'Một lô đất đòi đền bù nhiều lần', nỗi ám ảnh ông chủ điện gió nghìn tỷ

Dù đang phải chạy tiến độ để kịp vận hành thương mại, nhưng lúc này nhiều chủ đầu tư điện gió ở Quảng Trị vẫn phải đối mặt với nỗi lo giải phóng mặt bằng, nhất là vấn nạn '1 mảnh đất, nhiều người đòi đền bù'.

Rắc rối chuyện đền bù

Mới đây, Phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã có buổi làm việc với đại diện các đơn vị và một số hộ dân liên quan đến chuyện bồi thường giải phóng mặt bằng cho một dự án điện gió. Đây là vấn đề “nóng” của huyện này từ khi hàng loạt dự án điện gió triển khai.

Cuộc họp diễn ra khi có thông tin tranh cãi về đền bù gần 10 ha thực hiện dự án. Đại diện Công ty CP điện gió Khe Sanh cho biết: Tháng 2/2021, khi công ty phối hợp phòng Tài nguyên môi trường và xã, thôn đi quy chủ xác minh đất thì tại thực địa, các hộ đồng bào dân tộc đang trồng chuối, sắn... Công ty đã đền bù cho các hộ đang canh tác để nhận mặt bằng thi công. Không có chuyện lấy gần 10ha đất mà không bồi thường một đồng nào.

Nhiều dự án điện gió đang cấp tập thi công. (ảnh: LB)

Thông tin từ đơn vị chức năng của UBND huyện Hướng Hóa cho thấy, năm 2007, 25 người ở xã triệu Độ, xã Triệu Đại (huyện Triệu Phong) tự đến liên hệ với xã Húc huyện Hướng Hóa để được giao khoảng 45ha tại vùng đồi 500 - tiếp giáp giữa xã Húc và xã Hướng Lộc - để canh tác. Sau khi được UBND xã Húc đồng ý giao đất, những người này đã tiến hành khai hoang, canh tác trồng cây cà phê. Trong tổng diện tích 45ha này, có khoảng 30ha nằm trong địa giới hành chính của xã Hướng Lộc.

Đến năm 2014, do giá cà phê xuống thấp, nhiều người không canh tác nữa và để hoang hóa. Phần lớn diện tích đã bị một số hộ dân thôn Cheng, xã Tân Liên; khối 6, thị trần Khe Sanh lấn chiếm, canh tác để trồng sắn, tràm, chuối và một số cây khác.

Công ty CP Điện gió Khe Sanh thông tin thêm: Trong quá trình thi công, một số hộ dân có đứng ra nhận là đất của họ. Nhưng khi công ty yêu cầu họ xuất giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ xác nhận giao đất, họ không đưa ra được bất cứ giấy tờ nào nên hoàn toàn không có cơ sở để yêu cầu đền bù được.

Đặc biệt, hiện nay, trên diện tích 10ha mà 25 hộ dân cho rằng là của họ thì huyện đã có quyết định thu hồi đất từ Công ty CP Cao su Khe Sanh và phê duyệt phương án đền bù hoa màu cho các hộ dân canh tác để giao cho dự án điện gió của Công ty CP Khe Sanh.

Đáng chú ý, các đơn vị của huyện Hướng Hóa phát hiện một phần số đất mà những người này đòi đền bù đã được tự ý thỏa thuận chuyển nhượng cho người khác từ lâu.

Theo biên bản cuộc họp của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hướng Hóa, từ năm 2007-2014, huyện đã tiến hành đo đạc, lập hồ sơ địa chính để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất lâm nghiệp và ngoài lâm nghiệp. Tuy nhiên, những người này không tiến hành kê khai đăng ký; sử dụng đất khi không có hộ khẩu thường trú tại địa phương nên không có tên trong hồ sơ địa chính, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, toàn bộ diện tích nói trên đã được UBND tỉnh cho Công ty CP Cao su Khe Sanh thuê đất để trồng cao su đại điền năm 2013.

Hướng Hóa tập trung nhiều dự án điện gió.

Đối chiếu với điều kiện để được bồi thường về đất theo quy định tại khoản 1, điều 75 và khoản 1, điều 101 Luật Đất Đai năm 2013, cuộc họp kết luận: Các trường hợp này chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đủ điều kiện để được bồi thường. Trên đất hiện tại không còn ranh giới lô, thửa bốc thăm phân lô trước đây nên không xác định được phần đất của mỗi người. Hơn nữa, tài sản trên đất hiện trạng là của các hộ dân trong vùng đang canh tác nên không có cơ sở xem xét, hỗ trợ.

Nỗi lo mất an ninh trật tự

Câu chuyện kể trên không phải là cá biệt ở vùng núi Hướng Hóa - nơi tập trung nhiều dự án điện gió. Việc đền bù giải phóng mặt bằng điện gió ở Quảng Trị đã xảy ra không ít lùm xùm.

Mới đây, lực lượng công an xã, cảnh sát cơ động bảo vệ đoàn xe vào công trường điện gió ở xã Húc, huyện Hướng Hóa bị hàng trăm người dân vây đánh khiến 6 công an phải nhập viện. Nhiều đối tượng đã bị khởi tố, bắt giam vì hành vi này. Hay sự việc trong hai ngày 15, 16/5/2021, giữa người dân thôn Ta Núc và Công ty TNHH Tài Tâm (chủ dự án điện gió Hoàng Hải) xảy ra mâu thuẫn về việc công ty này cắm mốc để san ủi con đường.

Báo chí cũng phản ánh tình trạng hai bên đường vào dự án điện gió, nhiều nhà tạm và cọc tre, cột điện, mái tôn dựng lên bất thường hai bên đường để chờ đền bù nếu xảy ra va chạm.

Tình hình này khiến không ít nhà đầu tư nản lòng, nhưng trong tình thế “đâm lao phải theo lao” nên không thể dừng lại.

Đến cuối tháng 8/2021, toàn tỉnh Quảng Trị có 31 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2MW. Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, đến ngày 31/10, trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ có thêm 13 dự án điện gió, với tổng công suất gần 500MW hoàn thành và tổ chức bán điện thương phẩm.

Tuy nhiên, nếu không giải quyết dứt điểm các vấn đề về bồi thường, giải phóng mặt bằng trên, nhiều dự án sẽ không thể kịp vận hành, môi trường đầu tư cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Link nội dung: https://biztoday.vn/mot-lo-dat-doi-den-bu-nhieu-lan-noi-am-anh-ong-chu-dien-gio-nghin-ty-177057.html