Mở lại nền kinh tế, TP.HCM đề xuất quy chế phối hợp giữa các tỉnh, thành

Để thực hiện hiệu quả việc mở cửa lại nền kinh tế và phòng, chống dịch Covid-19, TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa các địa phương.

Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức ngày 24/9 đã có báo cáo về tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP trong đợt cao điểm vừa qua.

Theo đó, việc thực hiện kiểm soát triệt để, nghiêm ngặt, giãn cách xã hội đã có chuyển biến rõ rệt; người dân ủng hộ, chấp hành và tham gia thực hiện từ đường phố đến khu dân cư; lưu lượng phương tiện lưu thông giảm đến 90% so với trước đó.

Khi tăng đối tượng được phép lưu thông phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân, lượng phương tiện có tăng nhưng vẫn ở mức thấp và được kiểm soát chặt chẽ.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2, nối quận 1 và quận 2 TP.HCM sắp đến ngày hoàn thành. Ảnh: Thanh Tùng

Các quận, huyện, TP Thủ Đức, nhất là các phường, xã thị trấn đã quán triệt tốt và chuẩn bị các bước triển khai chu đáo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và TP với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài", người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch.

Lực lượng tăng cường (quân đội, công an, y tế) và lực lượng của TP được triển khai nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ...

Đồng thời, tập trung quyết liệt các biện pháp chuyển hóa địa bàn, kiểm soát “vùng đỏ”, mở rộng "vùng xanh", gắn liền với việc phát triển phong trào tự quản “Bảo vệ vùng xanh".

Đa số người dân có thể tự lấy mẫu test nhanh

Từ 23/8 đến nay, TP triển khai công tác xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. Đã thực hiện 5 đợt lấy mẫu cho các hộ dân tùy theo các vùng nguy cơ.

Hơn 1.500 đội lấy mẫu với khoảng 13.800 người được huy động. Trung bình mỗi đội thực hiện được từ 300-400 mẫu ngày.

Bên cạnh đó, TP triển khai cho người dân tự làm xét nghiệm với sự hướng dẫn, giảm sát của nhân viên y tế. Hiện nay đa số người dân có thể tự lấy mẫu xét nghiệm test nhanh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng ngày 19/9 về tăng cường công tác tổ chức xét nghiệm diện rộng trên địa bàn TP, Công điện của Bộ Y tế,… ngày 20/9, TP ban hành công văn chỉ đạo việc tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm đến 30/9.

Theo đánh giá, kết quả tỷ lệ phát hiện dương tính qua các đợt xét nghiệm có xu hướng giảm dần ở tất cả các khu vực nguy cơ, cho thấy việc tổ chức xét nghiệm tầm soát đạt được mục tiêu phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý ổ dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.

Chi tiết công tác phòng, chống dịch

Về vắc xin, Ban chỉ đạo thống kê tổng số liều Bộ Y tế phân bổ cho TP là hơn 6,5 triệu. Ngoài ra, TP nhận được 5 triệu liều Verocell từ nguồn tài trợ (trong đó xuất cho mượn hơn 2,5 triệu).

TP đã tiêm gần 9 triệu liều, trong đó có gần 6,8 triệu mũi 1 (đạt 94% dân số từ 18 tuổi trở lên) và hơn 2,2 triệu mũi 2 (đạt 30,5%), trong đó có hơn 1 triệu lượt người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền được tiêm.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin. Ảnh: Thanh Tùng

Ban chỉ đạo nhìn nhận, công tác tiêm vắc xin được tổ chức đa dạng với nhiều hình thức như tiêm tại các điểm tập trung, đội hình tiêm lưu động, tiêm tại nhà...

Hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin đã ngày một hoàn thiện. Việc cập nhật dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng quốc gia đã kịp thời hơn.

Về điều trị, đã chuyển hướng tập trung cao cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, kịp thời điều trị cho các trường hợp F0 mới phát hiện.

Đồng thời, tổ chức kết hợp việc xét nghiệm nhanh và phát thuốc cho F0; tư vấn tâm lý và hướng dẫn cách tự chăm sóc, nhờ đó đã giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Việc này giúp giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần nhanh chóng hồi phục. Ngoài ra, tăng cường công tác tư vấn, theo dõi F0 tại nhà từ xa qua các tổng đài 1022, các tổ y tế lưu động của các trường Y khoa.

TP đã thành lập 531 trạm y tế lưu động (chỉ tiêu đề ra là 400 trạm); tập trung công tác điều phối, nâng cao năng lực điều trị giữa các tầng.

Trong việc vận động và tiếp nhận tình nguyện viên là người F0 đã khỏi bệnh tham gia công tác phòng, chống dịch, bước đầu TP tiếp nhận được gần 300 tình nguyện viên đăng ký. Nhiều trung tâm hồi sức, bệnh viện đã bố trí lực lượng này tham gia phục vụ.

An sinh xã hội, Trung tâm An sinh đã thực hiện hỗ trợ trên 1,93 triệu túi an sinh; hỗ trợ trên 14.300 phần quà cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp.

Đã chi gần 5.500 tỷ đồng các gói hỗ trợ và đang khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị cho công tác chỉ hỗ trợ đợt 3…

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, việc này được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của người dân. TP đang tăng cường các lực lượng để kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân.

Về tình hình cung ứng hàng hóa, từ 23/8 đến nay, đã tổ chức “đi chợ hộ” cho trên 1,8 triệu hộ, đáp ứng trên 98,8% số hộ có nhu cầu.

Trong giai đoạn thực hiện tăng cường giãn cách, TP đã mở rộng cho phép một số đối tượng là nhân viên của mạng lưới cung ứng hàng hóa cùng các phương tiện vận chuyển được lưu thông, đồng thời, cho phép shipper được hoạt động để bổ trợ cho các lực lượng hỗ trợ tại địa phương. Nhờ vậy đã giải quyết được nhiều vướng mắc trong việc cung ứng lương thực thực phẩm.

Nhằm đưa thông tin đến người dân kịp thời, Thành phố đã tổ chức họp báo định kỳ hàng ngày; thực hiện Chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời" nhằm chia sẻ thông tin với người dân của chính quyền TP, cũng như giải đáp trực tiếp những thắc mắc...

Đẩy mạnh các chiến lược, tiến tới kiểm soát dịch

Từ thành quả đạt được, thời gian tới, TP tiếp tục triển khai những chiến lược phòng, chống dịch, tiến tới kiểm soát dịch.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả trên từng địa bàn cụ thể.

Khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả kiểm soát dịch của các quận, huyện và TP Thủ Đức theo bộ tiêu chí quốc gia và tình hình phòng, chống dịch của TP; thành lập 22 đoàn kiểm tra công tác đánh giá của các quận, huyện, làm cơ sở để xác định biện pháp chỉ đạo tập trung thực hiện trong thời gian từ nay đến ngày 30/9.

TP.HCM kiểm tra chặt chẽ việc người dân di chuyển ngoài đường. Ảnh: Thanh Tùng

Theo Ban chỉ đạo, đối với các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, thí điểm thực hiện “nới giãn cách" từng bước an toàn như: người dân đi chợ 1 lần tuần, triển khai "Thẻ xanh Covid" gắn với mã QR cá nhân; cho phép một số lĩnh vực được hoạt động với điều kiện đảm bảo các Bộ tiêu chỉ an toàn phòng, chống dịch.

Đồng thời, bổ sung nhiều hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh, trong đó các công trình xây dựng giao thông được tổ chức thi công theo Bộ Tiêu chí an toàn; được hoạt động thể dục thể thao tại các khu dân cư, chung cư thuộc “vùng xanh” ...

Tăng cường tổ chức xét nghiệm trên diện rộng tại những địa bàn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để bóc tách nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Đồng thời, tăng cường độ bao phủ vắc xin để nhanh chóng nới lỏng giãn cách và phục hồi kinh tế theo lộ trình đề ra.

Khẩn trương triển khai gói hỗ trợ đợt 3, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, thủ tục thuận lợi cho người dân, không để xảy ra tiêu cực.

Đặc biệt, nhanh chóng hoàn thiện các chiến lược cho giai đoạn bình thường mới và phục hồi kinh tế từ sau ngày 30/9.

Để thực hiện hiệu quả các bước trên, TP.HCM kiến nghị Chính phủ phân bổ kịp thời và đầy đủ vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 cho TP và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP cũng đã chủ động làm việc với các tỉnh, thành lân cận để thống nhất một số nội dung phối hợp trong việc mở cửa lại nền kinh tế và phòng chống dịch như: lưu thông hàng hóa, qua lại giữa các tỉnh, thành, lao động ở tỉnh nhưng làm việc tại TP...

Theo Ban chỉ đạo, để thực hiện hiệu quả việc này, TP kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa các địa phương trong việc mở cửa lại nền kinh tế và phòng chống dịch.

Link nội dung: https://biztoday.vn/mo-lai-nen-kinh-te-tphcm-de-xuat-quy-che-phoi-hop-giua-cac-tinh-thanh-180171.html