Công ty cổ phần PVI (MCK: PVI) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 14% so với cùng kỳ, đạt 2.609 tỷ đồng. Các khoản giảm trừ doanh thu cùng giá vốn tăng nên lợi nhuận gộp đạt 290 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu từ phí bảo hiểm gốc chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 2.087 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động tái bảo hiểm tăng 47%, đạt 288 tỷ đồng; thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm giảm 28% xuống 173 tỷ đồng.
Riêng nhóm các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mang về cho PVI hơn 404 tỷ đồng doanh thu, tăng 43% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu tài chính giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt gần 183 tỷ đồng. Doanh thu tài chính giảm chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền cho vay giảm 12%, xuống còn hơn 138 tỷ đồng; lãi chênh lệch tỷ giá cũng giảm mạnh 47%, xuống mức gần 8 tỷ đồng.
Cùng với đó, không còn ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng, lợi nhuận sau thuế của PVI giảm 24% so với cùng kỳ, đạt 273 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế PVI quý II giảm dù doanh thu tăng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu 5.580 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế gần 462 tỷ đồng, tăng 2%. Kết quả này cũng giúp PVI hoàn thành lần lượt 54% và 60% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận năm.
Ngoài kết quả kinh doanh, tình hình tài chính tại PVI trong 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận nhiều biến động.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của PVI tăng 8% so với hồi đầu năm, đạt 22.066 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền của công ty tăng 43% so với đầu năm, đạt 1.639 tỷ đồng. Cụ thể, công ty gửi 1.296 tỷ vào ngân hàng với kỳ hạn dưới 3 tháng. Ngoài ra, công ty có 5.761 tỷ đồng gửi ngắn hạn và 1.176 tỷ đồng gửi dài hạn.
Bên cạnh đó, PVI đầu tư nắm giữ 380 tỷ đồng trái phiếu của ngân hàng MB và tập đoàn Sunshine kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng và 703 tỷ đồng trái phiếu dài hạn của ngân hàng MB và công ty Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương kỳ hạn còn lại trên 12 tháng. Ngoài ra, PVI còn đầu tư 1.068 tỷ đồng vào bất động sản.
Kết thúc quý II, nợ phải trả của PVI tăng 9% so với đầu năm, ghi nhận 16.478 tỷ đồng. Nếu so với tổng cộng tài sản, nợ phải trả chiếm 68% và tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là gầp 2,2 lần.
Dẫu vậy, nợ cao của PVI nằm chủ yếu các khoản phải trả người bán (3.817 tỷ) và dự phòng phải trả (11.329 tỷ). Đặc biệt, trong quý này, PVI xuất hiện khoản vay và nợ thuê tài chính 227 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm không ghi nhận.
PVI hoạt động chính trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm thông qua 6 công ty con bao gồm: Tổng công ty Bảo hiểm PVI (sở hữu 100%), Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (sở hữu 73,11%), CTCP Quản lý quỹ PVI (sở hữu 89%), Quỹ đầu tư cơ hội PVI (sở hữu 22,73%) và Quỹ đầu tư Hạ tầng PVI (sở hữu 34,67%).
Về cơ cấu cổ đông PVI, hiện tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 35% vốn. Hai cổ đông chiến lược nước ngoài gồm HDI-Global SE (Đức) và Funderburk Lighthouse Ltd - công ty con của Oman Investment Fund nắm lần lượt 40,37% và 11,52% vốn công ty. Trong khi đó, CTCP Chứng khoán HCM vừa trở thành cổ đông lớn công ty thông qua một giao dịch mua 13,8 triệu cổ phiếu PVI hồi cuối tháng 6, qua đó sở hữu 5,91% vốn công ty.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVI tại phiên giao dịch ngày 28/7 với thị giá 37.800 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 16% tính từ đầu năm đến nay.
Link nội dung: https://biztoday.vn/loi-nhuan-cua-ong-lon-bao-hiem-pvi-di-xuong-158607.html