Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, bà Trần Uyên Phương vừa công bố giao dịch cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 của đại gia Nguyễn Ảnh Nhượng Tống.
Cụ thể, nhà đầu tư này tiếp tục bán ra 1,36 triệu cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 trong hai ngày 5/8 và 9/8 vừa qua. Trong ngày 5/8, bà Uyên Phương bán ra 960.000 cổ phiếu YEG, đến ngày 9/8 vị này tiếp tục bán ra 400.000 đơn vị.
Với hai giao dịch vừa qua, bà Phương đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Yeah1 xuống còn 14,5% vốn, tương đương 4,56 triệu cổ phiếu.
Trước đó, ngày 28/7, bà Phương cũng đã bán 251.600 cổ phiếu YEG.
Mức giá không được công bố nhưng trong khoảng thời gian đó, cổ phiếu YEG dao động quanh mức 15.000-16.000 đồng/cp. Được biết, thời điểm bà Phương mua vào mức giá của Yeah 1 khoảng 50.000 đồng/cp.
Cổ phiếu Yeah1 giảm mạnh kể từ khi lên sàn hồi giữa 2018 với mức giá 300.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa của doanh nghiệp trên 9.000 tỷ đồng. Tới nay, Yeah1 đang giao dịch ở mức 15.500 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường chỉ khoảng 500 tỷ đồng. Tức là đã 'bốc hơi' hơn 8.000 tỷ đồng vốn hóa.
Yeah1 lao dốc trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hai năm liên tiếp: năm 2019 âm hơn 385 tỷ đồng và 2020 âm gần 182 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 âm 219 tỷ đồng.
Sau khi bắt buộc phải bỏ cuộc chơi tại Hollywood và tạm thời gác lại tham vọng tỷ USD, doanh nghiệp của ông trùm truyền thông và truyền hình Nguyễn Ảnh Nhượng Tống liên tục thua lỗ khi mảng thương mại truyền thông kinh doanh dưới giá vốn và chi phí bán hàng tăng đột biến.
Gần đây, nhiều đại gia nhiều tiền cũng gặp phải khó khăn khi đầu tư mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Ông chủ Thaco, Trần Bá Dương gặp khó khăn và buộc phải thoái vốn tại CTCP Hùng Vương - Thủy sản Hùng Vương (HVG) sau khoảng một năm rót tiền vào “ông trùm” cá tra một thời. HVG gặp khó với khoản nợ lớn và cổ phiếu lình xình ở đáy trong suốt 3 năm qua.
Nhiều cổ đông lớn, trong đó có cổ đông chiến lược ThaiBev tại Bia Sài Gòn (Sabeco) chứng kiến tài sản tụt giảm do giá cổ phiếu lao dốc do nhiều yếu tố, từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Nghị định 100 về kiểm soát người tham gia giao thông uống bia rượu...
Giới đầu tư cũng chứng kiến Pyn Elite Fund và VinaCapital đồng loạt thua lỗ với khoản đầu tư vào ông trùm BOT Tasco (HUT). Trong những năm trước nhiều cổ đông ngoại đã lỗ nặng vì đầu tư vào cổ phiếu HAG.
Biến động chỉ số VN-Index.
Trong 1 diễn biến khác, Tân Liên Phát nhà đầu có liên quan đến hệ sinh thái Vingroup từng đã phải dừng thương vụ đầu tư vào Gỗ Trường Thành (TTF) do phát hiện ra nhiều sai sót báo cáo. Cho tới gần đây, tháng 6/2021 vừa qua, khoản nợ tương ứng với 40,5 triệu cổ phiếu đã chuyển thành cổ phần ưu đãi nhận cổ tức 6,5%/năm.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 20/8
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giá cổ phiếu giảm mạnh sau cú bứt phá vào chiều qua. Chỉ số VN-Index giảm hơn 10 điểm xuống ngưỡng 1.365 điểm. Nhóm cổ phiếu trụ cột đa số giảm mạnh.
Càng về cuối phiên giao dịch buổi sáng, nhà đầu tư càng trở nên hoảng loạn khi thị trường không xuất hiện tín hiệu hồi phục nào mà liên tục giảm sâu hơn. VIC giảm đến 5,5%, GVR giảm 5,7%, TCB giảm 3,4%, SHB giảm 3,1%, MBB giảm 3,2%, VCB giảm 2,6%.
VN-Index giảm 33 điểm (-2,42%) xuống 1.341,52 điểm. HNX-Index giảm 4,9 điểm (-1,42%) xuống 341,17 điểm. UPCoM-Index giảm 1,55 điểm (-1,64%) xuống 93,16 điểm.
Công ty chứng khoán SHS cho rằng việc VN-Index tăng mạnh trong ngày đáo hạn phái sinh không phải diễn biến bất ngờ và đã diễn ra trong những lần đáo hạn trước đó. Tuy tăng điểm trong phiên 19/8 nhưng VN-Index vẫn chưa thể đóng cửa trên vùng kháng cự 1.370-1.380 điểm nên kịch bản nối dài sóng hồi phục b lên vùng 1.400-1.425 điểm (đỉnh tháng 7/2021) chưa được kích hoạt. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 400 tỷ đồng trên hai sàn tiếp tục là một điểm tiêu cực.
Theo Công ty chứng khoán MBS, với phiên tăng mạnh 19/8, các chỉ số kỹ thuật tiếp tục củng cố xu hướng tăng điểm của thị trường, nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ có cơ hội kiểm định ngưỡng kháng cự 1.382 điểm trong phiên cuối tuần. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, thép, cảng biển,…hay nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công sẽ là địa chỉ của dòng tiền.
Chốt phiên chiều 19/8, chỉ số VN-Index tăng 13,91 điểm lên 1.374,85 điểm. HNX-Index tăng 1,25 điểm lên 346,07 điểm. Upcom-Index tăng 0,23 điểm lên 94,71 điểm. Thanh khoản trong cả ngày đạt 27,6 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, thấp hơn một chút so với phiên liền trước. Riêng sàn HOSE đạt hơn 31,2 nghìn tỷ đồng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/cu-sut-8000-ty-ky-lan-nganh-truyen-thong-viet-mat-ngoi-172487.html