Giá vé TP.HCM - Hà Nội rẻ nhất 2,5 triệu đồng khứ hồi nếu áp giá sàn

Nếu dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được thông qua, giá vé TP.HCM - Hà Nội sẽ không thể rẻ hơn 2,5 triệu đồng khứ hồi.

Từ mức hơn 800.000 đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí mùa thấp điểm, giá vé máy bay trên chặng bay TP.HCM - Hà Nội (chặng bay nhộn nhịp nhất của hàng không Việt Việt Nam) sẽ có sàn giá mới khoảng 2,5 triệu đồng, tức tăng gấp 3 lần.

Đây sẽ là viễn cảnh sẽ xảy ra nếu dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mà Cục Hàng không vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị thông qua.

Theo đó, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là là 320.000 đồng/chiều/hành khách, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều, nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.

Tăng gấp đôi, gấp ba

Đường bay từ 500 - 850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng. Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và tối đa 2,79 triệu đồng.

Đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng. Mức giá này được đề xuất áp dụng trong vòng một năm từ 1/11 hết ngày 31/12/2022.

Hành khách sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi trực tiếp khi đề xuất áp sàn giá vé máy bay được thông qua. Ảnh: Quỳnh Danh.

Không chỉ tạm thời xóa bỏ vé 0 đồng, vé ưu đãi giá rẻ, khung giá này còn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao nhiều lần so với thời điểm hiện tại. Lấy ví dụ với đường bay TP.HCM - Hà Nội trên một chuyến bay của Vietnam Airlines, là đường bay trên 1.280 km, giá vé rẻ nhất mà hành khách có thể mua được là 750.000 đồng/chiều bay, cộng thêm thuế phí ở mức hơn 500.000 đồng.

Từ đó dễ dàng tính được tổng giá vé rẻ nhất mà hành khách phải thanh toán cho một vé khứ hồi TP.HCM - Hà Nội sẽ lên mức hơn 2,5 triệu đồng, tăng mạnh so với mức hơn 1 triệu đồng mà hãng mở bán trong giai đoạn thấp điểm đầu năm 2021.

Với đường bay TP.HCM đi Đà Nẵng có quãng đường bay 602 km, giá vé rẻ nhất mà hành khách có thể mua theo đề xuất mới sẽ ở mức 440.000 đồng/chiều bay cộng hơn 500.000 đồng thuế phí, tương đương khoảng 1,9 triệu đồng/vé khứ hồi đã bao gồm thuế phí.

Với đường bay TP.HCM đi Vinh (Nghệ An), quãng đường bay 952 km, giá vé rẻ nhất theo khung giá sàn mới được đề xuất sẽ ở mức 560.000 đồng/chiều bay, cộng hơn 500.000 đồng thuế phí, tổng chi phí cho vé khứ hồi rẻ nhất ở mức hơn 2,1 triệu đồng đã bao gồm thuế phí.

Áp sàn giá vé vì hàng không đang khó khăn?

Về đề xuất này, Bộ GTVT cho biết đã giao Cục Hàng không Việt Nam rà soát, đề xuất khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của Nhà nước.

"Hiện nay Cục Hàng không đã có báo cáo và đề xuất phương án về Bộ GTVT. Tuy nhiên đây là một vấn đề có tính tác động rất lớn, nên quan điểm của Bộ GTVT là rất cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học", Bộ GTVT cho biết.

"Đặc biệt phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không", Bộ GTVT khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với toàn ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua và giai đoạn tiếp theo.

Cục Hàng không đề xuất áp sàn giá vé máy bay với lý do các hãng hàng không đang khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Hà.

Chính vì vậy, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau trong đó có đánh giá tác động cụ thể, tổ chức làm việc, xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.

Trong khi đó, Cục Hàng không lý giải giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh. Hàng không không khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế, trong khi các chuyến nội địa cũng bị cắt giảm hoặc lượng khách giảm đáng kể.

Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội máy bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng máy bay năm 2019. Doanh thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí giảm không đồng đều với doanh thu dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán.

Đây là những nguyên nhân chính căn bản trực tiếp tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng không gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không. Các hãng hàng không đã liên tục hạ giá bán, để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên máy bay, tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.

Do đó, Cục Hàng không đề xuất áp giá sàn vé máy bay như một “chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.

Cục Hàng không khẳng định khung giá trên sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam; xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.

Nhiều chuyên gia kinh tế, hàng không đã khẳng định việc áp sàn và trần giá vé máy bay là chính sách quản lý phi kinh tế thị trường. TS Lương Hoài Nam - chuyên gia hàng không - cho rằng trách nhiệm của Nhà nước là đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh chứ không phải là quyết định giá bán của các doanh nghiệp. Quan điểm này đã được các nước châu Âu tiếp nhận từ thập kỷ 90 và sau đó cũng đã lan sang các nước châu Á.

"Cho đến nay, hiếm có nước nào quản lý giá vé máy bay nội địa bằng giá trần như ở Việt Nam, giá sàn thì lại càng hiếm hơn. Tôi cho rằng cách quản lý giá vé máy bay ở nước ta nên thay đổi theo hướng hội nhập quốc tế, thị trường hóa, giảm tối đa sự can thiệp của các cơ quan nhà nước", TS Nam nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với TS Nam là chuyên gia kinh tế PGS.TS Nguyễn Đức Thành, cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). TS Thành đặt câu hỏi: "Sao lại phải áp giá sàn cho vé máy bay? Điều này tức là đồng nghĩa không cho phép hành khách được đi với một mức giá rẻ nào đó?".

Ông cũng nhận định chính sách quản lý giá dịch vụ vận tải hàng không theo hình thức áp trần và sàn giá vé không phải vì lợi ích người tiêu dùng, vì logic hay vì một lợi ích chung.

TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không - cũng khẳng định nếu áp dụng giá sàn, khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục nghìn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để kích cầu cho ngành hàng không, cải thiện dòng tiền cho mình và đồng thời giúp kích cầu cho ngành du lịch.

"Nhà nước không can thiệp vào thị trường bằng quy định giá sàn hay giá trần. Cục Hàng không cần bỏ quy định về giá trần đi và không nên quy định giá sàn", TS Tống nhận định.

Link nội dung: https://biztoday.vn/gia-ve-tphcm-ha-noi-re-nhat-25-trieu-dong-khu-hoi-neu-ap-gia-san-176389.html