Từ đối tác…
Trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), Công ty CP Quốc Cường Gia Lai được xác định có liên quan đến cả hai dự án, là Khu dân cư (KDC) Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và KDC Ven Sông (Q.7).
Như VietNamNet đã thông tin trong bài viết trước, tại dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong, ban đầu Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Công ty QCGL) đóng vai trò là đối tác của Công ty Tân Thuận. Nhưng sau đó, Công ty QCGL đã từng bước “thâu tóm” toàn bộ dự án.
Dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong tọa lạc tại khu số 4, quy mô 31.967m2 thuộc dự án KDC Ven Sông.
Năm 2008, Công ty Tân Thuận hợp tác với Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (Công ty HAGL) với tỷ lệ 55:45 để đầu tư dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong. Vì vướng quy hoạch nút giao thông nên dự án không thể triển khai.
Đến năm 2012, Công ty HAGL chuyển nhượng 45% vốn góp này cho công ty con, là Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh. Cuối năm 2015, Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh tiếp tục chuyển nhượng 45% vốn góp này cho Công ty QCGL.
Dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong khi đang xây dựng.
Theo lời khai của bà Nguyễn Thị Như Loan – TGĐ Công ty QCGL, sau khi mua lại 45% vốn góp của Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh (công ty con của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai), phía Công ty QCGL đề nghị Công ty Tân Thuận nhanh chóng thực hiện dự án để sớm thu hồi vốn.
Công ty Tân Thuận đã ba lần họp với Sở Xây dựng TP.HCM xin chấp thuận đầu tư dự án nhưng sở này trả lời công ty không đủ điều kiện vốn đối ứng 20% tổng mức đầu tư, nên không thực hiện được dự án.
Do đó, sau nhiều lần gặp và trao đổi, Công ty QCGL đề xuất Công ty Tân Thuận phải tăng vốn điều lệ và vay ngân hàng để đủ điều kiện thực hiện đối với 55% vốn của công ty tại dự án. Riêng 45% vốn của mình, Công ty QCGL tự cân đối tài chính để thực hiện dự án.
Công ty Tân Thuận cho rằng vì là doanh nghiệp Nhà nước nên việc tăng vốn điều lệ là rất khó và công ty không có tài sản để thế chấp ngân hàng.
Vì vậy, Công ty QCGL đề xuất hoặc Công ty Tân Thuận mua lại phần vốn góp của Công ty QCGL hoặc Công ty Tân Thuận phải chuyển nhượng dự án cho Công ty QCGL.
Tuy nhiên, Công ty Tân Thuận không đồng ý chuyển nhượng hết mà chỉ chuyển nhượng tiếp 45%, còn 10% vốn góp công ty này muốn giữ lại để đổi lấy sản phẩm cho thuê, làm nguồn thu nhập ổn định.
… đến chủ đầu tư
Sau khi bàn bạc và thống nhất, ngày 18/3/2016, Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp của mình cho Công ty QCGL với giá 186,2 tỷ đồng.
Lúc này, Công ty QCGL đã nắm 90% giá trị khu đất. Công ty Tân Thuận nắm 10% còn lại, nhưng về mặt pháp lý doanh nghiệp Nhà nước này vẫn đứng tên chủ sở hữu khu đất.
Cũng theo lời khai của bà Nguyễn Thị Như Loan, vào năm 2017, Công ty QCGL đề nghị Công ty Tân Thuận bỏ ra 10% chi phí để xây dựng dự án.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này không chịu bỏ chi phí xây dựng mà muốn lấy 10% giá trị đất để hoán đổi thành sàn căn hộ trên tổng số giá trị của đất và chi phí xây dựng đã bỏ ra.
Những cư dân đầu tiên của dự án này đã nhận bàn giao nhà từ đầu năm 2021.
Do đó, Công ty QCGL yêu cầu Công ty Tân Thuận chuyển nhượng dự án cho Công ty QCGL làm chủ đầu tư, để phù hợp với các khoản tiền thanh toán cho đơn vị thi công.
Từ đề nghị của Công ty Tân Thuận, tháng 11/2017 UBND TP.HCM chấp thuận cho chuyển nhượng dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong. Trong tháng này, hai bên đã ký hợp đồng chuyển nhượng.
Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM cho rằng, kết quả điều tra đến nay không có căn cứ xử lý hình sự đối với bà Nguyễn Thị Như Loan.
Theo kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự cấp Thành phố, việc Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 45% vốn góp và hoán đổi 10% vốn góp thành sàn căn hộ cho Công ty QCGL đã gây thất thoát 80 tỷ đồng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vu-thau-tom-gan-32000m2-dat-cong-ba-chu-quoc-cuong-gia-lai-khai-gi-174517.html