Nguy cơ dịch lây lan ở Hà Nội vẫn rất cao sau 1 tháng giãn cách

"Nguy cơ tại các khu vực ở Hà Nội vẫn rất cao. Người dân cần khai báo, hợp tác với cơ quan chức năng, tránh để dịch lây lan âm thầm thì đã muộn", ông Khổng Minh Tuấn khuyến cáo.

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 1

Trao đổi với Zing sáng 26/8, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn thông tin nhanh về ổ dịch phức tạp nhất hiện nay ở ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).

Ông Tuấn cho biết cơ quan chuyên môn nhận định ổ dịch tại ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) có thể từ 2-3 nguồn lây khác nhau. Tuy nhiên, ngành y tế chưa có nhận định chính xác vì còn phụ thuộc vào thông tin khai báo của người dân.

Nguồn lây khó xác định, mức độ phức tạp lớn

Điều đáng lo ngại theo lãnh đạo CDC Hà Nội là chùm ca bệnh này lây lan âm thầm từ lâu, đã sang chu kỳ lây nhiễm thứ 2, thứ 3 mới được phát hiện nên truy nguồn rất khó. Ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi là nơi chật hẹp, tập trung đông dân cư, nên khả năng lây nhiễm mạnh, nhất là khi người dân chưa tuân thủ triệt để việc tránh tiếp xúc, đi lại giữa các hộ gia đình.

Việc xét nghiệm diện rộng được thực hiện quyết liệt, nhưng rõ ràng F0 chưa được phát hiện hết.

Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn

"Chúng tôi đánh giá ổ dịch này có thể tiếp tục phức tạp trong những ngày tới, có thể phát hiện thêm các F0 ở khu vực này và lân cận, tổng số ca có thể lên 100", vị chuyên gia nói.

Đánh giá chung về nguy cơ tại Hà Nội hiện tại, ông Tuấn cho rằng dịch bệnh có xu hướng chuyển dịch vào nội thành. Một số ổ dịch bùng phát rải rác ở các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân. Trong khi đó, qua xét nghiệm sàng lọc, tình hình ở các huyện đang tương đối ổn định.

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 2

Chuyên gia nhận định các ổ dịch trong nội thành Hà Nội đang có nguy cơ rất cao. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Mục tiêu thời gian tới của CDC Hà Nội là tiếp tục rà soát, xét nghiệm trường hợp ho, sốt; đối tượng nguy cơ cao và khu vực có yếu tố dịch tễ phức tạp. Tuy nhiên, ông Tuấn lo ngại dịch bệnh có nhiều yếu tố khó lường hơn khi những khu vực được cho là nguy cơ thấp (phường Thanh Xuân Trung) lại xuất hiện ổ dịch phức tạp.

"Việc xét nghiệm diện rộng được thực hiện quyết liệt, nhưng rõ ràng F0 chưa được phát hiện hết. Nguy cơ đối với các khu vực khác trên địa bàn vẫn rất cao. Quan trọng là người dân cần khai báo, phối hợp cơ quan chức năng, tránh để dịch lây lan âm thầm rồi mới phát hiện thì đã muộn", ông Tuấn nói.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng cho rằng có hiện tượng trường hợp F0, F1, F2 khai báo dịch tễ không đầy đủ, do lo ngại bị phạt vì vi phạm quy định giãn cách. Cộng với việc dịch bệnh xâm nhập vào các hẻm, ngõ nhỏ, đông dân khiến việc truy vết gặp nhiều thách thức.

Dịch bệnh "ngấm" sâu trong cộng đồng

Theo số liệu từ CDC Hà Nội đến 7h ngày 26/8, Hà Nội có tổng cộng 2.770 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4. Đây là đợt dịch phức tạp, nguy hiểm nhất từ trước đến nay tại thủ đô. UBND Hà Nội quyết định giãn cách xã hội từ 6h ngày 24/7. Sau 4 tuần, dịch bệnh được kiềm chế nhưng số ca mắc chưa giảm đến ngưỡng an toàn.

Từ ngày 1/8, nhiều ổ dịch phức tạp bùng phát mạnh ở một số quận huyện như Đông Anh (199 F0), Đống Đa (143), Thanh Trì (197), Hai Bà Trưng (80), Thường Tín (88), Thanh Xuân (93). Các ổ dịch lớn đều có điểm chung là chu kỳ lây ngắn, số lượng F1, F2 nhiều.

Hà Nội cần nhanh chóng xét nghiệm, trả kết quả cho nơi nguy cơ cao, làm sạch những khu vực dịch tễ phức tạp.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Đáng chú ý, trong đợt xét nghiệm diện rộng của Hà Nội, ngành y tế chỉ phát hiện ổ dịch tại Đống Đa, Thanh Trì, trong khi các ổ dịch phức tạp khác như Thanh Xuân, Thường Tín, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Hai Bà Trưng đều phát hiện qua sàng lọc ho, sốt. Tức là nhiều ổ dịch tại Hà Nội được phát hiện khi F0 đã ở trong cộng đồng nhiều ngày.

Lý giải về việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế) nhìn nhận dịch bệnh đã "ngấm" tương đối sâu. Qua một tháng tổng lực xét nghiệm, truy vết chưa thể tìm hết rõ ràng số lượng F0 còn nhiều trong cộng đồng và có thể đang tiếp tục lây lan.

Ông nhấn mạnh việc giãn cách xã hội sớm rõ ràng là quyết định rất quan trọng của Hà Nội. Sau hơn một tháng, TP vẫn làm chủ được tình hình, vẫn có khả năng truy vết, điều trị, đồng thời có thời gian để chuẩn bị điều kiện chữa trị, vật tư, thiết bị cho cuộc chiến dài hơi là thành công lớn.

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 3

Việc xét nghiệm sàng lọc tại Hà Nội chưa phát hiện được các ổ dịch nguy hiểm. Ảnh minh họa: Đức Anh.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng Hà Nội cần kiên định các mục tiêu và nhiệm vụ trước mắt. Trong đó, TP cần nhanh chóng xét nghiệm, trả kết quả cho khu vực nguy cơ cao, làm sạch những khu vực dịch tễ phức tạp theo hướng "thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh".

Trao đổi với báo chí về kế hoạch kéo dài giãn cách xã hội đến ngày 6/9, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết thành phố sẽ tận dụng khoảng thời gian này để tiêm vaccine cho người dân, nâng cao năng lực y tế, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh.

Ông nhấn mạnh TP sẽ nâng cấp trang thiết bị, hệ thống oxy; đào tạo, tập huấn đội ngũ y bác sĩ; chuẩn bị bệnh viện thu dung, điều trị F0 triệu chứng nhẹ... Thành phố cũng đã chuẩn bị cho 3 giai đoạn, với 10.000, 20.000, 30.000 giường điều trị, thành lập thêm khu cách ly tập trung, với mục tiêu có thể cách ly cho 70.000 đến 100.000 người.

Quận, huyện tăng cường tiêm vaccine, nâng cao năng lực của y tế để chủ động, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Thành phố cũng tiếp tục hoàn thiện nội dung còn hạn chế trong thời gian vừa qua như việc người dân ra đường khi không cần thiết.

 

Link nội dung: https://biztoday.vn/nguy-co-dich-lay-lan-o-ha-noi-van-rat-cao-sau-1-thang-gian-cach-174496.html