ngắn nhất, tạo điều kiện cho các đại biểu là lãnh đạo các địa phương, các bộ - ngành chỉ đạo công tác phòng chống dịch.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chinh-phu-de-xuat-co-che-dac-biet-de-chong-dich-156745.html