Chi phí chính thức của Olympic Tokyo là 15,4 tỷ USD, con số được Đại học Oxford mô tả là tốn kém kỷ lục. Với số tiền này, hãng tin AP ước tính có thể xây được gần 300 bệnh viện 300 giường hoặc 1.200 trường tiểu học hay mua 38 phi cơ Boeing 747.
Tổ chức Olympic tốn kém và có thể khiến nhiều ưu tiên khác bị gạt sang một bên. Trên thực tế, một số đợt kiểm toán của chính phủ Nhật Bản cho thấy chi phí thực sự của Olympic có thể gấp hai lần con số chính thức. Trong số này, 6,7 tỷ USD là từ tiền đóng thuế của người dân. Theo ngân sách gần đây nhất, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đóng góp 1,3 tỷ USD, hỗ trợ thêm vài trăm triệu USD nữa sau khi đại dịch xảy ra.
Đại học Oxford đã có nghiên cứu, mổ xẻ về các chi phí Olympic, cho thấy mọi kỳ thế vận hội từ năm 1960 đều tiêu tốn thực tế vượt mức trung bình 172%. Tỷ lệ của Olympic Tokyo có thể là 111% hoặc 244% tùy theo cách chọn số liệu.
“IOC và các thành phố đăng cai không quan tâm đến theo dõi chi phí bởi việc này thường dẫn đến bộc lộ các khoản chi vượt mức – sẽ trở thành điều xấu hổ cho IOC và nơi tổ chức”, Bent Flyvberg, Đại học Oxford, cho biết.
Pháo hoa tại sân vận động trong lễ bế mạc Olympic Tokyo ngày 8/8. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, theo dõi chi phí là một việc tẻ nhạt, với những cuộc tranh luận xem cái gì được tính hoặc không được tính là chi phí Olympic. Flyvberg lý giải con số từ những bộ môn khác nhau còn có thể “không rõ ràng và không thể so sánh”, đòi hỏi phải phân loại và theo dõi.
“Vấn đề là không phân biệt được đâu là chi phí cho Olympic và đâu là chi tiêu chung cho cơ sở hạ tầng – phải chi không sớm thì muộn nhưng được đẩy nhanh để phục vụ thế vận hội”, Victor Matheson, nghiên cứu kinh tế thể thao tại Cao đẳng Holy Cross, nhận định.
Ví dụ, Olympic Tokyo 1964 có thể nằm trong “nhóm thế vận hội tiết kiệm nhất hoặc tốn kém nhất tùy thuộc vào cách tính toán”.
Olympic Bắc Kinh 2008 được biết là tốn hơn 40 tỷ USD. Olympic mùa đông Sochi 2014 tiêu tốn 51 tỷ USD, thường được hiểu nhầm là tốn kém nhất.
“Con số của Bắc Kinh và Sochi khả năng cao bao gồm chi phí mở rộng hạ tầng như đường bộ, đường sắt, sân bay, khách sạn…. Số liệu của chúng tôi không tính đến những yếu tố này”, theo Matheson.
IOC mô tả Olympic là sự kiện toàn cầu đưa thế giới lại gần nhau hơn, thúc đẩy hòa bình, mọi người đều hưởng lợi.
Tokyo tất nhiên ghi nhận chi phí tăng vì phải trì hoãn Olympic từ năm 2020 sang 2021 do Covid-19. Nhà chức trách ước tính con số đội thêm là 2,8 tỷ USD. Sự trì hoãn còn xóa bỏ gần như toàn bộ nguồn thu từ bán vé, ước tính 800 triệu USD. Gánh nặng này sẽ phải do các tổ chức chính quyền Nhật Bản chịu – khả năng cao là chính quyền đô thị Tokyo.
Các nhà tổ chức Tokyo huy động được 3,3 tỷ USD từ nhà tài trợ trong nước, chủ yếu nhờ công ty quảng cáo Dentsu. Nhiều nhà tài trợ công khai phàn nàn trong quá trình tổ chức Olympic rằng khoản đầu tư của họ bị lãng phí vì thiếu vắng người hâm mộ. Toyota, một trong 15 nhà tài trợ hàng đầu của IOC, thu hồi các quảng cáo liên quan thế vận hội trên truyền hình vì công chúng bất bình với việc tổ chức Olympic giữa đại dịch.
Bên hưởng lợi nhiều nhất dường như là IOC, trụ sở Thụy Sĩ, bởi dù không có người hâm mộ, bản quyền phát sóng vẫn mang lại nguồn thu 3 – 4 tỷ USD. IOC gần như là “một doanh nghiệp thể thao và giải trí” với 75% thu nhập từ bản quyền phát sóng và 18% từ các nhà tài trợ.
IOC có thể thúc đẩy tổ chức thế vận hội chủ yếu nhờ các điều khoản trong cái gọi là Thỏa thuận Thành phố Tổ chức có lợi cho IOC hơn là nước chủ nhà. Trả lời phỏng vấn tuần trước, chủ tịch IOC Thomas Bach nói lợi ích tài chính không phải là vấn đề trọng tâm trong quyết định trì hoãn thay vì hủy Olympic của ủy ban.
“Chúng tôi có thể hủy thế vận hội cách đây 15 tháng. Về mặt tài chính, đó sẽ là giải pháp dễ dàng nhất cho IOC. Nhưng chúng tôi không quyết định hủy thế vận hội, không dùng đến những quyền lợi bảo hiểm khi đó”.
IOC chưa từng tiết lộ mức độ được bảo hiểm chi trả trong tình huống như vậy.
Thủ đô Paris, Pháp, sẽ là nơi tổ chức Olympic năm 2024. Ảnh: Reuters. |
Tại sao Tokyo cũng như nhiều thành phố khác vẫn muốn tổ chức Olympic?
Wolfgang Maennig, nhà kinh tế học thể thao người Đức, cho rằng Olympic tạo ra rất ít lực đẩy kinh tế. Do đó, giá trị của thế vận hội nằm ở nơi khác. Ông thường ví Olympic “như một bữa tiệc lớn cho bạn bè của bạn và chi tiêu mạnh tay, hy vọng họ sẽ hạnh phúc khi ra về và nhớ đến bạn”.
“Sau 3 thập kỷ nghiên cứu, các kinh tế gia nhất trí Olympic không tạo ra tác động tích cực đáng kể nào đến nguồn thu quốc gia hay khu vực, việc làm, du lịch…”, Maennig nhận định.
Theo Maennig, lợi ích của tổ chức Olympic thường thấy là lợi thế sân nhà, giúp vận động viên chủ nhà giành nhiều huy chương hơn, các cơ sở thể thao mới, tăng cường danh tiếng trên trường quốc tế. Năm nay, đội tuyển Nhật Bản đã giành được nhiều huy chương chưa từng thấy.
Hầu hết lợi ích từ Olympic rơi vào các công ty, nhà thầu xây dựng. Tokyo xây mới 8 cơ sở. Hai cơ sở tốn kém nhất là Sân vận động Quốc gia (1,43 tỷ USD) và trung tâm thể thao dưới nước (520 triệu USD). Hai chủ nhà tiếp theo là Paris, Pháp (năm 2024) và Los Angeles, Mỹ (2028) cho biết họ đang cắt giảm đáng kể cho xây mới hạ tầng.
Tokyo có thể chịu thiệt hại kinh tế ngắn hạn do đại dịch và thiếu vắng người hâm mộ nhưng mức này tương đối nhỏ so với nền kinh tế 5.000 tỷ USD.
Trong một nghiên cứu về chi phí Olympic do Robert Baade và Victor Matheson thực hiện, “Hướng đến Vàng: Tính kinh tế của Olympic”, họ chỉ ra rằng các khoản đầu tư cho Olympic đều rủi ro và rất ít lần thu được lợi ích.
“Mục tiêu nên là chi phí tổ chức phù hợp với lợi ích mang lại, bao gồm chia sẻ cho cả những người bình thường – tài trợ thế vận hội thông qua chính tiền thuế của họ. Trong tình hình hiện tại, vận động viên đoạt vàng dễ dàng hơn nhiều so với nhà tổ chức”.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhat-ban-duoc-gi-mat-gi-sau-olympic-tokyo-165875.html