Gặp khó do tồn kho trong dịch, nhiều ông lớn bất sản có dòng tiền âm
Theo thống kê, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp có sự phân hóa rất đáng kể. Các công ty có quy mô lớn và tiềm lực tài chính dồi dào như Vinhomes (VHM), Novaland (NVL), Phát Đạt (PDR) vẫn duy trì được dòng tiền dương trong nửa đầu năm.
Ngược lại, một số công ty quy mô nhỏ hơn lại có dòng tiền âm. Đơn cử, dòng tiền kinh doanh của Hải Phát khi âm gần 1.550 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do lượng hàng tồn kho doanh nghiệp tăng mạnh 1.455 tỷ đồng và các khoản phải thu tăng thêm 591 tỷ đồng.
Nhờ có dòng tiền đi vay nợ lớn giúp lưu chuyển tuần thuần của Hải Phát (HPX) chỉ còn âm hơn 550 tỷ đồng. Kết quả này dẫn đến lượng tiền và tương đương tiền chỉ còn 87 tỷ đồng tại cuối tháng 6, giảm mạnh so với con số 603 tỷ đồng hồi đầu năm.
Cen Land (CRE) cũng có dòng tiền kinh doanh âm đến 885 tỷ đồng trong nửa đầu năm (cùng kỳ dòng tiền dương). Phần thâm hụt dòng tiền chủ yếu là do tăng giá trị tồn kho thêm 1.260 tỷ đồng, khi công ty tăng mua các căn hộ, đất nền từ các chủ đầu tư để bán lại.
Tương tự khi dòng tiền của Nhà Khang Điền (KDH) diễn biến tiêu cực từ dương 455 tỷ cùng kỳ chuyển sàn âm hơn 840 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Điều này là do công ty đẩy mạnh thanh toán mạnh các khoản phải trả 752 tỷ đồng và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp gần 461 tỷ đồng.
Một số đơn vị khác cũng ghi nhận lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh âm đáng chú ý như Nam Long (NLG), Năm Bảy Bảy (NBB), Hodeco (HDC), Đất Xanh (DXG), Nhà Đà Nẵng (NDN)…
Doanh nghiệp vay nợ nhiều hơn bán niên 2021.
Doanh nghiệp gia tăng nợ vay tài chính cùng phát hành trái phiếu
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, Báo cáo thị trường bất động sản quý 2 của Bộ Xây dựng nêu tính đến 30/6, dự nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 672.200 tỷ đồng, tăng hơn không nhiều so với con số hơn 661.100 tỷ đồng tính đến 31/3.
Theo thống kê từ BCTC bán niên 2021 của các doanh nghiệp bất động sản, khoản nợ vay lớn nhất là Vingroup (VIC) với tổng nợ vay chiếm 126.840 tỷ đồng, tăng 2% so với bán niên năm trước. Ngược lại thì Vinhomes (VHM) lại ghi nhận khoản nợ vay giảm gần 9% về 22.862 tỷ đồng.
Một số ông lớn trong ngành cũng ghi nhận tổng nợ vay tăng trong bán niên như Novaland (NVL) tăng 5% lên 51.303 tỷ đồng, Becamex (BCM) tăng 8% lên 16.075 tỷ đồng, Kinh Bắc (KBC) tăng tới 30% lên 7.491 tỷ đồng, Nam Long (NLG) tăng 14% lên 2.795 tỷ đồng,…
Bên cạnh vay nợ tín dụng từ ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản còn huy động thông qua trái phiếu.
Bộ Xây dựng cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt hơn 192.200 tỷ đồng. Trong đó, TPDN phát hành riêng lẻ là hơn 176.800 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Khối lượng phát hành TPDN ra công chúng là hơn 15.300 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ Xây dựng cũng dẫn số liệu báo cáo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho biết, nhóm TPDN phát hành trong nước, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt hơn 18.400 tỷ đồng; nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trị thứ 2 với tổng giá trị phát hành đạt gần 5.000 tỷ đồng.
Nổi bật là các doanh nghiệp bất động sản như: đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trong nước với tổng giá trị 500 tỷ đồng của Công ty CP Glexhomes; đợt phát hành ra công chúng giá trị 1.500 tỷ đồng của Kinh Bắc (KBC).
Ngoài ra, trong quý có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD) và trái phiếu xanh của CTCP Bất động sản BIM (200 triệu USD).
Trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng thì có 26% trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5 - 11%/năm.
Vào cuối quý 2, trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp phát hành tăng cao, trong đó nhóm ngành bất động sản thể hiện nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu lớn.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhieu-ong-lon-bat-dong-san-tang-vay-no-tin-dung-va-trai-phieu-175294.html