Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 5/9 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 221.063.790 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.573.824 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 464.625 và 7.453 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 197.554.954 người, 18.935.012 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 105.595 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 55.041 ca nhiễm mới; tiếp theo là Ấn Độ (42.924 ca) và Anh (37.578 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 796 người chết, tiếp theo là Mexico (725 ca) và Brazil (609 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 40.761.715 người, trong đó có 665.463 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.987.615 ca nhiễm, bao gồm 440.567 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 20.877.864 ca bệnh và 583.362 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Pretoria, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ sắp công bố bước tiếp theo trong cuộc chiến chống biến thể Delta
Trong bối cảnh biến thể Delta đang làm số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden thông báo trong tuần tới sẽ công bố những bước đi tiếp theo trong cuộc chiến chống biến thể Delta, đồng thời cho biết tiến trình hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra một cách bền vững và mạnh mẽ. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Chúng ta cần đạt thêm tiến triển trong cuộc chiến chống biến thể Delta”.
Trong khi đó, báo New York Times cùng ngày đưa tin các quan chức y tế hàng đầu của Mỹ cho biết họ chưa có đủ dữ liệu để đưa ra khuyến cáo tiêm mũi tăng cường ở mức độ rộng rãi hơn vào cuối tháng 9 như Tổng thống Biden đã đề cập trước đó. Tờ báo dẫn một nguồn thạo tin cho biết các quan chức trên đã đề nghị Nhà Trắng thu hẹp quy mô của kế hoạch tiêm mũi thứ 3 cho người dân Mỹ vào cuối tháng 9, cho rằng cần có thêm thời gian để thu thập và đánh giá lại toàn bộ dữ liệu cần thiết. Theo Tiến sĩ Janet Woodcock - quyền Giám đốc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Tiến sĩ Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), 2 cơ quan này có thể đưa ra khuyến nghị về việc tiêm mũi tăng cườngvào cuối tháng 9 chỉ với những người đã được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Biến thể Delta không gây bệnh nặng ở trẻ em
Số ca trẻ em nhập viện vì COVID-19 ở Mỹ đã tăng kể từ khi biến thể Delta trở nên phổ biến, nhưng một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh (CDC) đã cho thấy những lo ngại biến thể này gây bệnh nặng ở trẻ em là vô căn cứ. Tài liệu trên cũng cho thấy vaccine giúp giảm số trẻ em phải nhập viện khi mắc COVID-19.
CDC phân tích số liệu của bệnh viện tại một khu vực có 10% dân số Mỹ trong giai đoạn 1/3/2020 đến 14/8/2021, từ trước khi xuất hiện biến thể Delta cho đến khi biến thể siêu lây nhiễm này trở tác tác nhân gây bệnh chính tại Mỹ từ ngày 20/6.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Yangon, Myanmar, ngày 1/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Sau khi xem xét số liệu của 3.116 bệnh viện trước giai đoạn xuất hiện biến thể Delta và so sánh với số liệu của 164 bệnh viện trong giai đoạn biến thể này hoành hành, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh nặng không khác biệt nhiều. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện nặng là 26,5 trước khi xuất hiện Delta và 23,2 sau khi xuất hiện biến thể này. Tỷ lệ phải dùng máy trợ thở là 6,1 trước khi xuất hiện Delta, sau đó là 9,8. Trong khi tỷ lệ trẻ em tử vong là 0,7 trước và 1,8 sau khi xuất hiện Delta.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng vì số bệnh nhân nhập viện sau khi xuất hiện biến thể Delta thấp, nên cần thêm các dữ liệu để các nhà khoa học chắc chắn hơn về kết luận này.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tính hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa trẻ em phải nhập viện vì nhiễm biến thể Delta. Trong thời gian từ ngày 20/6 - 31/7, trong số 68 em nhập viện có 59 em chưa tiêm phòng, 5 em đã tiêm một mũi và 4 em đã tiêm đủ hai mũi. Như vậy, trẻ em chưa tiêm phòng có khả năng nhập viện cao gấp 10,1 lần so với những em đã tiêm.
Học sinh Israel đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Jerusalem, ngày 1/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Australia tiêm vaccine Moderna cho trẻ em từ 12 tuổi
Cơ quan quản lý dược phẩm Australia (TGA) ngày 4/9 phê chuẩn việc tiêm vaccine của hãng Moderna cho trẻ em từ 12 tuổi trong bối cảnh nước này đang nỗ lực ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19.
Thông báo của TGA nêu rõ vaccine sử dụng công nghệ mRNA của hãng Moderna đã được cấp phép sử dụng tạm thời cho công dân Australia từ 18 tuổi bắt đầu giữa tháng 8 vừa qua, nay được mở rộng ra với các cá nhân từ 12 tuổi trở lên. Liều khuyến cáo và thời gian giữa các mũi tiêm cũng tương tự như người lớn, với 2 mũi cách nhau 28 ngày.
Với quyết định trên, vaccine của Moderna đã trở thành loại vaccine thứ hai sau Pfizer được áp dụng tiêm cho trẻ em ở Australia.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia ngày 4/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Australia hiện đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19. Nhà chức trách cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn ở phía trước. Hiện mới có 1/3 số người từ 16 tuổi trở lên đã được tiêm phòng. Với tốc độ hiện nay, dự kiến Australia có thể đạt mục tiêu 70% người dân được tiêm phòng vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.
Đến nay, Australia thuộc diện những quốc gia ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh hơn so với các nước khác. Nước này đã ghi nhận 59.968 ca nhiễm và 1.036 ca tử vong. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch do biến thể Delta siêu lây nhiễm đã đặt câu hỏi lớn đối với chiến lược "Không ca nhiễm" (Zero COVID) được áp dụng trong các làn sóng lây nhiễm trước.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Medellin, Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuba khởi động chiến dịch tiêm phòng cho trẻ em
Các cơ quan chức năng của Cuba đã khởi động chiến dịch tiêm phòng quốc gia cho trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 18 để phòng bệnh COVID-19. Theo đó, những em từ 12-18 tuổi sẽ là nhóm trẻ đầu tiên được tiêm liều mũi thứ nhất của vaccine nội địa Abdala và Soberana. Các nhóm bé hơn sẽ được tiêm sau đó.
Đây là nỗ lực của Chính phủ Cuba trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trước thềm khai giảng năm học mới trong bối cảnh vẫn chưa thể đẩy lùi dịch bệnh. Năm học mới ở Cuba sẽ khai giảng vào đầu tuần tới, nhưng các em vẫn sẽ học trực tuyến cho đến khi tất cả trẻ đủ điều kiện được tiêm phòng vaccine. Dự kiến, việc học trực tiếp tại trường sẽ được nối lại vào tháng 10 tới.
Một em nhỏ 3 tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại La Habana, Cuba ngày 24/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Cuba đã ghi nhận gần 680.453 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.617 ca tử vong. Đáng chú ý, gần 1/3 số ca mắc và một nửa số ca tử vong được ghi nhận từ giữa tháng 8 đến nay, khi biến thể Delta lây lan nhanh. Số ca mắc tăng nhanh cũng đang khiến hệ thống chăm sóc y tế ở nước này gặp nhiều khó khăn.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại một trung tâm dã chiến ở Yokosuka, phía Nam Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Hãng hàng không quốc gia Philippines xin bảo hộ phá sản tại Mỹ vì "gánh nặng" COVID-19
Hãng hàng không quốc gia Philippine Airlines (PAL) của Philippines ngày 4/9 cho biết đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ để cắt giảm 2 tỷ USD tiền nợ hiện nay trong bối cảnh hãng đang cố gắng để sống sót qua những tác động của đại dịch COVID-19.
Hãng cho biết việc đệ đơn phá sản sẽ cho phép hãng tái cơ cấu các hợp đồng và cắt giảm ít nhất 2 tỷ USD tiền nợ trong khi nhận được 655 triệu USD vốn mới theo Chương 11 của luật phá sản. PAL cũng sẽ giảm 25% phi đội của mình và đàm phán lại các hợp đồng nhằm giảm tiền thuê.
Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Nilo Thaddeus Rodriguez cho biết: "PAL sẽ tiếp tục các chiến dịch kinh doanh như bình thường trong khi hoàn tất việc tái cơ cấu mạng lưới, phi đội và tổ chức của mình".
Philippine Airlines đã hứng chịu khoản lỗ kỷ lục 71,8 tỉ peso trong năm 2020. Ảnh: Reuters
Theo ông Rodriguez, trong các thỏa thuận đạt được với các nhà cung ứng, bên cho vay và các chủ cho thuê hợp đồng, PAL sẽ có 505 triệu USD để thực hiện kế hoạch phục hồi. Số tiền này sẽ được chuyển thành chứng khoán và nợ dài hạn của công ty. Ngoài ra, công ty sẽ có thêm 150 triệu USD trong quỹ nợ sau khi hoàn tất tiến trình tái cơ cấu "trong vài tháng nữa".
Chủ tịch PAL Gilbert Santa Maria cho biết lượng đi lại bằng đường hàng không ở Philippines đã giảm 75% từ mức 30 triệu lượt khách năm 2019 xuống còn 7 triệu lượt khách trong năm 2020 do các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch COVID-19. Hãng đã phải hủy hơn 80.000 chuyến bay, khiến doanh thu giảm 2 tỷ USD và phải sa thải 2.300 nhân viên.
Philippines dỡ bỏ cấm đi lại với 10 quốc gia
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đi lại do dịch COVID-19 đối với hành khách đến từ 10 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, UAE, Indonesia, Pakistan, Bangladesh, Oman, Thái Lan, Malaysia...
Thông báo của người phát ngôn Tổng thống Harry Roque cho biết, lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 6/9. Hành khách từ các quốc gia nói trên sẽ thực hiện cách ly 14 ngày khi tới Philippines.
Lệnh cấm này được áp dụng từ tháng 4/2021, đã mở rộng ra thêm nhiều nước trong tháng 7 nhằm ngăn ngừa sự lây lan mạnh hơn của biến thể Delta.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại thành phố Quezon, Philippines ngày 30/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thái Lan sẽ tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Pfizer
Theo tờ Bangkok Post, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan ngày 4/9 cho biết nước này đang lên kế hoạch ứng dụng sáng kiến tiêm chủng mới với việc tiêm kết hợp vaccine của AstraZeneca và của Pfizer/BioNTech kể từ tháng tới.
Tiến sĩ Sophon Iamsirithavorn, Phó Tổng giám đốc Cục kiểm soát dịch bệnh Thái Lan cho biết, kế hoạch tiêm trộn vaccine AstraZeneca-Pfizer đã được thông qua. Chương trình sẽ bắt đầu từ tháng 10 sau khi Thái Lan tiếp nhậ lô vaccine Pfizer vào cuối tháng này.
Theo kế hoạch tiêm chủng kết hợp vaccine, những người từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm mũi đầu là vaccine AstraZeneca và mũi thứ hai là vaccine Pfizer, với khoảng cách từ 4-12 tuần.
Chương trình tiêm trộn vaccine hiện tại, sử dụng vaccine của Sinovac/Trung Quốc làm mũi đầu tiên và vaccine AstraZeneca làm mũi thứ hai có khoảng cách 3-4 tuần.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Tiến sĩ Sophon, chương trình tiêm AstraZeneca-Pfizer hiện vẫn đang được giới hạn do số lượng vaccine Pfizer còn hạn chế. Vaccine này được chỉ định tiêm mũi hai cho những nhóm dễ tổn thương, đã được tiêm vaccine AstraZeneca vào tháng 6.
Người dân chờ theo dõi sau tiêm vaccine COVID ở Singapore. Ảnh: Reuters
Campuchia tiếp nhận thêm 2,5 triệu liều vaccine Sinovac
Sáng 4/9, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath đã tiếp nhận thêm 2,5 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc, trong đó 2 triệu liều Chính phủ Campuchia đặt mua và 500.000 liều hãng Sinovac viện trợ cho Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia vừa thông báo cho Sở Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Phnom Penh về việc tổ chức tiêm phòng COVID-19 mũi thứ ba cho hơn 10.000 người làm việc trong ngành giáo dục thành phố. Trong khi đó, Chính phủ Campuchia đang rất nỗ lực để tiêm phòng COVID-19 miễn phí cho toàn bộ người dân. Cộng cả số vaccine vừa nhận sáng 4/9, hiện Campuchia có gần 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Tiếp nhận lô vaccine Sinovac phòng COVID-19 của Trung Quốc tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia ngày 31/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 từ ngày 10/2/2021 đến ngày 3/9/2021, 9.425.278 người trưởng thành (tính từ 18 tuổi trở lên) tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 8.269.950 người đã hoàn thành hai mũi tiêm và mục tiêu hoàn thành tiêm phòng cho 10 triệu người trưởng thành đã gần tới đích.
Ngày 4/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có thêm 13 người tử vong và 422 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 138 ca nhập cảnh và 284 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia có 94.839 ca mắc COVID-19, trong đó 90.273 người khỏi bệnh và 1.950 người tử vong.
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại Surabaya, Indonesia, ngày 1/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Lào tiếp tục ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 156 ca mắc mới COVID – 19, trong đó có 64 ca cộng đồng, và 1 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế Lào cũng cho biết, nhiều nhân viên y tế tuyến đầu ở Lào được báo cáo mắc COVID – 19 nhưng đều không có triệu chứng nặng vì đã được tiêm đủ vaccine trước đó. Đến nay đã có 126 nhân viên y tế nước này mắc bệnh. Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân có tiếp xúc gần với ca bệnh trong cộng đồng cần nhanh chóng đến các trung tâm y tế được chỉ định để lấy mẫu xét nghiệm và có ý thức tự cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác, đồng thời kêu gọi những người đã tiêm vaccine tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19 theo quy định.
Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID – 19 tại Lào là 15.761 ca, trong đó có 16 người tử vong.
Trong bối cảnh tình hình dịch trong nước và khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày kể từ ngày 1/9. Đây là lần thứ 9 Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: AFP/ TTXVN
Link nội dung: https://biztoday.vn/covid-19-toi-6h-sang-59-the-gioi-tren-221-trieu-ca-benh-my-dan-dau-ca-nhiem-moi-174734.html