Số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại TP.HCM tăng cao trong những ngày gần đây. Theo lý giải của Sở Y tế TP.HCM, điều này nằm trong chiến lược tăng cường lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả trường hợp F0.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing, các chuyên gia nhận định điều này cần xem xét điều tra dịch tễ kỹ lưỡng do tăng cường xét nghiệm phát hiện ra hay là giãn cách xã hội chưa nghiêm ngặt.
Vì sao F0 trong cộng đồng ở TP.HCM tăng?
Trao đổi với phóng viên, ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thừa nhận việc ca nhiễm trong cộng đồng tăng là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, việc tăng này không phải đột biến, đều nằm trong dự báo.
Theo ông Thượng, một trong số các nguyên nhân khiến F0 trong cộng đồng tăng là TP.HCM đang trong tuần lễ tăng cường xét nghiệm phát hiện sớm F0. Mục tiêu là bóc tách F0 trong cộng đồng, tăng "vùng xanh" và đi đến làm giảm "vùng đỏ".
Số ca F0 được phát hiện khi sàng lọc tại cơ sở y tế ở TP.HCM | |||||||||||||||||||
Theo Sở Y tế TP.HCM | |||||||||||||||||||
Nhãn | 3/8 | 4/8 | 5/8 | 6/8 | 7/8 | 8/8 | 9/8 | 10/8 | 11/8 | 12/8 | 13/8 | 14/8 | 15/8 | 16/8 | 17/8 | 18/8 | |||
người | 308 | 649 | 335 | 716 | 858 | 603 | 556 | 673 | 676 | 903 | 757 | 997 | 756 | 1015 | 1093 | 1442 |
"Để kiểm soát tình hình, theo tôi, không còn cách nào khác chúng ta phải tiếp tục thực hiện giãn cách thật nghiêm, chú trọng thực hiện an sinh xã hội tại chỗ, xét nghiệm nhanh, giảm số ca tử vong và đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân", Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Trong bối cảnh TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 16, xu hướng F0 tăng là diễn biến đáng lo ngại
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam, bày tỏ lo ngại trước tình trạng số ca F0 được phát hiện trong cộng đồng tiếp tục tăng tại TP.HCM.
“Cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân khiến F0 có xu hướng tăng tại thành phố, là tăng cường xét nghiệm hay giãn cách xã hội chưa nghiệm. Trong bối cảnh TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 16, xu hướng F0 tăng là diễn biến đáng lo ngại”, PGS Phu nói.
Đồng quan điểm với PGS Trần Đắc Phu, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhấn mạnh chiến lược xét nghiệm tìm F0 tại thành phố cần thực hiện thận trọng hơn, không tập trung nhân lực vào xét nghiệm mà bỏ quên mục tiêu quan trọng nhất là điều trị F0, giảm tử vong.
Nhân viên y tế chuyển một F0 có diễn biến nặng từ nhà đến cơ sở điều trị Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Số ca F0 trong cộng đồng ngày càng tăng chứng tỏ việc lây nhiễm đã xảy ra âm thầm, không chỉ còn ở trong khu phong tỏa. Thậm chí, số F0 ngoài cộng đồng có thể đã đạt tỷ lệ rất cao. Covid-19 đã ngấm sâu ở TP.HCM, cần xét nghiệm trọng tâm theo vùng”, bác sĩ Khanh nói.
Xét nghiệm tìm F0 một cách có hiệu quả
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam, chủ trương xét nghiệm bóc tách F0 trong cộng đồng tại TP.HCM là cần thiết. Song thành phố nên thực hiện kế hoạch xét nghiệm diện rộng thật cụ thể để đảm bảo hiệu quả.
Tại vùng đỏ quan trọng nhất là giảm các số mắc có triệu chứng nặng và tử vong nên việc xét nghiệm phục vụ cho điều trị. Quan trọng nhất là điều trị, giảm tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong, bảo vệ đối tượng nguy cơ và phong tỏa chặt hơn nữa, lấy phong tỏa làm cách ly.
Còn tại “vùng xanh”, cần thực hiện xét nghiệm có chỉ định, khoanh vùng, dập dịch triệt để không để dịch xâm nhập và bùng phát.
Một ý kiến khác theo bác sĩ Trương Hữu Khanh là rà soát và xác định tất cả người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao (người lớn tuổi, bệnh nền, miễn dịch kém, không đủ tiêu chuẩn tiêm vaccine…) và bảo vệ họ.
“Mục tiêu hiện nay là tập trung cho hệ thống điều trị. Quan trọng hơn việc xét nghiệm đại trà là tìm ra bao nhiêu đối tượng nguy cơ trong cộng đồng mà chưa bệnh thì cách ly, bảo vệ họ. Sau đó tính đến chuyện loại bỏ F0 ở ngoài cộng đồng. Vì số F0 không thể hết nhanh trong ngày một ngày hai được nhưng khi lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ thì rất nguy hiểm”, bác sĩ Khanh nói.
Covid-19 đã ngấm sâu ở TP.HCM, cần xét nghiệm trọng tâm theo vùng chứ không nên thực hiện diện rộng như trước
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Chuyên gia này cho rằng lực lượng y tế địa phương nên hướng dẫn người dân cách tự lấy mẫu xét nghiệm, không cần tổ chức các đợt xét nghiệm rộng rãi để tránh tập trung đông đúc, vô tình tạo sự lây nhiễm cho người dân trong quá trình lấy mẫu.
Nếu test nhanh dương tính thì xác định là F0, không cần thiết xét nghiệm rRT-PCR thêm. Phương pháp rRT-PCR chỉ cần thực hiện trường hợp cần thiết như đánh giá khả năng bệnh nặng - nhẹ và xuất viện.
"TP.HCM giãn cách xã hội chưa nghiêm"
PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh để hướng đến mục tiêu kiểm soát dịch trong thời gian sớm nhất, TP.HCM vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm và triệt để. Nguyên tắc của giãn cách xã hội là hạn chế sự tiếp xúc giữa người lành và người mang mầm bệnh, cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Nếu Trung ương và TP.HCM không có biện pháp quyết liệt hơn nữa, thì thảm họa như các nước đã vỡ trận trên thế giới là điều khó tránh
Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn
Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội tại TP.HCM trong thời gian qua thực hiện chưa nghiêm. Các hình ảnh trên truyền thông hiện nay cho thấy người dân đi lại rất nhiều.
“Biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, việc tập trung đông đúc rất nguy hiểm và nếu cứ không quyết liệt, tôi nhấn mạnh là quyết liệt trong dập dịch ở vùng đỏ, có biện pháp bảo vệ phù hợp ở vùng xanh, giảm vùng đỏ, vùng da cam, vùng vàng nhanh chóng đưa về vùng xanh. Như thế thì thành phố mới sớm kiểm soát được dịch”, PGS Phu nhấn mạnh.
Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, nhận định: "TP.HCM giãn cách xã hội chưa nghiêm. Mức độ lây nhiễm trong cộng đồng tại thành phố lại ngày càng nhanh".
Đường phố TP.HCM đông đúc trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Y Kiện. |
Với chủng Delta, một người có thể lây cho 7 người, chu kỳ còn có 2 ngày, trong khi dịch bắt đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc), một người chỉ lây cho hơn 2 người, chu kỳ là 5 ngày. Một người bị nhiễm lây cho cả gia đình, thậm chí một con hẻm, khu phố.
Thực tế đã có rất nhiều khu dân cư tất cả người dân đều bị dương tính từ một nguồn lây ban đầu.
“Với ca nhiễm mới trong khu cách ly phong tỏa thì ta có thể yên tâm, còn ca nhiễm mới ở ngoài cộng đồng thì cực kỳ phức tạp và nguy hiểm. Nếu Trung ương và TP.HCM không có biện pháp quyết liệt hơn nữa, thì thảm họa như các nước đã vỡ trận trên thế giới là điều khó tránh. Tình thế hiện tại không cho phép ta chần chừ mà phải thực sự quyết liệt”, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn nói.
Một số bất cập thấy rõ theo bác sĩ Tuấn là người dân vô tư vi phạm Chỉ thị 16 nhưng biện pháp răn đe chưa nghiêm. Thậm chí, những quyết tâm dập dịch thì lại biến thành nguy cơ với người dân như hàng nghìn người ùn tắc khi tiêm vaccine, khi xét nghiệm, khi khai báo… do khâu tổ chức chưa hợp lý.
“Trong tình trạng nghiêm trọng này, tôi cho rằng chỉ có thiết quân luật toàn TP.HCM mới đủ hiệu quả ngăn chặn và khống chế dịch bệnh. Đó là ‘kháng sinh’ hiệu quả nhất đối với biến chủng Delta này”, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn nêu ý kiến.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tphcm-can-lam-gi-khi-f0-trong-cong-dong-co-xu-huong-tang-cao-171518.html