Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu

Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng kết thúc tuần qua ở mức 0,9%/năm và hiện đã giảm về 0,77%/năm, mức thấp nhất kể cuối tháng 4 đến nay.

Trong bối cảnh các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng hồi đầu năm của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được thực hiện, nguồn cung tiền VNĐ đang ngày một dồi dào hơn trên thị trường ngân hàng. Ở chiều ngược lại, cơ quan quản lý tiền tệ vẫn không có động thái hút tiền ra khỏi thị trường đã khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 9-13/8 của Trung tâm Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research, tuần vừa diễn ra, NHNN tiếp tục không phát sinh giao dịch mới trên thị trường mở, trong khi các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục được thực hiện.

Điều này đã khiến lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm nhẹ 0,06-0,07 điểm %, kết tuần ở 0,9%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 1,04%/năm cho kỳ hạn 1 tuần.

Theo số liệu mới nhất từ NHNN, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng hiện chỉ ở 0,77%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,85%/năm với kỳ hạn 1 tuần, tiếp tục xu hướng giảm nhanh từ tháng 6 và hiện đã ở vùng thấp nhất kể từ cuối tháng 4 (thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4).

Thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn duy trì trạng thái dồi dào. Ảnh: Nam Khánh.

Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ghi nhận xu hướng dồi dào hơn giai đoạn trước dịch.

Ngoài việc ghi nhận nguồn cung tiền đồng từ các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn của NHNN được thực hiện, tiền trong hệ thống tăng còn do tín dụng tăng trưởng không đạt kỳ vọng vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong khi số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại tăng nhanh.

Theo số liệu mới nhất của NHNN, đến cuối tháng 6, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống tổ chức tín dụng là 5,111 triệu tỷ đồng, tăng 4,78% so với đầu năm và cao hơn 1,52 điểm % trong tháng 6.

Như vậy, riêng tháng 6, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đã tăng thêm 74.200 tỷ, cao hơn 25% so với tháng liền trước và là tháng tăng ròng cao thứ 2 từ đầu năm (chỉ sau mức 203.000 tỷ hồi tháng 3).

Tính chung nửa năm, nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp đã mang gần 233.200 tỷ đồng đi gửi ngân hàng lấy lãi. Cao hơn nhiều so với mặt bằng chung giai đoạn 2016-2020 là 167.000 tỷ/ nửa năm.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 7, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 6,66% so với đầu năm, cao hơn 1,13% so với tháng 6.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, với các số liệu thống kê đã công bố, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 chưa có nhiều tác động mạnh tới tình hình kinh tế vĩ mô tháng 7, ngoại trừ doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, khi việc giãn cách tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác tiếp tục kéo dài sang tháng 8 và nhiều khả năng sang tới tháng 9, các biện pháp tài khóa và tiền tệ cần được sử dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Tuần qua, NHNN đã chuyển phương thức giao dịch mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối từ mua kỳ hạn 6 tháng sang mua giao ngay. Điều này được kỳ vọng tiếp tục cung cấp thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ vẫn duy trì tích cực.

Bên cạnh đó, ngoài các gói hỗ trợ cắt giảm lãi suất cho vay từ tháng 7, 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) đã công bố thêm gói hỗ trợ lãi suất trị giá 1.000 tỷ đồng/nhà băng dành cho các khách hàng và doanh nghiệp nằm trong các tỉnh, thành áp dụng Chỉ thị 16.

Vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm nhẹ trong ngắn hạn, trong khi đó, lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động.

Link nội dung: https://biztoday.vn/lai-suat-lien-ngan-hang-giam-sau-170602.html