Giãn cách chập chờn thì mất cả hai
Chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia với 63 tỉnh, thành phố và kết nối trực tiếp đến hơn 700 thành phố, quận, huyện, thị xã và hơn 9.000 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng quán triệt nhiều vấn đề quan trọng, trong đó yêu cầu các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, phải thực hiện được 5 nhiệm vụ quan trọng sau:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, "ai ở đâu ở đó". Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.
Thứ ba, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn; khi người dân có yêu cầu phải đáp ứng kịp thời.
Thứ tư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn.
Thứ năm, tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương đã hy sinh giãn cách xã hội phải đạt được mục tiêu cụ thể, chứ không để kéo dài mãi mà không có kết quả gì.
“Thời gian giãn cách xã hội mà làm chập chờn thì mất cả hai: không kiểm soát được dịch mà kinh tế thiệt hại, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng yêu cầu các xã, phường, thị trấn thần tốc xét nghiệm diện rộng tới tất cả người dân, nhất là các địa bàn có nguy cơ cao, vùng đỏ; xét nghiệm 100% dân số trong vòng 3-5 ngày, để nhanh chóng tách F0, đưa địa bàn trở thành vùng xanh an toàn.
Còn các địa phương đang xanh vẫn tiếp tục xét nghiệm, tầm soát thường xuyên, sớm phát hiện F0 và truy vết nhanh, dập dịch nhanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thủ tướng yêu cầu, từng bước khôi phục và phát triển sản xuất tại các địa phương kiểm soát được dịch, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất. Tăng cường lưu thông hàng hóa, bảo đảm hàng hóa, nguyên liệu cho sản xuất, không ban hành giấy phép con, gây phiền hà, tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ.
Về tiêm vắc xin, nhất là khi đã tiêm được 2 mũi, Thủ tướng đề nghị có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn: Giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn và ý thức an toàn để bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng.
TP.HCM mở cửa tới đâu, quản tới đó
Trong khi đó, tại buổi làm việc ở quận 7 (sáng 5/9), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã dành cho báo chí buổi trao đổi ngắn về việc “mở cửa từng bước, đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới”.
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi làm việc với quận 7
Theo ông Nên, TP đang nghiên cứu phương án này. Trong đó, giao huyện Củ Chi và quận 7 làm điểm, chuẩn bị chuyển hướng sang chiến lược sống trong điều kiện mới.
Ông cho rằng, tình thế hiện nay không thể quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng, cũng không thể thực hiện giãn cách triệt để nghiêm ngặt mãi được. “Điều đó là chắc chắn rồi, không thể chịu đựng mãi”, ông Nên khẳng định.
Người đứng đầu Thành ủy giãi bày, sống trong điều kiện mới là sống trong điều kiện có SARS-CoV-2, với chủng Delta lây lan nhanh, giống như sống chung với bão, với lũ. Sống chung với lũ thì cần phải tôn nhà lên cao, có ghe xuồng, quan trọng là phải biết bơi, có áo phao và phải có các điều kiện để đảm bảo an toàn.
Còn “sống chung” với dịch thì thế nào? Ông Nên giải đáp thêm, nghĩa là phải có vắc xin, phải có thuốc và cần có tâm thế, có kiến thức chăm sóc sức khỏe bảo vệ bản thân.
“Để làm điều này, chúng ta cần “vũ trang” cho người dân như một chiến sĩ để chủ động chiến đấu với dịch. Chúng ta phải giữ khoảng cách, tạo lập lối sống chậm lại một chút và phải ý thức rằng bên cạnh chúng ta còn Covid-19 thì có thể bị lây nhiễm”, ông Nên cho biết.
Qua đó, ông cho rằng, điều trước tiên cần có trong điều kiện bình thường mới chính là tâm thế, là thói quen sống của từng người dân.
Bên cạnh đó, cần củng cố hệ thống y tế đủ mạnh. Khi đã có những điều đó mới yên tâm sản xuất kinh doanh an toàn. Theo ông Nên, TP không chỉ lo chống dịch mà còn phải lo sản xuất. Không làm như vậy sẽ chết vì cái khác trước khi chết vì dịch. Do đó, phải bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, không lụn bại. Muốn vậy, phải trở lại mục tiêu kép, sản xuất an toàn, đảm bảo cho được mức độ có thể.
Bí thư Nguyễn Văn Nên thông tin, TP đang giao cho các cơ quan, trong đó có đội ngũ khoa học, thầy thuốc, xã hội học, tâm lý học… nghiên cứu các vấn đề liên quan đến môi trường và con người sống trong môi trường có dịch.
Tính toán mở lại chợ truyền thống
Tại cuộc họp báo chiều 5/9, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đơn vị đã chuẩn bị, tổ chức lại điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền từ 7/9.
Đây là một trong số các phương án được triển khai lần lượt nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân sau 15/9. Việc tổ chức lại các điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ Bình Điền nhằm giúp các thương nhân đưa hàng hóa về cung ứng các hệ thống phân phối, các bếp ăn tập thể...
TP.HCM tính toán từng bước mở lại chợ truyền thống
Ông Phương cũng thông tin, hiện nay các mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến… nhu cầu đang tăng lên trong nhân dân. Sở Công thương đã rà soát, làm việc với các hệ thống phân phối đang gặp khó khăn về giấy đi đường.
Theo ông Phương, các đơn vị này chưa thuộc đối tượng được cấp giấy đi đường. Do đó, sở đã rà soát để tính toán trước mắt đề xuất ưu tiên cho các nhà cung cấp lớn, xe chuyên chở nhiều được cấp giấy đi đường. Khi nhu cầu tăng lên sẽ tiếp tục mở thêm diện ưu tiên cho hệ thống thực phẩm tươi sống và chế biến.
Còn về thông tin sau 15/9 nhu cầu thực phẩm tăng, có thiếu hàng hóa cung ứng hay không? Ông Phương cho rằng, chưa có cơ sở với nhận định này. Tuy nhiên, Sở Công thương luôn có phương án chủ động, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân.
Giãn cách tới đâu, gia hạn giấy đi đường tới đó
Cũng trong buổi họp báo, giải đáp thắc mắc của người dân về giấy đi đường sẽ hết sau ngày 6/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP cho biết, Công an TP đã có phương án, nếu kéo dài thời gian giãn cách đến ngày nào thì gia hạn và kéo dài thời hạn giấy đi đường đã được cấp tới ngày đó.
Giấy đi đường sẽ gia hạn theo thời gian giãn cách xã hội
Cũng theo ông Hà, thời gian tới, chắc chắn các đơn vị khống chế được dịch bệnh, TP cũng có các phương án mở rộng các hoạt động sản xuất, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống. Công an đã tính toán nhiều giải pháp, với các tiêu chí an toàn như đã tiêm vắc xin, xét nghiệm âm tính… để cho ra đường mà không lây lan dịch bệnh.
Hiện, Công an TP và các sở phối hợp cập nhật các dữ liệu của F0, dữ liệu giấy đi đường, dữ liệu an sinh… lên dữ liệu quốc gia để kiểm soát, quét mã QR.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tphcm-huong-den-song-chung-voi-dich-174752.html