Giảm liên tục 5 tháng, vốn hóa Vingroup mất gần 7 tỷ USD

Từ khi đạt đỉnh trên 128.000 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh sau chia cổ tức) vào tháng 4, giá cổ phiếu VIC liên tục giữ xu hướng đi xuống, đến nay đã giảm hơn 30% sau 5 tháng.

Là một trong những cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán hiện nay, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup cũng là mã chứng khoán có tác động lớn nhất tới những thay đổi của chỉ số VN-Index trên sàn HoSE.

Tuy nhiên, trong khoảng 5 tháng trở lại đây, thị giá cổ phiếu này lại giữ xu hướng trái ngược so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và thị trường chung.

5 tháng mất 7 tỷ USD vốn hóa

Cụ thể, trong giai đoạn tháng 3-4, cùng với xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán chung, thị giá VIC đã tăng một mạch từ vùng 87.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh sau chia cổ tức) vào tháng 3 lên vượt mức 128.000 đồng/cổ phiếu vào nửa cuối tháng 4, tương đương mức tăng ròng gần 50% chỉ trong một tháng.

Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ khi VIC niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2007, đưa vốn hóa doanh nghiệp này gần chạm ngưỡng 490.000 tỷ đồng, tương đương hơn 21,4 tỷ USD quy đổi.

Tại thời điểm này, VIC cũng là cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán trong nước. Riêng VIC khi đó đã chiếm trên 10% vốn hóa các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE.

Tuy nhiên, ngay sau khi chạm đỉnh lịch sử hơn 128.000 đồng, cổ phiếu VIC đã trải qua chuỗi giảm giá liên tục đến nay. Sau 5 tháng, trong khi chỉ số VN-Index ghi nhận nhiều biến động nhưng vẫn giữ xu hướng tăng thì cổ phiếu VIC lại giảm mạnh.

Vingroup mat gan 7 ty USD von hoa sau 5 thang anh 1

Diễn biến giá cổ phiếu VIC từ tháng 4 đến nay chủ yếu giữ xu hướng đi xuống. Nguồn: Tradingview.

Hiện thị giá VIC chỉ được giao dịch ở mức 86.800 đồng/cổ phiếu (cuối ngày 17/9), tương đương mức giảm 32% từ đỉnh ghi nhận phiên 19/4. Trong khi đó, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng 8% giai đoạn này.

Thậm chí, nếu tính trong 1 tháng gần nhất, chỉ số VN-Index giữ xu hướng đi ngang và giảm nhẹ 1,66% thì thị giá VIC đã mất tới 12%.

Với thị giá hiện tại, vốn hóa của Vingroup vào khoảng 330.300 tỷ đồng, thấp hơn 156.800 tỷ so với đỉnh ghi nhận vào tháng 4, tương đương mức giảm ròng gần 7 tỷ USD vốn hóa quy đổi sau 5 tháng.

Việc giảm liên tục thời gian qua cũng khiến Vingroup đánh mất vị thế doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường vào tay Vietcombank với 360.500 tỷ đồng hiện tại.

Nếu so với đầu năm, thị giá hiện tại của VIC cũng đã giảm gần 10% và khiến vốn hóa doanh nghiệp này mất hơn 35.000 tỷ đồng.

Giảm sâu nhất nhóm vốn hóa lớn

Xu hướng của cổ phiếu VIC thậm chí cũng trái ngược so với hầu hết cổ phiếu vốn hóa lớn niêm yết trên thị trường hiện nay.

Cụ thể, xét trong nhóm 10 cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn nhất, chỉ cổ phiếu BID của BIDV và VNM của Vinamilk có mức giảm lớn hơn VIC từ đầu năm. Trong đó, cả BID và VNM đều đã giảm hơn 17% từ đầu năm đến nay, hiện giao dịch lần lượt ở mức 40.000 đồng/cổ phiếu và 86.500 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, VCB của Vietcombank dù cũng chịu xu hướng giảm giai đoạn này nhưng chỉ mất gần 2% thị giá.

Ngược lại, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn duy trì đà tăng mạnh từ đầu năm đến nay như VPB (VPBank) tăng 96%; HPG (Hòa Phát) tăng 67%; MSN (Masan) tăng 66%; TCB (Techcombank) tăng 51%...

- Diễn biến 10 cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán:

Cổ phiếu Thị giá hiện tại (đồng/cp) So với tháng 8/2021 So với tháng 4/2021 So với đầu năm 2021
VIC (Vingroup) 86.800 -12,2% -32,2% -9,6%
VNM (Vinamilk) 86.500 -1,5% -7,3% -17,7%
BID (BIDV) 40.000 -6,9% -7% -17,1%
VCB (Vietcombank) 97.200 -3.8% -1,3% -1,8%
VHM (Vinhomes) 81.200 -3,5% 2,5% 16,4%
GAS (PV Gas) 91.900 -0,5% 8,7% 6,8%
TCB (Techcombank) 49.750 -6,7% 19,6% 50,8%
HPG (Hòa Phát) 51.800 2,8% 22% 66,6%
VPB (VPBank) 67.000 2,9% 35,2% 96%
MSN (Masan) 146.000 10,2% 37,5% 65,6%

Nếu tính từ trung tuần tháng 4 đến nay, không cổ phiếu nào trong top 10 vốn hóa lớn nhất thị trường có mức giảm sâu hơn VIC.

Đáng chú ý, đà giảm của cổ phiếu VIC diễn ra trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh của tập đoàn này vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ và chỉ thấp hơn so với kế hoạch kinh doanh ban lãnh đạo đề ra.

Cụ thể, năm nay, Vingroup dự kiến thu về 170.000 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 4.500 tỷ, tăng 54% về chỉ tiêu doanh thu và giảm 1% ở chỉ tiêu lợi nhuận so với mức thực hiện 2020.

Lý do chính khiến lãnh đạo tập đoàn phải đặt mức lợi nhuận giảm nhẹ trong năm nay do nhiều hoạt động kinh doanh vẫn chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, đặc biệt là hoạt động du lịch do Vinpearl quản lý.

Nếu hoàn thành kế hoạch kinh doanh kể trên, đây sẽ là năm thứ 2 lợi nhuận của Vingroup đi xuống sau chuỗi 4 năm tăng liên tục trước đó.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2021 của tập đoàn, kết thúc tháng 6 năm nay, Vingroup ghi nhận tổng cộng 60.737 tỷ đồng doanh thu thuần, vẫn tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao cùng doanh thu hoạt động tài chính giảm khiến lợi nhuận trước thuế của Vingroup chỉ tăng 5% so với cùng kỳ, đạt trên 6.400 tỷ đồng.

Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp tập đoàn này thu về là 1.469 tỷ đồng, cũng tăng 5%.

Như vậy, sau nửa năm, Vingroup mới hoàn thành 36% chỉ tiêu doanh thu và 33% chỉ tiêu lợi nhuận.

Link nội dung: https://biztoday.vn/giam-lien-tuc-5-thang-von-hoa-vingroup-mat-gan-7-ty-usd-178719.html