PV Coating gần như độc quyền trong lĩnh vực bọc ống tại Việt Nam.
Kết thúc nửa đầu năm 2021, báo cáo tài chính của PV Coating cho biết các kết quả kinh doanh đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 27,7 tỷ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do sự sụt giảm tại mảng bọc ống khi chỉ ghi nhận 22,7 tỷ đồng doanh thu (cùng kỳ năm 2020 đạt 615,4 tỷ đồng). Giá vốn vượt doanh thu khiến Công ty lỗ gộp 9,17 tỷ đồng.
Chi phí quản lý được tiết giảm hơn 50% và doanh thu tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi) tăng mạnh, nhưng chưa đủ giúp PV Coating thoát lỗ. Kết quả lợi nhuận sau thuế của Công ty lỗ 15,2 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lãi 86,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm ngoái.
Việc thua lỗ trong cả 2 quý đầu năm nay đã kéo chuỗi thua lỗ của PV Coating sang quý thứ tư liên tiếp, kể từ quý III/2021. Nguyên nhân là sau khi hoàn thành việc bọc ống cho các dự án Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh và Sao Vàng Đại Nguyệt trong nửa đầu năm ngoái, Công ty gần như không thực hiện thêm được hợp đồng lớn mới. Các hợp đồng bọc chống ăn mòn, bọc cao su và bọc chống cháy cho các khách hàng tư nhân đều có quy mô nhỏ, không đủ bù đắp sự sụt giảm công việc trong lĩnh vực này.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức tháng 4/2021, Ban lãnh đạo PV Coating đặt kế hoạch khá thận trọng, với mục tiêu doanh thu năm nay chỉ 90 tỷ đồng, giảm 85% so với năm 2020. Về kế hoạch lợi nhuận, Ban lãnh đạo PV Coating đưa ra con số lỗ 12,19 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau nửa đầu năm, Công ty đã lỗ vượt kế hoạch.
Dù doanh thu sụt giảm, lợi nhuận âm trong bối cảnh thiếu công việc, nhưng điểm cộng của PV Coating là vẫn duy trì được cơ cấu tài chính lành mạnh, không có vay nợ, nguồn tiền dự trữ khá dồi dào. Báo cáo tài chính của PV Coating cho biết, tổng giá trị tài sản đến ngày 30/6/2021 của Công ty đạt 490 tỷ đồng, trong đó tiền mặt, tiền gửi ngân hàng là 230 tỷ đồng và hàng tồn kho là 126 tỷ đồng. Tỷ trọng nợ phải trả trên tổng nguồn vốn chỉ 25,9%.
Việc sở hữu nhà máy bọc ống duy nhất tại Việt Nam, Luật Dầu khí ưu tiên sự tham gia của các nhà thầu trong nước, cùng sự hỗ trợ từ công ty mẹ Tổng công ty khí (PV GAS) được đánh giá là lợi thế cạnh tranh giúp PV Coating gần như độc quyền trong lĩnh vực bọc ống tại Việt Nam.
Tại Dự án Lô B - Ô Môn, PV Coating đã được phê duyệt thực hiện dịch vụ bọc ống từ cuối năm 2018. Đây là dự án trọng điểm, được xây dựng nhằm vận chuyển và phân phối khí tự nhiên từ các lô B 48/95 và 52/97 thuộc vùng biển Tây Nam về bờ để cung cấp cho các nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn và Trung tâm Điện lực Kiên Giang, khi được triển khai, sẽ đem lại nguồn thu lớn Công ty.
Tuy vậy, việc phụ thuộc vào tiến độ các dự án dầu khí trong nước khiến kết quả kinh doanh của PV Coating chịu rủi ro, nếu tiến độ dự án dầu khí bị chậm so với kế hoạch. Trong khi đó, khả năng tìm kiếm hợp đồng lớn ngoài ngành hoặc ở nước ngoài của PV Coating không được đánh giá cao.
Thực tế, sau khi đạt doanh thu cao trong giai đoạn 2012 - 2015 nhờ nhiều dự án lớn, PV Coating thua lỗ 54 tỷ đồng trong năm 2016 khi giá dầu giảm, khiến các dự án dầu khí lớn phải giãn tiến độ hoặc dừng triển khai, mảng bọc ống gần như không có việc làm. Sau giai đoạn phục hồi, kết quả kinh doanh của Công ty quay lại tình trạng kém khả quan từ nửa cuối năm 2020 đến nay.
Bên cạnh rủi ro chậm tiến độ của các dự án lớn, PV Coating còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh do một số mỏ khai thác dầu khí sử dụng nhà thầu nước ngoài để thi công. Áp lực này sẽ lớn hơn nếu trong tương lai, quy định của pháp luật có sự thay đổi theo hướng giảm các hạn chế tham gia của các nhà thầu nước ngoài.
Link nội dung: https://biztoday.vn/pv-coating-keo-dai-chuoi-thua-lo-sang-quy-thu-tu-lien-tiep-177836.html