Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh (Lâm Đồng): 'Soi' ra hàng loạt sai phạm

Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh bị soi kỹ về tình hình sử dụng đất, nguồn vốn thực hiện dự án, để rừng bị 'chảy máu' sau khi được giao Dự án.

Hạ tầng giao thông tại Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh. Ảnh: D.K

Làm rõ quá trình thực hiện dự án

Sau khi Báo Đầu tư đăng loạt bài: “Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh (Lâm Đồng): Bị “tuýt còi”, nhưng… vẫn có thể tiếp tục thực hiện” và “Thanh tra Chính phủ sửa nội dung thanh tra Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh”, các cơ quan, gồm: UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… “soi” Công ty Sài Gòn Đại Ninh về quá trình sử dụng đất, nguồn vốn đảm bảo thực hiện dự án, chuyển nhượng cổ phần và tình trạng tàn phá rừng tại đây.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) báo cáo, làm rõ tình hình thực hiện dự án theo giấy chứng nhận đầu tư đã cấp; báo cáo cụ thể những hạng mục đã đầu tư, những hạng mục chưa đầu tư; làm rõ kể từ khi được UBND tỉnh gia hạn tiến độ thực hiện đến nay, Công ty đã thực hiện được những hạng mục, công trình gì; nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị (nếu có).

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Sài Gòn Đại Ninh phải có văn bản xác nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ tài chính (đến thời điểm đề nghị gia hạn đưa đất vào sử dụng) của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, Công ty Sài Gòn Đại Ninh cam kết cụ thể về thời gian, lộ trình, các biện pháp thực hiện để hoàn thành dự án và cam kết nếu hết thời gian gia hạn mà vẫn không đưa đất vào sử dụng thì bị chấm dứt hoạt động (hoặc thu hồi) vô điều kiện.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường còn đề nghị Công ty Sài Gòn Đại Ninh có báo cáo về kết quả kiểm tra, đánh giá công tác quản lý bảo vệ rừng, hiện trạng tài nguyên rừng tại dự án đến thời điểm xin gia hạn thêm thời gian đưa đất vào sử dụng. Công ty có trách nhiệm chủ động liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục liên quan đến hiện trạng tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp tại dự án đến thời điểm Công ty xin gia hạn đưa đất vào sử dụng.

Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sài Gòn Đại Ninh phải có văn bản chứng minh nguồn vốn đảm bảo tiếp tục thực hiện dự án.

Trước đó, ngày 19/8/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 5946, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh theo quy định của pháp luật; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 20/9/2021.

“Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường… rà soát quá trình chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông trong doanh nghiệp từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay, chuyển nhượng dự án (nếu có), gửi toàn bộ hồ sơ đến Cục Thuế tỉnh để xác định nghĩa vụ tài chính và yêu cầu doanh nghiệp này thực hiện theo quy định”, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu.

Động thái trên của UBND tỉnh Lâm Đồng diễn ra sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo số 1081/TB-TTCP về việc sửa đổi, bổ sung một số vấn đề của Kết luận thanh tra 929/KL-TTCP (ngày 12/6/2020) về quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó có Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.

Cụ thể, Thông báo số 1081 nêu: “Liên quan đến Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh: UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn Công ty thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, hoàn thành dự án theo đúng cam kết; đầu tư theo quy mô đã được phê duyệt. Trường hợp Công ty vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định. Đồng thời, rà soát, kiểm tra lại tính pháp lý của Quyết định số 2020 (ngày 9/10/2018) của Chủ tịch UBND tỉnh để quyết định thu tiền sử dụng đất theo thẩm quyền; chỉ đạo rà soát, yêu cầu Công ty nộp thuế chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án (nếu có) theo quy định”.

Cần phải nhắc lại, tại Kết luận thanh tra số 929, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các vi phạm tại Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh. Kết luận thanh tra 929 cho rằng, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không có năng lực tài chính, không có khả năng thực hiện dự án. Theo đó, đến ngày 9/10/2018, Công ty nợ 262.468 triệu đồng, trong đó tiền sử dụng đất nợ từ năm 2014 là 158.238 triệu đồng, tiền phạt chậm nộp là 104.230 triệu đồng, thi công chậm tiến độ (theo giấy chứng nhận đầu tư, đến ngày 31/12/2018, dự án đã hết hạn đầu tư - PV), để lấn chiếm đất, phá rừng, nợ tiền bồi thường lâm sản và môi trường rừng với số tiền 6.660 triệu đồng… nên Thanh tra Chính phủ kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án.

Đáng chú ý, ngày 9/10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản 2020, điều chỉnh diện tích đất ở đã được chuyển đổi từ năm 2012 trở về trạng thái đất chuyên dùng. Từ đó, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền 262.468 triệu đồng. Theo Thanh tra Chính phủ, văn bản này thể hiện sự tùy tiện và chưa phù hợp với mục tiêu dự án.

Hàng chục héc-ta rừng bị tàn phá

Theo tài liệu của phóng viên Báo Đầu tư, ngày 16/7/2021, Đội thực hiện Chỉ thị 12/2003/CT-TTg về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng (Đội 12/TTg) của huyện Đức Trọng đã có báo cáo về kết quả tuần tra, kiểm tra, truy quét ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng và đất rừng trái phép trên địa bàn các xã Phú Hội, Ninh Loan, Ninh Gia, Tà Hine (thuộc lâm phần do Công ty Sài Gòn Đại Ninh) quản lý.

Theo đó, tại các tiểu khu 363A, 363, 363B xảy ra 9 vị trí lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng cây cà phê với tổng diện tích 17.766 m2. Các vị trí vi phạm nêu trên, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã thực hiện phối hợp giải tỏa. Ngoài ra, qua kiểm tra 16 vị trí tại các tiểu khu 363B xã Phú Hội và tiểu khu 641 xã Ninh Gia với tổng diện tích 23.531 m2, Hạt kiểm lâm huyện Đức Trọng đã tiến hành phối hợp kiểm tra nhưng hiện nay đã bị tái lấn chiếm để trồng cây cà phê. Công ty Sài Gòn Đại Ninh không cử lực lượng tuần tra ngăn chặn cũng như quản lý diện tích nêu trên, đồng thời hiện tại cũng chưa xây dựng kế hoạch phối hợp giải tỏa diện tích tái lấn chiếm.

Theo Kết luận thanh tra số 2094 (ngày 13/4/2020) của UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác quản lý bảo vệ rừng và thực hiện các dự án quản lý bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng, thì diện tích rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm trái phép trên lâm phần do Công ty Sài Gòn Đại Ninh quản lý là 368,51 ha, nhưng đến nay Công ty chỉ giải tỏa được tổng diện tích 192.836 m2 (gần 19,284 ha) chỉ đạt 5,23%. Thế nhưng, hiện nay, diện tích bị tái lấn chiếm đến 23.531 m2 (tương ứng 2,353 ha). “Tiến độ khắc phục theo Kết luận thanh tra số 2094 của UBND tỉnh Lâm Đồng là quá thấp”, Đội 12/TTg đánh giá.

Về phá rừng trái pháp luật, Đội 12/TTg phát hiện tại các tiểu khu 364 xã Tà Hine xảy ra 1 vị trí và tiểu khu 641 xảy ra 2 vị trí.

Theo Đội 12/TTg, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã thành lập lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách gồm 10 người. Tuy nhiên, lực lượng chuyên trách này không đủ số lượng nên hoạt động không hiệu quả, không thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, dẫn đến tình trạng phá rừng xảy ra, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, để xảy ra lấn chiếm, tái lấn chiếm đất rừng, không kiểm tra phát hiện, lập biên bản báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý theo quy định.

“Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã tổ chức thực hiện giải tỏa diện tích rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm trái phép theo Kết luận thanh tra số 2094 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của huyện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, diện tích rừng đã tiến hành giải tỏa chỉ đạt 5,23% so với diện tích rừng bị phá và lấn chiếm. Về việc lập kế hoạch phối hợp giải tỏa, Công ty Sài Gòn Đại Ninh chưa thực hiện rà soát cụ thể từng vị trí diện tích bị phá, lấn chiếm, nên khi thực hiện không đạt hiệu quả cao và gây mất thời gian cho lực lượng phối hợp”, Báo cáo của Đội 12/TTg nêu rõ.

Ngày 23/7/2021, UBND huyện Đức Trọng có Văn bản 1877 đề nghị Công ty Sài Gòn Đại Ninh tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, đất rừng; nâng cao số lượng, chất lượng và hiệu quả của lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách; thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng trên lâm phần được giao quản lý, kịp thời phát hiện và lập hồ sơ xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng theo quy định; kiên quyết không để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất rừng mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

“Công ty Sài Gòn Đại Ninh xây dựng kế hoạch và chủ động liên hệ, phối hợp với chính quyền các xã, Hạt kiểm lâm để thực hiện phương án giải tỏa đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại dự án của Công ty quản lý, đồng thời lập phương án trồng rừng trên diện tích đã giải tỏa theo đúng quy định; hoàn thành việc giải tỏa, trồng lại rừng trong mùa mưa năm 2021”, UBND huyện Đức Trọng đề nghị.

Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh được thành lập vào đầu năm 2010, trụ sở hiện đặt tại phường 10, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Ở thời điểm ban đầu, công ty này có số vốn điều lệ ở mức 600 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Xây dựng, Kinh doanh nhà ở Phương Nam (Phương Nam Group - 85%) và 7 cá nhân khác nắm giữ 15% cổ phần còn lại. Đến tháng 8/2016, bà Phan Thị Hoa thay Công ty Phương Nam nắm giữ 85% cổ phần Sài Gòn Đại Ninh. Tới ngày 10/10/2017, Công ty Sài Gòn Đại Ninh nâng mức vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, bà Phan Thị Hoa nắm 88,5% cổ phần. Cuối tháng 1/2021, bà Phan Thị Hoa không còn là người đại diện theo pháp luật, mà được thay bằng ông Nguyễn Cao Trí, với vai trò Tổng giám đốc.

Link nội dung: https://biztoday.vn/du-an-khu-do-thi-sinh-thai-dai-ninh-lam-dong-soi-ra-hang-loat-sai-pham-174717.html