Ông chủ của Dalatmilk vừa bị phạt hơn 300 triệu đồng vì vi phạm môi trường là ai?

Dalatmilk vừa bị tỉnh Lâm Đồng xử phạt số tiền lên đến 328 tiệu về hành vi vi phạm hành chính về pháp luật bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.

Xả thải vào nguồn nước không phép

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Quyết định Xử phạt hành chính đối với CTCP Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính về pháp luật Bảo vệ môi trường và Tài nguyên nước.

Cụ thể, Dalatmilk đã có hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép, với lưu lượng 111 m3/ngày đêm; vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 điều 20 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP.

CTCP Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) bị xử phạt hơn 300 triệu đồng.

Đồng thời, đơn vị này không thực hiện biện pháp chống thấm tại các hồ chứa nước thải chăn nuôi; vi phạm quy định tại khoản 1 điều 23 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, Dalatmilk không xây dựng hệ thống xử lý thải nước chăn nuôi tại 3 Trại chăn nuôi như cam kết tại Đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt; vi phạm quy định tại điểm đ khoản 3 điều 10 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định xử phạt CTCP sữa Đà Lạt 328 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm nói trên.

Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng buộc Dalatmilk phải xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải để thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi của các Trại chăn nuôi trước ngày 31/12/2021.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt phải nộp số tiền trên vào Kho bạc nhà nước tỉnh Lâm Đồng hoặc một trong các đơn vị được ủy nhiệm thu. Quá thời hạn, nếu công ty không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì sẽ phải nộp thêm 0,05% tổng số tiền phạt chưa nộp.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt tiền thân là Công ty giống bò sữa Lâm Đồng, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 19/8/2005. Năm 2014, Tập đoàn TH với thương hiệu Sữa tươi sạch TH True Milk hàng đầu Việt Nam đã mua lại Dalatmilk.

Từ năm 2015, doanh nghiệp này đã liên tục tăng vốn điều lệ từ 70,5 tỷ đồng lên 79,6 tỷ đồng. Đến 9/2018, vốn điều lệ của Dalatmilk tăng từ 79,6 tỷ đồng lên 114,6 tỷ đồng.

Trong đó, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) góp 4,2 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Bò sữa TP HCM góp 3,7 tỷ đồng, nhóm cổ đông khác góp 88,5 tỷ đồng. Số vốn còn lại do 5 cá nhân khác góp. Đến tháng 11/2019, Dalatmilk do ông Ngô Minh Hải là người đại diện pháp luật và có vốn điều lệ là 132,47 tỷ đồng. Ông Ngô Minh Hải cũng được biết đến là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH.

Nhiều doanh nghiệp sữa dính lùm xùm về môi trường

Liên quan đến Tập đoàn TH, vào giữa tháng 7 năm 2019, Công ty CP Thực phẩm sữa TH True Milk bị người dân xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn phản ánh tưới cỏ bằng nước phân tươi. Theo phản ánh hàng loạt xe bồn xi tẹc chở theo nước phân tươi, nước thải tại các cụm trang trại bò sữa của TH True Milk đến đổ tập kết vào những hố rộng hàng nghìn mét vuông tại các xóm Làng Đấn, xóm Yên Khang, thuộc xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn) và xóm Đông Du 2, thuộc xã Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa) khiến cho cả khu vực “chìm” trong mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường.

Theo phản ánh của người dân xã Nghĩa Lâm cho hay, cứ nơi nào có cánh đồng cỏ của Trang trại bò sữa TH là nơi đó có hố đựng phân được nhà đầu tư đào; phân tươi cứ thế được tưới sau mỗi chu kỳ cắt cỏ một vài ngày.

Một trong những hố chứa phân tại các cụm trang trại bò TH ở Nghệ An bị người dân phản ánh. Ảnh Báo Xây Dựng.

Trả lời Báo Xây dựng, bà Lưu Thị Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Cty thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt của đơn vị như báo nêu là có thật. Theo bà Hiền, từ năm 2016 trở lại đây, số lượng đàn bò tăng nhanh (45.000 con) nên việc xử lý chất thải chưa theo kịp với nhu cầu, dẫn đến công ty phải cho tập kết tạm chất thải tại các hố phân như công luận đã nêu.

Trước đó, cuối năm 2018, người dân sinh sống tại thôn Đức Thịnh, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội ngay sát khu vực hệ thống xử lý nước thải và điểm xả thải của nhà máy sữa Ba Vì thuộc công ty Cổ phần sữa Quốc tế – IDP cũng bất bình vì tiếng ồn và ô nhiễm môi trường.

Theo một số người dân, nước thải của công ty xả ra mùi rất khó chịu, nhất là vào ban đêm và trời mưa, máy móc thì chạy suốt ngày đêm gây ô nhiễm tiếng ồn.

Cũng liên quan đến một công ty sữa, tháng 12/2008, nhà máy sữa Thống Nhất thuộc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa. Đoàn kiểm tra liên ngành về môi trường đã tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy ở số 12 Đặng Văn Bi quận Thủ Đức, TPHCM.

Đoàn kiểm tra liên ngành về môi trường đã kết luận, Nhà máy sữa Thống Nhất đã có những vi phạm môi trường như không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mà đã đưa công trình vào hoạt động đối với những trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 lần đến dưới 5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 50m³/ngày đến dưới 5.000m³/ngày; thải khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép vào môi trường dưới 2 lần.

Link nội dung: https://biztoday.vn/ong-chu-cua-dalatmilk-vua-bi-phat-hon-300-trieu-dong-vi-vi-pham-moi-truong-la-ai-169149.html