Trong đơn tố cáo gửi các bộ ban ngành và cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Thảo (SN 1968, Cô Tô, Quảng Ninh) đã phản ánh về hàng loạt bất thường trong việc cấp sổ đỏ tại huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.
Trong đơn, bà Thảo cho biết, năm 1988, gia đình bà ra đảo Cô Tô xây dựng vùng kinh tế mới cùng 27 hộ dân khác, được Nhà nước cấp nhà và đất tại khu 2, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô. Ngày 20/8/1995, UBND huyện Cô Tô ra thông báo số 6 về việc giải phóng mặt bằng xây dựng trụ sở Ban chỉ huy quân sự huyện Cô Tô, nhưng đến nay, trụ sở Ban chỉ huy quân sự huyện Cô Tô đã di chuyển đi chỗ khác.
Gia đình bà đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan các cấp, đề nghị lãnh đạo các cấp có liên quan giải quyết trả lại 3.000m2 đất UBND huyện Cô Tô đã trưng dụng để xây dựng trụ sở Ban chỉ huy quân sự huyện. Thế nhưng, bà cho biết, UBND huyện Cô Tô gửi văn bản thông báo không thụ lý giải quyết đơn cho gia đình bà.
Bên cạnh đó, bà Thảo còn phản ánh, năm 2009, gia đình bà được cho tặng thửa đất tổng diện tích 3.348,5m2 có giấy tờ rõ ràng. Sau đó, gia đình đã trồng cây phi lao từ năm 2009, 2010. Từ đó đến nay, UBND thị trấn Cô Tô và UBND huyện Cô Tô ra nhiều văn bản, quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế đối với gia đình bà.
Cũng trong đơn tố cáo, bà Thảo thẳng thắn chỉ ra nhiều trường hợp cấp sổ đỏ lạ lùng ở huyện Cô Tô như đất cấy lúa bỏ hoang lâu năm không canh tác vẫn được cấp sổ đỏ và còn được chuyển đổi gần 100m2 sang đất ở. Việc cấp sổ này còn diễn ra ngay trong thời điểm UBND huyện đang cấm làm sổ đỏ và chuyển nhượng.
Rất nhiều hộ dân ở huyện Cô Tô đang kêu cứu vì cho rằng quyền lợi của họ bị xâm phạm. (Ảnh: Nam Khánh)
Hay trường hợp khác, nhiều hộ gia đình được cấp sổ đỏ cho đất rừng nguyên sinh, thuộc diện bảo tồn cảnh quan của huyện đảo. Những gia đình này còn chặt phá rừng và phát sinh tranh chấp với huyện khác. Và còn nhiều trường hợp đất ruộng được san nền và chuyển đổi thành đất ở.
Trong đơn, bà Thảo còn nhấn mạnh rằng, có đường dây hoạt động cấp đất lậu, cấp đất sai ở huyện Cô Tô, Quảng Ninh từ trước đến nay. Đó là biểu hiện lợi ích nhóm của một số cán bộ trong bộ máy chính quyền huyện Cô Tô.
Những phản ánh của bà Thảo, một người dân ở huyện Cô Tô, được gửi đến các cơ quan chức năng hồi tháng 7 vừa qua. Điều đó có nghĩa những bất cập, sai phạm khiến người dân bức xúc vẫn chưa được giải quyết và đang tồn tại.
Thực tế, những chuyện lạ kỳ về việc “hô biến” xuất hiện sổ đỏ đã tồn tại từ nhiều năm trước khiến người dân bức xúc, gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng. Dẫu vậy, bao năm trôi qua, nhắc đến Cô Tô, dư luận vẫn còn nhắc tới những bất cập trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Truyền hình pháp luật đã từng phản ánh, năm 2020, quỹ đất rừng phòng hộ đặc dụng thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng tại thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến (Cô Tô) từng là nơi để trồng cây phi lao chắn sóng nhưng đến năm 2019, một số người đã tiến hành chặt phá phi lao. Khi lực lượng kiểm lâm có mặt, lập biên bản, kiểm tra thì một số hộ gia đình đã chưng sổ đỏ được cấp từ năm 2018.
Hay câu chuyện của gia đình ông Bùi Đức Tuyến, một trong những người dân đến Cô Tô theo diện xây dựng vùng kinh tế mới. Ông Tuyến quản lý 2ha đất rừng phòng hộ. Đến một ngày, khi diện tích này bị cháy, ông Tuyến mới biết diện tích rừng của mình đã được chuyển nhượng sang tên cho ông Vũ Thành Long. Khi tìm hiểu, ông Tuyến mới biết, phần đất của nhà ông giáp với nhà bà Nguyễn Thị Chiên đã bị "hô biến" kỳ lạ.
Cụ thể, năm 2013, phần đất của bà Chiên chỉ là 600m2 nhưng đến năm 2017, bằng hồ sơ cấp lại và cấp đổi, diện tích đất của bà Chiên lên tới hơn 10.000m2 và dĩ nhiên phần đất mà ông Tuyến đang quản lý lại thuộc quyền sở hữu của người hàng xóm. Ngay sau đó, mảnh đất này được sang tên đổi chủ cho ông Vũ Thành Long.
Còn theo Báo Tài Nguyên và Môi trường phản ánh, ông Vũ Hữu Tỏe ở xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Năm 1979, ông khai hoang và quản lý sử dụng ổn định hàng nghìn mét vuông đất. Đến năm 2003, gia đình ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 450m2, trong đó đất ở là 396m2, số diện tích còn lại gia đình vẫn quản lý, sử dụng ổn định, canh tác và trồng các loại cây. Tháng 8/2019, gia đình ông Tỏe tiến hành cải tạo lại vườn đồi, trong khu vườn nhà ông có một số cây tự nhiên do gia đình để lại làm bóng mát, khi thấy không cần thiết, gia đình đã chặt hạ. Nhưng bất ngờ, gia đình ông Tỏe bị cán bộ Kiểm lâm huyện Cô Tô đến lập biên bản về hành vi phá rừng phòng hộ.
Theo biên bản số 02, ngày 6/8/2019 của Hạt Kiểm lâm huyện Cô Tô quyết định “Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề” đối với ông Vũ Hữu Tỏe.
Đến ngày 30/8/2019, UBND huyện Cô Tô đã có Quyết định số 486 do ông Vũ Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện ký quyết định xử phạt hành chính đối với ông Vũ Hữu Tỏe số tiền 40 triệu đồng, đồng thời yêu cầu ông Tỏe phải trồng lại rừng trên diện tích bị phá.
Không đồng ý với quyết định xử phạt hành chính của UBND huyện Cô Tô, ngay sau đó, ông Vũ Hữu Tỏe đã làm đơn kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh. Nội dung đơn khiếu nại của ông Tỏe cho rằng, việc xử phạt gia đình ông như vậy là không đúng, bởi lẽ, gia đình ông đã khai hoang, quản lý, canh tác ổn định khu vườn đồi này từ năm 1979. Mặt khác, ông Tỏe cho rằng việc xác định đất rừng phòng hộ không rõ ràng, không có mốc giới, chồng lấn lên đất canh tác của gia đình.
Sau những bất cập của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu UBND huyện Cô Tô thu hồi 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã Đồng Tiến và thị trấn Cô Tô.
Tại kết luận thanh tra số 317/KL-TNMT ký ngày 16/01/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã chỉ rõ, công tác quản lý đất đai tại thị trấn Cô Tô và các xã chưa chặt chẽ; để nhiều hộ dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang xây dựng các công trình kinh doanh dịch vụ du lịch và làm bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép, nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời.
Qua kiểm tra hiện trạng, đoàn thanh tra phát hiện một số hộ gia đình, cá nhân đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, xây dựng công trình để ở và kinh doanh dịch vụ du lịch không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra 20 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã Đồng Tiến ghi nhận, bản đồ địa chính đã được thành lập và bàn giao cho địa phương quản lý từ tháng 12/2017, nhưng từ năm 2018 đến thời điểm thanh tra, 100% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp ghi không đúng số thửa, số tờ bản đồ địa chính; 100% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp lần đầu tính sai thời hạn sử dụng đất nông nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đề nghị UBND huyện Cô Tô tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về đất đai; chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, thu hồi 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã Đồng Tiến và thị trấn Cô Tô; ký lại các hợp đồng thuê đất nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép; tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Đồng Tiến và thị trấn Cô Tô trong thời gian qua.
Cần phải nhấn mạnh lại rằng, những sai phạm trong vấn đề quản lý đất đai tại Cô Tô không phải chỉ mới xảy ra gần đây, mà đã tồn tại trong nhiều năm, đặc biệt là từ năm 2018, 2019. Hiện tượng "kỳ lạ" và "hô biến" đất ruộng thành đất ở, xâm lấn đất rừng phòng hộ… đã khiến không ít người dân Cô Tô phải bức xúc, khi chính họ rơi vào tình cảnh quỹ đất mà gia đình quản lý, xây dựng lại bị xâm phạm.
Đến năm 2020, tức là 2 năm sau, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh mới có yêu cầu UBND huyện Cô Tô thu hồi 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã Đồng Tiến và thị trấn Cô Tô. Vậy còn các trường hợp khác thì ra sao? Tại sao vấn đề giải quyết đất đai cho người dân Cô Tô lại chậm trễ như vậy? Và sau khi có yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, đến nay huyện Cô Tô thực hiện đến đâu?
Liên quan đến biện pháp xử lý sai phạm quản lý đất đai tại Cô Tô, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép; tổ chức kiểm điểm. Vậy việc “xử lý nghiêm” như Sở Tài nguyên và Môi trường nên được hiểu như thế nào? Là xử lý những hộ gia đình tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, hay phải bao gồm cả những người có chức vụ, thẩm quyền tham gia vào việc “đồng ý” cho sai phạm diễn ra? Tại sao những người có chức vụ, thẩm quyền lại quên đi quy định của luật pháp, để rồi, tạo ra hàng loạt sai phạm như vậy?
Một yêu cầu khác của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đưa ra đó là phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Đồng Tiến và thị trấn Cô Tô trong thời gian qua. Vậy sai phạm của những cán bộ quản lý bất chấp quy định của pháp luật, "thông đồng" với người dân để chấp nhận làm ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất "kỳ lạ"… chỉ cần phải rút kinh nghiệm?
Theo tìm hiểu của PV, ông Trần Như Long từng giữ chức Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô trong thời gian từ năm 2016 - 2020; hiện giữ chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh.
Trao đổi với Reatimes, ông Trần Như Long - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, ông không biết kết luận thanh tra xử lý sai phạm trong quản lý đất đai tại huyện Cô Tô. “Tôi mới về nhận nhiệm vụ, không biết kết luận thanh tra ấy có từ bao giờ. Tôi cũng đang tìm thông tin đó và chưa hề ký bất cứ văn bản nào liên quan đến việc thu hồi 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Cô Tô", ông Long nói.
Câu hỏi được đặt ra, với cương vị hiện tại, liên quan đến sai phạm trong ngành, giữ chức vụ là người đứng đầu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, nhưng ông Long lại không nắm được văn bản mà Sở ban hành (?). Liệu có hay không sự cố tình hay vô ý bao che, bởi ở thời điểm xảy ra vụ bê bối liên quan đến việc cấp sai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như thời điểm ban hành văn bản kết luận Thanh tra, ông Long đang là Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô?
Mặt khác, cần phải nhấn mạnh lại, những bê bối trong quản lý đất đai đã được người dân Cô Tô phản ánh ngay trong đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng bằng việc thẳng thắn cho rằng, có đường dây hoạt động cấp đất lậu, cấp đất sai. Giả sử phản ánh của người dân là đúng, thì rõ ràng sai phạm trong quản lý đất đai đã trở thành “sai phạm có hệ thống”.
Sai phạm quản lý đất đai đã trở thành chủ đề nóng trong thời gian gần đây bởi sự bức xúc của người dân, của dư luận trước lợi ích nhóm, coi thường pháp luật, phá vỡ niềm tin, sự công bằng. Các chuyên gia cho rằng, liên quan tới sai phạm trong quản lý đất đai, đặc biệt là việc cấp sổ đỏ sai, rất cần xem xét các bên có trách nhiệm liên đới. Theo luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way, phải xem xét những người thẩm định hồ sơ, người ký quyết định cấp sổ để xác định trách nhiệm.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng cho rằng, việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng Nhà nước không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn tạo ra sự không công bằng, mất niềm tin của người dân vào các cấp quản lý.
Trong khi đó, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ cho rằng, vấn đề liên quan đến đất rừng phòng hộ hay vấn đề quản lý đất đai khác cần phải xử lý dứt điểm. Theo ông Võ, vì những trường hợp trái pháp luật không được xử lý dứt điểm, nên mới dẫn tới tình trạng sai phạm tràn lan.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường thẳng thắn chia sẻ, trong vài năm qua, khá nhiều vụ “động trời” liên quan đến tham nhũng đất đai đã được xử lý. Nhiều quan chức cấp cao của Trung ương, địa phương, kể cả cán bộ cấp cao thuộc lực lượng vũ trang đã phải vướng vòng lao lý hoặc đã bị kỷ luật ở mức độ nặng.
Ông Võ nhận định : “Pháp luật quy định đất công, bất động sản công thuộc sở hữu toàn dân nhưng trao thẩm quyền định đoạt cho một số cương vị lãnh đạo thuộc bộ máy hành chính. Như vậy, khi bộ máy hành chính có quyền quyết định cả về đất đai và giá trị đất đai thì có thể bị lợi ích chi phối, lúc này chỉ trông chờ vào đạo đức của người có thẩm quyền quyết định. Trong cả lý luận và thực tiễn, người ta đã chỉ ra rằng rủi ro tham nhũng luôn xuất hiện tại những nơi mà quyền lực quyết định không được kiểm soát, nhất là khi thực thi quyền quyết định tạo ra được lợi ích cho một nhóm người nào đó”./.
Link nội dung: https://biztoday.vn/loat-sai-pham-trong-quan-ly-dat-dai-tai-co-to-181177.html