|
Cuộc tổng tuyển cử ở Đức đã diễn ra hôm 26/9. Sau khi có kết quả, Thủ tướng Angela Merkel sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước trong khi chờ đợi thành lập chính phủ mới.
Người phụ nữ 67 tuổi này sẽ nghỉ hưu với tư cách là một trong những chính trị gia lãnh đạo nước Đức trong thời gian lâu nhất và sẽ luôn được nhắc tới như là một nhà lãnh đạo với tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Bà Angela Merkel tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Đức vào năm 2005. Tới nay, 16 năm đã trôi qua. Trong 4 nhiệm kỳ của mình, bà đã chèo lái đất nước và cả Liên minh châu Âu vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng. Ảnh: AP. |
Di sản đầy ấn tượng
Những gì mà bà Merkel để lại là một di sản ấn tượng về cách quản lý những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà Đức và châu Âu phải đối mặt trong suốt 16 năm qua.
Trong suốt thời gian đó, với tư cách là nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu, bà Merkel đã chấm dứt chương trình nghĩa vụ quân sự bắt buộc, đưa nước Đức đi đúng hướng cho một tương lai không sử dụng năng lượng hạt nhân và hóa thạch.
Chính phủ của bà cũng hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, tăng lương tối thiểu quốc gia và các phúc lợi khuyến khích những ông bố dành nhiều thời gian hơn để chăm con nhỏ.
Nhưng điều quan trọng nhất mà bà Merkel đã làm được trong 16 năm qua là trở thành một chiếc mỏ neo cho cả nước Đức và châu Âu. Ông Markus Soeder, một trong những đồng minh thân cận của bà Merkel, đã tóm gọn điều đó trong một câu nói dành cho thủ tướng Đức: "Bà đã làm rất tốt trong việc bảo vệ đất nước của chúng ta".
"Tất cả cuộc khủng hoảng mà bà phải lèo lái... chúng ta chưa từng vạch ra những thứ như thế trong các cuộc bầu cử - chúng xuất hiện sau một đêm và bà đã điều hành tốt", ông Soeder nói thêm.
Bà Merkel vượt qua thử thách đầu tiên trong năm 2008, khi cả thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính. Ở đỉnh điểm của sự kiện này, bà cam kết rằng các khoản tiết kiệm của người dân Đức hoàn toàn được bảo đảm. Trong những năm sau đó, bà Merkel là nhân tố hàng đầu trong một nỗ lực tập thể nhằm ổn định khu vực Eurozone, với những gói cứu trợ đi kèm với các yêu cầu thắt lưng buộc bụng đầy khắt khe.
Chính điều đó khiến cho bà Merkel trở thành mục tiêu chỉ trích ở nhiều quốc gia châu Âu, và đến năm 2015 thì sự chỉ trích đó càng tăng lên khi thủ tướng Đức quyết định mở cửa châu Âu cho người tị nạn Syria.
Nhưng trong nhiệm kỳ cuối cùng của mình, bà Merkel một lần nữa dập tắt những chỉ trích khi lãnh đạo nước Đức vượt qua đại dịch Covid-19 theo cách tốt hơn nhiều các nước châu Âu khác.
Trên sân khấu thế giới, bà Merkel vẫn kiên định với việc tìm kiếm các thỏa thiệp và theo đuổi cách tiếp cận đa phương với các vấn đề toàn cầu. Điều đó diễn ra trong một bối cảnh hỗn loạn khi Mỹ trở nên xa cách các đồng minh châu Âu dưới thời Donald Trump, và nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou và Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy trong một cuộc gặp hồi tháng 2/2010, giữa đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Eurozone. Ảnh: AP. |
“Tôi nghĩ di sản quan trọng nhất của bà Merkel chỉ đơn giản là, trong thời kỳ khủng hoảng trên toàn thế giới, bà ấy đã tạo ra sự ổn định", ông Ralph Bollmann, người viết tiểu sử về Merkel và là nhà báo của tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, nhận định.
Ông Bollmann cũng chỉ ra rằng khi liên tiếp những cuộc khủng hoảng đặt ra mối đe dọa hiện hữu, khiến nhiều người hoài nghi về trật tự thế giới quen thuộc, bà Merkel đã dẫn dắt nước Đức, châu Âu, và ở một mức độ nào đó là cả thế giới, vượt qua những thử thách đó một cách khá an toàn.
"Những gì người ta có thể chỉ trích chỉ là một số tiểu tiết", ông Bollmann nói thêm.
Nghỉ hưu theo cách riêng của mình
Theo ông Bollmann, khi ra tranh cử lần đầu hồi năm 2005, bà Merkel quảng bá bản thân là một nhà lãnh đạo của những đổi thay. Bà muốn nước Đức trở nên hiện đại hơn, đưa ra những cải cách tinh tế và có một cách tiếp cận cởi mở hơn đối với các vấn đề xã hội, thay vì chương trình nghị sự bảo thủ thường thấy của đảng CDU.
Nhưng bà phải từ bỏ phần lớn những tham vọng cải cách y tế, sau khi các cử tri phản ứng tiêu cực với những thay đổi sâu rộng. Thay vào đó, bà Merkel chấp nhận cách tiếp cận "từng bước nhỏ". Bà cũng thực dụng từ bỏ những chính sách bảo thủ như chương trình nghĩa vụ quân sự bắt buộc, điều giúp bà cầm trịch nền chính trị Đức.
Mặc dù vậy theo ông Bollmann, những cuộc khủng hoảng luôn tiêu tốn rất nhiều năng lượng và không đủ thời gian để giải quyết các vấn đề khác. Vẫn còn nhiều điều mà bà Merkel chưa hoàn thành, bà thừa nhận rằng nước Đức vẫn còn rất chậm trong việc áp dụng công nghệ thông tin và số hóa vào mọi mặt của xã hội. Chất lượng viễn thông ở Đức khá kém so với các nước châu Âu khác, và nhiều cơ quan y tế vùng vẫn đang dùng máy fax để truyền dữ liệu.
Riêng thời gian tại vị của bà Merkel đã là một cột mốc lịch sử. Trong số các nhà lãnh đạo Đức sau Thế chiến II, bà chỉ kém ông Helmut Kohl, người là thủ tướng từ năm 1982 đến 1998. Bà Merkel có thể vượt qua cột mốc đó, nếu như chính phủ mới vẫn chưa được thành lập cho đến ngày 17/12.
Trong 16 năm cầm quyền của bà Merkel, nước Đức ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp giảm một nửa, từ hơn 5 triệu người vào năm 2005 xuống chỉ còn gần 2,6 triệu người vào lúc này. Dù sao thì người tiền nhiệm Gerhard Schroeder cũng nên được ghi nhận một phần trong thành công đó, vì những chính sách cải cách kinh tế của ông chỉ thật sự có kết quả khi ông rời nhiệm sở.
Bà Merkel cũng thừa hưởng chính sách từ bỏ năng lượng hạt nhân của ông Schroeder, nhưng đã đẩy nhanh chương trình này sau khi chứng kiến thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Gần đây, chính phủ của bà cũng cam kết một tương lai không sử dụng điện than.
Người tị nạn Syria giơ ảnh của bà Merkel sau khi thủ tướng Đức chấp nhận cho phép hàng chục nghìn người trong số họ có cuộc sống mới ở châu Âu. Quyết định này đã khiến bà Merkel hứng chịu nhiều chỉ trích ở cả trong và ngoài nước. Ảnh: AP. |
Những cải cách về năng lượng của bà Merkel cũng được đánh giá cao. Năng lượng tái tạo đã chiếm tới 40% trong cơ cấu năng lượng của Đức, so với chỉ 10% khi bà bước vào nhiệm sở. Mặc dù bà Merkel từng được coi là nhà lãnh đạo thân thiện với môi trường nhưng chính phủ của bà cũng bị chỉ trích vì chậm thay đổi để đáp ứng các mục tiêu không khí thải.
Dù sao thì bất chấp những chỉ trích trong nhiều vấn đề, bà Merkel vẫn có thể tự hào vì là nhà lãnh đạo đầu tiên của Đức rời khỏi nhiệm sở theo ý muốn của mình. Những người tiền nhiệm của bà, hoặc là thất bại trong một cuộc bầu cử, hoặc là bị buộc phải từ chức.
Link nội dung: https://biztoday.vn/bai-hoc-lon-tu-ky-nguyen-angela-merkel-180731.html