Mua Shophouse của Hải Phát chỉ phát... bực!

Cứ tưởng mua Shophouse của Hải Phát ở Vạn Phúc nơi được tụng ca là 'Phố Wall' của Việt Nam thì dẫu ở hay làm ăn buôn bán sẽ phát như tên của chủ đầu tư Hải Phát, nào ngờ phát gì không phát mà chỉ thấy phát... bực.

Đó là tâm trạng thường xuyên của ông chủ căn Shophouse 03-A3 tại Dự án Nhà phố thương mại 24h hay còn gọi là Shophouse Vạn Phúc - Hà Đông, Hà Nội - một “siêu phẩm” của Tập đoàn Hải Phát ở Thủ đô.

Ngược dòng thời gian, mấy năm trước, khi chuẩn bị về hưu, chủ căn hộ 03-A3 (ông A) vốn là người kỹ tính đã đi xem hàng chục mảnh đất nhưng đều không ưng ý. Ông A muốn mảnh đất vừa xây nhà ở, vừa có thể kinh doanh. Cả đời “đi làm Nhà nước”, khi về hưu ông muốn kinh doanh xem bao nhiêu năm qua có “chọn nhầm nghề” không.

Cuối cùng trời cũng chiều lòng người, được cậu em giới thiệu khu Shophouse Vạn Phúc, khi đến xem ông A đã mê mẩn ngay. Dự án này nằm dọc đường Tố Hữu rộng hơn 40m, vỉa hè rộng 7m và đặc biệt hơn, nó gần chợ đồ cũ Vạn Phúc. Vốn là người mê đồ cũ, mấy chục năm qua ông sưu tầm cả ngàn đồ vật, cứ nghĩ đến cảnh mở một cửa hàng đồ cũ ở đây để giao lưu với những người cùng sở thích rồi bán bán mua mua đồ cũ là người ông đã bừng bừng khí thế.

Ông A về nhà và ngay lập tức huy động tổng lực các nguồn tiền. Khi ký xong hợp đồng mua bán với Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (thuộc Tập đoàn Hải Phát) ông mới thở phào nhẹ nhõm và thấy may mắn vì là 1 trong 125 người mua được căn Shophouse của dự án này. 50m2 đất với 3 tầng + một lửng + một tum và 1 hầm được chủ đầu tư xây thô. Giá thành phần xây thô, ông A tham khảo thấy “có đắt” nhưng đã thích rồi thì cứ “xuống tiền” thôi.

Căn Shophouse ở một vị trí đẹp, chủ đầu tư cũng thuộc hàng có tiếng tăm trong giới bất động sản, bởi thế ông A cứ việc kê cao gối ngủ chờ ngày chủ đầu tư bàn giao căn Shophouse để hoàn thiện.

Cứ 3 ngày ông A lại hì hục tát nước từ tầng hầm Shophouse.

Rồi ngày bàn giao cũng tới, dù không phải là người hiểu biết về chất lượng công trình, nhưng ông A với một niềm tin mãnh liệt rằng chủ đầu tư “có tiếng” thì họ sẽ làm ăn đàng hoàng chứ đâu phải loại làm ăn chộp giật nên bình thản ký biên bản bàn giao.

Đến khi tốp thợ hoàn thiện nhà phát hiện “bể phốt nhà chú bị thấm nước, có thể nuôi cá được”, ông A mới giật mình, ông nhờ đứa em có quen biết chủ đầu tư để phản ánh, nhờ vả xem xét. Chủ đầu tư cũng cho 2 người thợ đem xi măng đến trát trát vá vá dưới bể phốt. Nhưng rồi mấy ngày sau nước vẫn thấm. Ông A được thợ tư vấn dùng bể phốt làm bằng chất liệu nhựa sẽ đảm bảo triệt tiêu được nước thấm. Dĩ nhiên là ông A nghe tư vấn và đương nhiên là tự bỏ tiền ra mà làm.

Cuối năm 2018, ông A về hưu và căn Shophouse cũng được hoàn thiện xong. Ông A hoan hỉ bắt tay vào thực hiện mơ ước cháy bỏng bao nhiêu năm qua là làm ông chủ cửa hàng chuyên bán đồ cũ (mà ông thường gọi là đồ cổ cho... sang). Ông hy vọng mua Shophouse của Hải Phát thì buôn bán cũng phát như cái tên của chủ đầu tư.

Nhưng “đời không như là mơ”, đồ bày chủ yếu để mỗi sáng ông pha trà tự uống một mình rồi ngắm, thi thoảng mới có khách ghé qua ngó nghiêng một hồi rồi đi. Những căn Shophouse cùng dãy, người thì bán cà phê, người bán bia, người bán quần áo, người làm văn phòng, “phố Wall buôn bán lôm côm” nên cứ vắng lặng như những ngày giãn cách xã hội.

Buôn bán đã không phát như cái tên Hải Phát thì ông bắt đầu thấy phát... bực về chất lượng của căn Shophouse này, đó là tầng hầm luôn ẩm ướt và đỉnh điểm của sự việc này là sau mấy trận mưa lớn vào tháng 6/2021 thì tầng hầm nhà ông bị ngập nước. Ông A cho biết: “Nguyên nhân do các vết nứt từ phía vách tường ngăn đường ống cống thoát nước thải phía trước nhà bị rò rỉ, thấm nước qua đường dây điện. Bên cạnh đó, do chủ căn Shophouse liền kề chưa đưa vào sử dụng, vì thế nước mưa liên tục chảy từ mái nhà xuống tầng hầm và thấm sang nhà tôi”.

Ngày 3/7/2021 ông A làm đơn gửi chủ đầu tư phản ánh về tình trạng căn Shophouse của mình với niềm tin mãnh liệt như những ngày đầu “xuống tiền” mua nhà rằng chủ đầu tư “uy tín đầy mình” sẽ tìm cách gỡ khó khăn cho ông.

Nước từ tầng hầm nhà ông Tiến được bơm lên vỉa hè.

Đơn ông gửi đi và rất nhanh chóng, ngày 6/7/2021 ông Đỗ Quý Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát ký văn bản phúc đáp với những lời lẽ khúc triết rõ ràng: Công ty đã thực hiện biên bản bàn giao căn hộ cho khách hàng và đã kết thúc nghĩa vụ bảo hành căn Shophouse số 03-A3 vào ngày 20/9/2019. Bên cạnh đó, công ty cũng bàn giao căn Shophouse 02-A3 cho chủ hộ vào ngày 26/12/2017 và đã kết thúc nghĩa vụ bảo hành với căn nhà này.

Thế là xong. Bao hy vọng trở thành thất vọng. Căn Shophouse của ông đã hết thời gian bảo hành, giờ có hỏng thì tự sửa. Nhưng khổ nỗi là chủ căn Shophouse liền kề 4 năm rồi mua để đấy không sử dụng nên ông cũng không biết là ai mà trao đổi. Năm lần bảy lượt gọi chủ đầu tư xin số điện thoại, cuối cùng ông A cũng có được số điện thoại. Ông gọi, đầu dây bên kia nhỏ nhẹ giải thích, căn Shophouse mua chưa hề sử dụng mà đã hỏng thì bây giờ ông mời chủ đầu tư đến sửa chủ căn Shophouse sẽ mở khóa cho vào.

Căn Shophouse này cũng hết thời gian bảo hành rồi, chủ đầu tư hết trách nhiệm rồi, mời sao được nữa. Lần đầu tiên trong đời ông A mới thấy thấm cảnh ở bên cạnh “nhà giàu” thì khổ sở như thế nào.

Hết hy vọng vào chủ đầu tư, không trông chờ gì được vào sự trợ giúp của hàng xóm, nước thì hàng ngày vẫn ngấm vào tầng hầm nhà ông. Cứ 3 ngày một lần ông A hì hục tát nước. Hôm nào bán được món đồ cũ, có lãi là ông “tự thưởng” cho mình bằng cách thuê người khác tát. Nhiều lúc ông A nghĩ, không có lẽ lại dành cả những năm hưu trí để tát nước dưới tầng hầm?!

Nhưng dù sao ông A cũng được “an ủi” vì đâu phải mình “số ông đen”, ông Bạch Văn Tiến, chủ căn Shophouse số 07-A3 cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Tiến cho biết, tầng hầm nhà ông bị ngấm mấy năm rồi. Ông Tiến “chuyên nghiệp” hơn ông A khi mua hẳn một cái máy bơm, cứ khi nước ngấm vào nhiều lại hút đi. Ông Tiến kết luận về chất lượng căn Shophouse của mình ngắn gọn: “Trên mái thì dột, dưới hầm thì ngập”.

Đã có có lúc ông A muốn bỏ chạy khỏi “phố Wall”. Nhưng cứ khi nhờ rao bán căn Shophouse ông lại thôi. Ông không lỡ để ai đó mua căn Shophouse này, không lỡ để họ ngày ngày phát bực như ông.

Hôm vừa rồi có người bạn biết ông A mua căn Shophouse của Hải Phát gọi điện hỏi ông về chất lượng nhà của Hải Phát xây có tốt hay không để mua căn hộ cho con trai cưới vợ, ông A hồ hởi khằng định sẽ đến dự tiệc cưới của cháu mà lờ tịt đi câu hỏi chất lượng nhà Hải Phát có tốt hay không. Có lẽ ông A không muốn ai nhắc đến nỗi đau ở Shophouse của Hải Phát không thấy phát gì chỉ phát... bực.

Link nội dung: https://biztoday.vn/mua-shophouse-cua-hai-phat-chi-phat-buc-162404.html