Chiều 1-10, UBND TP.HCM chính thức ban hành Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Chỉ thị mới của UBND TP đặt ra ba mục tiêu chính. Thứ nhất là tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn TP; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở. Thứ hai là từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân TP. Thứ ba là đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
Hàng quán dọn dẹp, chuẩn bị trước giờ mở cửa hoạt động lại. Ảnh: NGUYỆT NHI
Người dân dùng ba ứng dụng để di chuyển
Trong Chỉ thị 18, người dân TP.HCM được yêu cầu thực hiện nghiêm quy tắc 5K, đồng thời luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, linh hoạt và động viên người thân cùng gia đình biết tự bảo vệ mình, sống khỏe và sống an toàn.
Người dân khi tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động). Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình hai loại giấy tờ sau: F0 đã khỏi bệnh dưới sáu tháng; đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 (ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Người dân được di chuyển trong nội thành TP.HCM; không được tự ý đi lại giữa các tỉnh, TP khác.
Đối với tất cả cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn TP, UBND TP yêu cầu phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/. Đến ngày 8-10, các cơ quan, cơ sở này phải quét mã QR của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch và sử dụng ứng dụng của TP (hoặc ứng dụng PC-COVID) để kiểm soát và tổ chức hoạt động.
Chỉ thị mới cũng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội và ổn định trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, TP.HCM triển khai gói hỗ trợ đợt 3 cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn hiện đang có mặt tại TP, đảm bảo nguyên tắc đúng, đủ đối tượng, không bỏ sót, không trùng lặp. Ban hành chính sách và kêu gọi nguồn lực xã hội hỗ trợ người già neo đơn và các trẻ mồ côi do dịch COVID-19.
Tiếp tục hỗ trợ gạo theo nguồn phân bổ của Chính phủ; huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo cho người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân cùng góp sức hỗ trợ các đối tượng khó khăn ổn định cuộc sống. Phát huy hiệu quả của Trung tâm an sinh, không ngừng chăm lo cho người dân.
Các hoạt động tiếp tục tạm dừng gồm quán bar, beer club, pub, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo và các hoạt động khác, trừ các trường hợp được cho phép theo chỉ thị này.
Ưu tiên đưa công nhân, người lao động trở lại TP.HCM làm việc
Về hoạt động giao thông vận tải, UBND TP yêu cầu các đơn vị đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với các địa phương được thuận lợi. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP. Shipper thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương.
Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ GTVT và quy định của Bộ Y tế.
Việc lưu thông liên tỉnh của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh); tổ chức vận chuyển người lao động về TP và các trường hợp cấp thiết theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.
TP.HCM sẽ tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Tại các chốt kiểm soát này tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.
Tám nhóm được phép hoạt động trở lại
Một trong những điểm đáng chú ý của Chỉ thị 18 là UBND TP.HCM cho phép mở lại tám nhóm hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó riêng đối với nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thương mại có chín lĩnh vực được hoạt động (xem infographic).
Cụ thể như các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị nhà nước của trung ương đóng tại TP.HCM; các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và văn phòng kinh tế - văn hóa nước ngoài có trụ sở trú đóng trên địa bàn TP; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế công lập, ngoài công lập.
Các hoạt động cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, đám tang, đám cưới cũng được hoạt động. Trong đó, hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp có ít nhất 90% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 60 người.
Cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch được hoạt động tối đa 50% công suất; các sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thi đấu được tổ chức với quy mô tối đa 60 người với điều kiện có ít nhất 90% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Tổ chức đám cưới, đám tang: Trong nhà tập trung tối đa 10 người, ngoài trời tập trung tối đa 15 người.
Hoạt động giáo dục, đào tạo tiếp tục tổ chức dạy - học gián tiếp, trên môi trường Internet, qua truyền hình; từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy - học trực tiếp. Các loại hình đào tạo cho người đã được tiêm đủ liều vaccine, có thể dạy - học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.
Đối với hoạt động tập trung trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo...), UBND TP yêu cầu tập trung tối đa 10 người, trường hợp có ít nhất 90% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 60 người. Đối với hoạt động ngoài trời, tập trung tối đa 15 người; trường hợp có ít nhất 90% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 90 người.
Lần đầu tiên số ca tử vong do COVID-19 giảm xuống hai con số
Thông tin tại buổi họp báo chiều 1-10, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết trong ngày 30-9 có 2.046 bệnh nhân nhập viện và 2.866 bệnh nhân xuất viện (tổng số bệnh nhân xuất viện cộng dồn từ đầu tháng 1-2021 đến nay là 206.980 người).
Đặc biệt, số ca tử vong trong ngày giảm xuống 96 trường hợp, so với ba ngày trước lần lượt là 131, 113, 106 trường hợp. “Sau một thời gian dài, lần đầu tiên số ca tử vong do COVID-19 tại TP.HCM đã xuống mức hai con số” - ông Hải nói và cho biết đây là tín hiệu rất tích cực trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tphcm-dieu-kien-de-mo-cua-di-lai-theo-chi-thi-18-182814.html