Những hậu quả đằng sau vụ Acecook, Thiên Hương bị thu hồi sản phẩm chứa chất cấm

Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bị phát hiện chứa phụ gia cấm như Acecook, Thiên Hương sẽ đối diện với hệ quả sản phẩm không chỉ bị thu hồi, không được phép lưu hành tại các thị trường có lệnh cấm mà còn có nguy cơ bị phạt vì vỡ hợp đồng, giảm uy tín doanh nghiệp lẫn quốc gia…

Liên tiếp bị phát hiện dùng phụ gia cấm

Hôm 28/8 vừa qua, Na Uy, quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thu hồi sản phẩm mì khô vị bò gà có tên tiếng Anh “Dried noodles with chicken - and beef spices” của nhà sản xuất Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương sản xuất, do chứa 0,052 mg/kg - ppm Ethylene Oxide, vi phạm Chỉ thị số 91/414/EEC của EU.

Ngày 20/8/2021, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene oxide, trong đó có Mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, lô hạn sử dụng đến 24/9/2022) và miến Good vị sườn heo (loại 56 g, lô hạn sử dụng đến 10/11/2022) do Acecook Việt Nam sản xuất.

Ethylene oxide còn được gọi là khí EO hoặc ETO, được sử dụng để tiệt trùng vật tư, dụng cụ trong lĩnh vực y tế, thiết bị chăm sóc sức khỏe; diệt vi sinh vật trong một số loại gia vị, rau sấy…

Mì tôm Hảo Hảo là sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Ảnh Internet.

Trước các vụ việc này, Bộ Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm trên báo cáo về quy trình sản xuất để đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế). Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng (Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh) tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu Ethylene oxide đối với một số sản phẩm do các đơn vị trên sản xuất đang lưu hành ở Việt Nam.

Đáng chú ý trước đó, từ tháng 12/2020, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) cùng cơ quan chức năng cũng đã thu hồi và xử lý sản phẩm phở bò ăn liền Peacook của Acecook do chứa hàm lượng Benzopyrene vượt quá giá trị tiêu chuẩn trong dầu hương liệu. Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại Benzopyrene vào nhóm 1 về chất gây ung thư.

Lùi xa hơn, ngày 2/4/2019, Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka đã yêu cầu thu hồi 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chin-su có nguồn gốc từ Việt Nam và có hạn sử dụng đến ngày 10/6/2019, 17/6/2019, 6/7/2019, do vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm có hiệu lực thực hiện từ 30/12/2018.

Dù xảy ra vào nhiều thời điểm, thị trường nước ngoài khác nhau và do các công ty khác nhau sản xuất, song những sản phẩm bị thu hồi cùng được sản xuất ở Việt Nam, cùng sử dụng chất phụ gia không được phép sử dụng ở nước nhập khẩu.

Những vấn đề đáng quan ngại

Như nêu trên, việc thu hồi sản phẩm tương tự không chỉ một lần, mà đã kéo dài nhiều năm cho thấy những thông điệp, vấn đề đáng quan ngại.

Thứ nhất, mối quan ngại về sự bất cập, lạc hậu của các quy định sử dụng chất phụ gia nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước.

Danh mục phụ gia do Bộ Y tế ban hành tại Việt Nam (được cho là tương tự danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex) hiện hành thì không cấm dùng chất bảo quản acid benzoic trong tương ớt, còn danh mục phụ gia do Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản ban hành thì cấm sử dụng phụ gia này.

Theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, Ethylene oxide là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm.

Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI), việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài, và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.

Tháng 12/2016, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế Mỹ (IARC) phân loại Ethylene oxide là chất gây ung thư. Bằng chứng của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ cho thấy phơi nhiễm Ethylene Oxide qua đường hô hấp có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư hệ tạo lympho như bạch cầu lymphocytic, u tủy và u lympho không Hodgkin. Ngoài ra, tiếp xúc Ethylene oxide cũng có thể liên quan ung thư gan, phổi, thận, dạ dày và ung thư vú.

Tình tiết này tất yếu khiến dư luận băn khoăn phải chăng Việt Nam đang áp dụng chuẩn thấp hơn thế giới về các hàng rào kỹ thuật nói chung, về sử dụng phụ gia trong sản xuất thực phẩm tiêu dùng nói riêng. Điều này đồng nghĩa với việc phân biệt và hạ thấp yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước; Và các công ty sản xuất đang khai thác kẽ hở này để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận kinh doanh.

Trước mắt, việc bổ sung Ethylene oxide vào Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế là cấp thiết.

Thứ hai, mối quan ngại về sự chủ động của doanh nghiệp trong nhận diện và vượt qua các hàng rào kỹ thuật khi sản xuất hàng xuất khẩu.

Lên tiếng về vụ việc sản phẩm bị thu hồi, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam trong cuộc họp báo chiều 28/8/2021 tại Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh khẳng định 2 sản phẩm vừa bị cơ quan chức năng ở Ireland thu hồi là sản phẩm xuất khẩu dành riêng cho thị trường châu Âu, không phải sản phẩm nội địa.

Ông này cam kết tất cả sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. Acecook Việt Nam khẳng định không sử dụng công nghệ Ethylene oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Doanh nghiệp này cũng cho biết đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời. Các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho Acecook Việt Nam cũng tuyên bố không sử dụng Ethylene oxide trong hoạt động sản xuất.

Kết quả kiểm định sản phẩm và độ tin cậy của cam kết này đang chờ cơ quan chức năng xác nhận. Điều đáng ngạc nhiên là danh mục phụ gia theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế và danh mục phụ gia bị cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm của cả EU, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đều ban hành từ lâu, vậy mà doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu ở Việt Nam không cập nhật thông tin này để chủ động tránh, mà vẫn dùng trong sản xuất và đưa sang đó loại sản phẩm có chất bị cấm và do đó bị thu hồi.

Thứ ba, mối quan ngại về sự phân công và phối hợp hậu kiểm trong quản lý nhà nước về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước danh mục phong phú đa dạng của sản phẩm và phụ gia dùng sản xuất thực phẩm, có lẽ đang có sự lúng túng trong phân công và phối hợp quản lý trong thực tiễn quản lý nhà nước, nhất là việc danh mục phụ gia lại được phân bổ không cùng đầu mối quản lý.

Chẳng hạn, mỳ ăn liền là sản phẩm thuộc quyền quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Sản phẩm tương ớt hiện do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý, Bộ Y tế thì quản lý danh mục phụ gia và một số sản phẩm như thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất. Vì vậy, việc thay đổi loại chất bảo quản để tương ớt Việt Nam tương tự yêu cầu ở Nhật Bản, tức có thể an toàn hơn, cần sự vào cuộc của cả hai Bộ Y tế và Nông nghiệp.

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm Việt Nam và Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 2/02/2018 của Chính phủ về Chế tài xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật…

Song, dường như mức phạt tài chính đang còn quá thấp với ngưỡng phạt tối đa từ 100-200 triệu đồng tùy theo các vi phạm cụ thể, ngoài phạt hành chính bổ sung.

Vụ việc có thể làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hàng Việt Nam trong con mắt người nước ngoài và cả người tiêu dùng trong nước. Ảnh Internet.

Ảnh hưởng xấu đến uy tín hàng Việt

Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), năm 2020, tiêu thụ mì gói trên thế giới tăng 14,79% so với 2019; Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia, khu vực Đông Nam Á đang chiếm 25,24% tổng tiêu thụ mì ăn liền toàn cầu năm 2020. Riêng Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 7,03 tỷ gói mì ăn liền, tăng 29,47% so với năm 2019 và đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc/Hong Kong và Indonesia.

Báo cáo nghiên cứu thị trường của Facts and Factors cho thấy, doanh thu của mặt hàng này dự kiến tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên73,55 tỷ USDvào năm 2026. Trong giai đoạn 2021-2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm có thể đạt 6%/năm, trong đó thị trường tiêu thụ châu Á tăng dưới 17% (trừ Việt Nam) và châu Âu sẽ tăng từ 15-50% (tùy theo từng quốc gia) giai đoạn 2022-2026.

Theo khảo sát mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền nội địa đã tăng 67%. Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Về tiềm năng xuất khẩu, trước tình hình dịch bệnh tại nhiều nước diễn biến phức tạp, một số công ty của Việt Nam ghi nhận sản lượng xuất khẩu mì tăng 300%. Tính đến nay, phở ăn liền và mì ăn liền sản xuất tại Việt Nam đã và đang xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia.

Sử dụng chất có hại cho sức khỏe ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏa người tiêu dùng. Việc bị thu hồi sản phẩm xuất khẩu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị phần mì ăn liền Việt Nam trên thế giới.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này sẽ đối diện với hệ quả không chỉ bị thu hồi và không được phép lưu hành tại các thị trường có lệnh cấm này. Ngoài ra kéo theo nguy cơ bị vỡ và phạt vì vỡ hợp đồng, áp lực thu hẹp thị phần cả trong và ngoài nước, cũng như việc giảm uy tín của cả doanh nghiệp, lẫn quốc gia…

Hơn nữa, các doanh nghiệp có sản phảm bị thu hồi này còn có thể đối diện với nguy cơ giảm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nếu có niêm yết; hàng xuất khẩu của họ sẽ không được thông quan thuận lợi trong những lần tiếp theo, nếu có.

Chưa hết, vụ việc và thông tin liên quan có thể làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hàng Việt Nam trong con mắt người nước ngoài và cả người tiêu dùng trong nước, gây tổn thất cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Nhận diện và xử lý đúng những thông điệp trên là cần thiết, vì lợi ích tầm vi mô và vĩ mô, cả doanh nghiệp và quốc gia, cả lợi trước mắt và lâu dài…

Link nội dung: https://biztoday.vn/nhung-hau-qua-dang-sau-vu-acecook-thien-huong-bi-thu-hoi-san-pham-chua-chat-cam-174658.html