Chưa được giao đất đã phân lô, xây nhà cho dân vào ở
Cơ quan thanh tra tỉnh Thanh Hóa vừa có kết luận số 1381 về thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất tại khu đất số 1 đường Nguyễn Du (phường Điện Biên, TP.Thanh Hóa).
Theo thông tin trên Tiền Phong, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cho biết, khu đất số 1 đường Nguyễn Du là đất được Nhà nước cho Công ty CP in báo Thanh Hóa thuê trả tiền hàng năm nên không đưa vào phương án cổ phần hóa.
Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung (gọi tắt là Công ty Miền Trung) thực hiện dự án nhà ở thương mại tại khu đất số 1 và 3, đường Nguyễn Du (khu đất số 3 là của báo Thanh Hóa quản lý, sử dụng).
Ngày 14/11/2017, ban GPMB TP.Thanh Hóa đã bàn giao mặt bằng cho Công ty Miền Trung là hơn 3.300 m2 để triển khai dự án nhà ở liền kề và chia lô.
Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại khu “đất vàng” đường Nguyễn Du, TP.Thanh Hóa. (Ảnh: Vietnamnet).
Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của các Sở ngành gồm: Sở Xây dựng, Sở Tài Chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.Thanh Hóa, Cục thuế tỉnh, UBND phường Điện Biên và Công ty Miền Trung, Công ty CP in báo Thanh Hóa khi triển khai dự án này.
Cụ thể, mặc dù khu đất trên chưa phù hợp với quy hoạch 1/2000 và kế hoạch sử dụng đất, nhưng Sở Xây dựng vẫn đăng tải thông tin mời gọi nhà đầu tư. Do có một nhà đầu tư đăng ký tham gia dự án, ngày 1/7/2013, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị và đã được UBND tỉnh công nhận chủ đầu tư dự án của khu đất số 1 và 3 là Công ty Miền Trung.
Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, sai phạm của Sở Xây dựng Thanh Hóa còn thể hiện ở chỗ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh cấp Giấy phép quy hoạch và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500, trong đó điều chỉnh loại đất từ đất trụ sở cơ quan sang đất ở đô thị là không đúng.
Ngoài ra, Sở này còn tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư trong khi dự án chưa đáp ứng yêu cầu đối với dự án phát triển nhà ở; thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư dự án tại khu đất, trong đó có 16 nhà chia lô bán nền tổng diện tích là hơn 1.400 m2 là không đúng quy định…
Sai phạm của Sở Tài chính ở việc tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước (ngày 21/8/2014) đối với dự án là không đúng vì thời điểm này chưa có quyết định thu hồi đất và chủ đầu tư chưa được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị được UBND tỉnh Thanh Hóa ủy quyền ký hợp đồng thuê đất, nhưng chưa thực hiện việc thanh lý, chấm dứt hợp đồng thuê với Công ty CP in báo Thanh Hóa khi triển khai dự án; Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường tổng thể của dự án khi chưa điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Đối với UBND TP Thanh Hóa, năm 2014 dự án khu dân cư tại số 1, số 3 đường Nguyễn Du chưa được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; chưa có thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất nhưng vẫn thực hiện kiểm kê, bồi thường GPMB và chi trả tiền bồi thường là không đúng trình tự, thủ tục. Đến năm 2018, sau khi UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500, UBND TP Thanh Hóa và chủ đầu tư chưa lập hồ sơ thu hồi đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và trình UBND tỉnh.
Ngoài ra, Công ty CP in báo Thanh Hóa sử dụng khu đất số 1 đến ngày 14/11/2017 mới bàn giao mặt bằng cho UBND TP.Thanh Hóa. Nhưng từ ngày 1/1/2015 đến ngày 14/11/2017, Cục thuế tỉnh Thanh Hóa chưa ban hành thông báo thu tiền thuê đất đối với đơn vị này là không đúng quy định, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước…
Năm 2017, dù chưa được cấp có thẩm quyền giao đất tại khu đất số 1 nhưng trên khu đất thực hiện dự án đã có nhà hàng hoạt động và nhiều hộ dân ở ổn định.
Theo cơ quan chức năng, ngày 18/6/2021, kiểm tra tại hiện trường, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa xác nhận 12 nhà ở liền kề không tiến hành xây thô theo mẫu thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt; có 2 lô xây dựng 6 tầng (vượt so với thiết kế 3 tầng, 1 tum). Hầu hết các lô đã được chủ đầu tư xây dựng không đúng theo thiết kế đã được phê duyệt….
Ngoài ra, chủ đầu tư tự ý xây dựng công trình tại 16 lô đất phân lô bán nền theo mặt bằng quy hoạch khi chưa thực hiện việc cấp phép xây dựng. Công ty Miền Trung đã không tuân thủ mặt bằng quy hoạch và dự án đầu tư được duyệt, thi công các hạng mục công trình không đúng với thiết kế bản vẽ thi công, vi phạm trật tự xây dựng, đến nay vẫn chưa được xử lý nghiêm theo quy định.
Những sai phạm trên của chủ đầu tư không được Thanh tra Sở Xây dựng, UBND TP.Thanh Hóa, UBND phường Điện Biên phát hiện kịp thời để chấn chỉnh, xử lý, để chủ đầu tư là Công ty Miền Trung xây dựng công trình khi chưa được bàn giao đất. Kết quả kiểm tra, phát hiện vi phạm ngày 20/12/2018 nhưng đến nay Công ty Miền Trung vẫn chưa tháo dỡ, xử lý đối với công trình vi phạm.
Tập đoàn xây dựng Miền Trung là ai?
Theo tìm hiểu của PV, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung được thành lập năm 1994 với tên gọi Công ty TNHH xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa, chuyên ngành chính là xây dựng giao thông thủy lợi vừa và nhỏ.
Năm 2005, Công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa với chuyên ngành chính xây dựng công trình kiến trúc dân dụng, công trình giao thông, công trình thủy lợi, san lấp mặt bằng. Đến năm 2009, Công ty tiếp tục đổi tên thành Tổng Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Miền Trung và từ năm 2015 thì mang tên như hiện nay.
Ông Mai Xuân Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Miền Trung (Ảnh: mientrunggroup.com)
Công ty Miền Trung được biết đến là cơ nghiệp của họ Mai, do ông Mai Xuân Thực sáng lập. Tính đến hết năm 2019, ông Thực đang có tỷ lệ sở hữu 39%. Bà Lê Thanh Hoa nắm 38%. Cổ đông cá nhân khác là Nguyễn Thị Dinh đã thoái vốn.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT của Công ty Miền Trung hiện là ông Mai Xuân Thông (SN 1979, con trai ông Thực).
Theo Nhà Đầu tư, ông Thông hiện đang là Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh ủy viên Thanh Hóa khóa 19 (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Đây cũng là nhiệm kỳ Tỉnh ủy viên Thanh Hóa thứ hai liên tiếp của ông.
Tập đoàn xây dựng Miền Trung là một thế lực nổi bật ở Thanh Hóa.
Tại Thanh Hóa, Công ty Miền Trung được biết đến là một thế lực nổi bật, một “đại gia” hàng đầu. Các dự án đáng kể nhất của Tập đoàn này gồm: Dự án đầu tư có sử dụng đất khu dân cư phía tây đường CSEDP thuộc khu dân cư tây nam đường Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng, TP. Thanh Hóa (diện tích khoảng 18,8ha); dự án khu đô thị mới dọc đại lộ Nam sông Mã, tại phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa (quy mô 48ha); dự án khu dân cư phía tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng (diện tích quy hoạch khoảng 30ha) hay dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Thái miếu nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa với quỹ đất đối ứng lên đến gần 70ha…
Về hoạt động kinh doanh, theo thông tin trên vietnamfinance, năm 2020, doanh thu thuần của Công ty Miền Trung đạt 1.506 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp không tăng quá mạnh, so với năm 2019 chỉ tăng thêm 33%, đạt 89 tỷ đồng. Con số này còn thua xa các năm 2016 - 2018 (đều hơn 100 tỷ đồng). Do vậy, biên lợi nhuận gộp không những không được cải thiện mà còn đi lùi, chỉ còn 5,9%.
Trong năm 2020, chi phí tài chính tăng rất mạnh, đạt 66 tỷ đồng, tăng gần 70% so với năm 2019. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng gấp 6 lần (lên 6,6 tỷ đồng) còn chi phí quản lý lại chỉ giảm nhẹ so với năm trước, đạt 15 tỷ đồng.
Điều này đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm cực mạnh, xuống mức 2 tỷ đồng, thấp nhất trong 3 năm qua, chỉ chưa bằng 1/4 của năm 2019 và chưa được 1/10 của năm 2018.
Lãi trước thuế năm 2020 của Tập đoàn này đạt 1,3 tỷ đồng, tăng trưởng so với các năm 2018 - 2019 (lần lượt là 1 tỷ đồng và 865 triệu đồng).
Link nội dung: https://biztoday.vn/loat-sai-pham-khu-dat-vang-lien-quan-tap-doan-xay-dung-mien-trung-175799.html