Dù các chuyên gia y tế đã khẳng định nám, tàn nhang không thể điều trị 100% nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp quảng cáo sản phẩm giới thiệu trị tận gốc nám, tàn nhang và ngăn ngừa tái phát lại. Trong số đó, có những sản phẩm sau khi người tiêu dùng sử dụng không hiệu quả thì doanh nghiệp sẵn sàng “thay tên đổi họ” thành thương hiệu mới nhưng cũng chỉ là “bình mới rượu cũ”, bởi thành phần, công dụng giống hệt nhau. Chính vì vậy mà thị trường ngày càng nhiễu loạn sản phẩm trị nám, khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận...
Theo tìm hiểu của Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tại website: https://minhyduongvn.com/, bộ 3 sản phẩm Minh Y Đường gồm “Mặt nạ phục hồi sáng da”; “kem đặc trị nám, tàn nhang”; “kem hút chân nám” được giới thiệu có nguồn gốc từ bài thuốc trị nám từ thảo dược...
Cụ thể, “kem đặc trị nám, tàn nhang" chiết xuất từ phiên hồng hoa, oải hương, đan sâm... nhưng lại được nhà sản xuất, kinh doanh in bao bì là “đặc trị” và quảng cáo công dụng làm sạch nám và ngăn ngừa tái lại. Không thua kém kem đặc trị nám, sản phẩm khác là “kem hút chân nám” được tung hô “đào thải các yếu tố gây nám ra ngoài, làm sáng mịn da trong thời gian ngắn, chuyển biến da rõ rệt từ sạm, nám trở nên trắng hồng khỏe mạnh...
Tiếp đến, sản phẩm “mặt nạ sáng da” cũng được tung hô không ngớt lời như phục hồi làn da hư tổn, giúp da khô ráp, sần sùi trở nên mịn màng, trẻ trung...
Ngoài ra, để lừa dối người tiêu dùng, sau mỗi quảng cáo, tổ chức kinh doanh Minh Y Đường đều kèm thông điệp các sản phẩm này được đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, nhiều năm kinh nghiệm, cam kết với bệnh nhân hiệu quả chỉ sau 2 tuần sử dụng. Nám đã điều trị khỏi thì không tái lại, hoàn tiền 100% nếu không hiệu quả, điều trị từ gốc vết nám, tàn nhang,... các sản phẩm này đều được sở y tế cấp phép.
Với những thông tin quảng cáo có cánh trên, người tiêu dùng rất dễ tin rằng thương hiệu này có tầm, có tâm, chấp hành đúng quy định pháp luật. Thế nhưng, theo thông tin giấy công bố mà tổ chức kinh doanh đăng tải, các sản phẩm trên chỉ là mỹ phẩm, không phải thuốc.
Sở Y tế cũng không cấp phép điều trị nám, tàn nhang cho những sản phẩm này. Đặc biệt, căn cứ các văn bản pháp luật về lĩnh vực mỹ phẩm và hướng dẫn của Cục Quản lý Dược thì các từ như “Trị”, “Điều trị” không được chấp nhận trong việc đặt tên và công bố tính năng mỹ phẩm.
Theo Thông tư 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm là: “Tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cấm các tổ chức, cá nhân thông qua hoạt động quảng cáo lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa mà tổ chức, cá nhân đó cung cấp.
Quy định của pháp luật là vậy nhưng thực tế cho thấy không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà cố tình “đánh lận con đen” dùng những từ ngữ quảng cáo không đúng sự thật nhằm đánh lừa niềm tin người tiêu dùng, khiến họ hiểu sai về công dụng của sản phẩm và “sập bẫy”. Việc làm này có thể khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp khó khăn bởi môi trường cạnh tranh không công bằng, lành mạnh.
Do đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin nguồn gốc, xuất xứ cũng như tính năng, công dụng của sản phẩm, tránh tin vào những lời quảng cáo “có cánh” trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để rồi kết quả có được như mong muốn hay không còn chờ “hên xui”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!
Link nội dung: https://biztoday.vn/my-pham-thuong-hieu-minh-y-duong-quang-cao-vong-map-mo-chat-luong-185832.html