Hôm nay Nhật Bản bầu thủ tướng

Ngày 29/9, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tổ chức bỏ phiếu để bầu chủ tịch mới, gần như đồng nghĩa với việc chọn ra thủ tướng mới của Nhật Bản. Cuộc cạnh tranh những ngày trước bỏ phiếu diễn ra quyết liệt khiến giới chuyên gia khó đoán ứng viên nào có cơ hội lớn nhất.

Từ trái qua: Các ứng viên Taro Kono, Fumio Kishida, Sanae Takaichi và Seiko Noda trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 17/9. Ảnh: Bloomberg

Cuộc bỏ phiếu lần đầu tiên có sự tham gia của hai ứng viên nữ ở quốc gia mà phụ nữ luôn lép vế trong chính trị, báo chí Nhật Bản đưa tin ngày 28/9. Ứng viên chiến thắng sẽ gánh trách nhiệm dẫn dắt Nhật Bản vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra khiến nền kinh tế trì trệ, cũng như xử lý những thách thức ở khu vực nơi Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng lớn.

Bản chất của sự kiện này là cuộc cạnh tranh trong nội bộ LDP, diễn ra sau khi Thủ tướng Suga Yoshihide thông báo từ chức sau 1 năm cầm quyền, khi tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm vì cách đối phó đại dịch. LDP chiếm đa số ghế trong quốc hội, nên chủ tịch mới của đảng này cũng gần như chắc chắn sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử chọn thủ tướng vào tháng 11.

Bà Naoko Taniguchi, nhà nghiên cứu về chính trị tại ĐH Keio (Nhật Bản), cho rằng, tân thủ tướng sẽ không chỉ đối mặt những thách thức do dịch bệnh gây ra. “Nhìn về trung và dài hạn, thủ tướng tiếp theo sẽ cần xử lý nhiều vấn đề quốc tế, bao gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc, thay đổi trong các chiến lược toàn cầu của Mỹ, dẫn đến thay đổi trong trật tự quốc tế, vấn đề cân bằng tài chính và phúc lợi cùng với tình trạng suy giảm dân số”, bà Taniguchi nói với tờ Washington Post.

Cuộc bỏ phiếu của LDP thực chất là kết quả của quá trình vận động và đàm phán ở hậu trường giữa những nhân vật cấp cao trong đảng. “Lần này, cuộc bỏ phiếu của LDP sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi dư luận và quan điểm của các thành viên LDP ở địa phương, khi cuộc tổng tuyển cử đang đến gần”, bà Lully Miura, nhà sáng lập Viện Nghiên cứu Yamaneko (Nhật Bản), nhận định.

Chân dung 4 ứng viên

Ông Taro Kono, 58 tuổi, là Bộ trưởng Cải cách hành chính và đang phụ trách chương trình tiêm vắc-xin của Nhật Bản. Báo chí nước này đưa tin, ông Kono được Thủ tướng Suga ủng hộ. Ông Kono từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng. Học ở Mỹ về, ông được nhận xét là người có tư tưởng đổi mới, theo kịp thời đại và thích ứng nhanh với môi trường mạng xã hội. Các chuyên gia đánh giá chương trình tiêm chủng được tăng tốc nhanh chóng giúp ông Kono có lợi thế so với những ứng viên khác.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, 64 tuổi, không phải người được dân chúng biết đến rộng rãi như ông Kono, nhưng được các lãnh đạo LDP đánh giá cao. Ít ngày trước bầu cử, hai ông Kono và Kishida dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận.

Cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi, 60 tuổi, là ứng viên được cựu Thủ tướng Abe Shinzo ủng hộ. Bà Takaichi cam kết tiếp tục các chính sách kinh tế vì tăng trưởng mà chính quyền Abe thực hiện và phản đối mạnh mẽ việc xin lỗi vì quá khứ chiến tranh của Nhật Bản. Một trong những quan điểm gây tranh cãi nhất của ứng viên này là bà sẽ tiếp tục đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ một số tội phạm chiến tranh trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Những chuyến thăm trước đây của lãnh đạo Nhật Bản đến đền thờ này đều gây căng thẳng cho quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Một nữ ứng viên khác, bà Seiko Noda, 61 tuổi, cũng là cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông. Bà Noda được cho là không có nhiều cơ hội, nhưng việc bà tranh cử lần này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử LDP có nhiều hơn một ứng viên nữ.

Link nội dung: https://biztoday.vn/hom-nay-nhat-ban-bau-thu-tuong-181306.html