Nợ phải trả gấp 4 lần vốn chủ sở hữu
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp, mã CK: XMC), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 360 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính âm 360 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 20,7 tỷ đồng.
Kết thúc quý II/2021, Xuân Mai Corp ghi nhận lỗ sau thuế 6,6 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ 12,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty ghi nhận thua lỗ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, Xuân Mai Corp ghi nhận doanh thu thuần đạt 598,3 tỷ đồng. Do doanh thu không bù đắp nổi các chi phí, công ty ghi nhận lỗ ròng 16,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ 23,9 tỷ đồng.
Tính tới ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Xuân Mai Corp giảm 10,8% so với đầu năm, còn 4.478 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 2.774 tỷ đồng (chiếm 62% cơ cấu tài sản); hàng tồn kho là 599 tỷ đồng (chiếm 13,3%). Như vậy, riêng hai khoản mục này đã chiếm tới hơn 75% tổng tài sản của Xuân Mai Corp.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2021, tổng nợ phải trả của Xuân Mai Corp ở mức 3.627 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ đạt 850,8 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã gấp 4 lần vốn chủ sở hữu.
Chân dung chủ tịch Xuân Mai Corp
Thuyền trưởng của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai là ông Bùi Khắc Sơn. Ông Sơn hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.
Theo tìm hiểu, ông Bùi Khắc Sơn sinh ngày 19/9/1967 tại Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Thông tin tín hiệu tại Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Sơn đã bắt đầu tham gia hoạt động kinh doanh từ năm 1989 đến năm 1995. Năm 2005, ông đầu quân cho Công ty xây dựng giao thông 136 – Tổng công ty xây dựng công trình giao thông I. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến tháng 9/2013, ông Sơn giữ vị trí Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Văn Chấn.
Từ tháng 10/2013 đến nay, ông Sơn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Xuân Mai.
Về Xuân Mai Corp, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Xuân Mai tiền thân là Nhà máy Bê tông tấm lớn Xuân Mai được thành lập ngày 29 tháng 11 năm 1983 theo quyết định của Bộ Xây dựng do Liên Xô giúp đỡ. Tháng 12/1996, Nhà máy Bê tông Xuân Mai đổi tên thành Nhà máy Bê tông và Xây dựng Xuân Mai và chuyển về trực thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam của Bộ Xây dựng.
Đến năm 2003, Nhà máy tiến hành cổ phần hóa đổi tên thành Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai. Năm 2007, Công ty chính thức niêm yết 10 triệu cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, với mã XMC.
Năm 2013, đúng vào thời điểm thị trường bất động sản đóng băng, XMC lâm vào tình trạng khó khăn cục bộ (cuối năm 2013, XMC lỗ lũy kế gần 88,44 tỉ đồng). Trước tình hình đó, Tổng công ty Vinaconex quyết định thoái 51% (tương đương 10,2 triệu cổ phần) của XMC. Bên mua lại là Công ty TNHH Khải Hưng và ông Bùi Khắc Sơn làm người đại diện.
Sau này, trao đổi với báo chí, ông Sơn nói rằng: “Chúng tôi đã làm việc với anh em Xuân Mai từ trước và hiểu về con người ở đây. Các anh em chính là lý do chúng tôi muốn vào Xuân Mai. Họ là những người giỏi chuyên môn, đam mê và tử tế. Đây là chưa kể đến việc công ty có thương hiệu tốt, với truyền thống lịch sử đáng tự hào”.
Sau khi nhận chuyển nhượng phần vốn của Vinaconex, XMC đã tổ chức đại hội cổ đông vào tháng 10/2013 để bầu lại HĐQT, ông Sơn được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty. Tháng 12/2016, ông Sơn thôi kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc.
Ngày 21/4/2014, công ty chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (tên viết tắt: Xuan Mai Corporation).
Từng bị phạt và truy thu đến 6 tỷ đồng
Cách đây 2 năm, vào thời gian tháng 5/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Xuân Mai Corp tổng số tiền 530 triệu đồng.
Theo đó, Xuân Mai Corp bị phạt 300 triệu đồng do chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Ngoài ra, công ty còn bị phạt thêm 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời chào bán trước khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán.
Cùng với đó, công ty còn bị phạt thêm 85 triệu đồng do vi phạm quy định quản trị công ty về giao dịch với người có liên quan, giao dịch với cổ đông, thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc, cán bộ quản lý khác và người có liên quan tới các đối tượng này.
Sau đó không lâu, Xuân Mai Corp cũng nhận được quyết định xử phạt vi phạm thuế tại kỳ thanh tra năm 2017 và 2018 từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).
Cụ thể, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng qua thanh tra mà công ty phải nộp là hơn 4,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, vì kê khai, nộp thuế đối với khoản tiền lương, tiền công của lao động vãng lai chưa đúng quy định, Xuân Mai Corp phải nộp tổng số thuế thu nhập cá nhân tăng qua thanh tra gần 244 triệu đồng.
Công ty cũng bị xử phạt đối với hành vi kê khai sai với mức phạt 20% tính trên số tiền thuế truy thu qua thanh tra theo quy định, số tiền là 904 triệu đồng.
Như vậy, nếu tính cả khoản tiền chậm nộp 583 triệu đồng đã tính đến 11/7/2019 thì tổng số tiền công ty này phải nộp vào Ngân sách Nhà nước là hơn 6 tỷ đồng.
Về xây dựng, mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện nhiều sai phạm tại tổ hợp chung cư Xuân Mai Complex.
Cụ thể, Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành kết luận thanh tra liên quan đến kinh phí bảo trì dự án toà nhà F,G,H,K,L (tên thương mại Xuân Mai Complex) thuộc tổ hợp chung cư cao tầng khu hỗn hợp nhà ở HH02 (KĐT Dương Nội, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) của Cty CP đầu tư và xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) là chủ đầu tư.
Theo đó, thanh tra phát hiện tồn tại, thiếu sót của chủ đầu tư liên quan đến phí bảo trì, sở hữu chung tại chung cư trên.
Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư chậm mở tài khoản kinh phí bảo trì. Thanh tra cho biết, từ thời điểm bắt đầu thu kinh phí bảo trì đến ngày 7/12/2020, chủ đầu tư chưa mở tài khoản kinh phí bảo trì là thực hiện chưa đúng nội dung hợp đồng mua bán căn hộ và Điều 109 Luật Nhà ở năm 2014.
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra vi phạm đối với việc sử dụng không gian sở hữu chung. Theo đó, tại hồ sơ bản vẽ thiết kế kèm theo giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng Hà Nội cấp, tầng kỹ thuật tại các tòa nhà F, G, H, K, L là không gian kỹ thuật không bố trí, ngăn chia thành phòng.
Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra vào tháng 12/2020, tầng kỹ thuật tại các tòa nhà này chủ đầu tư ngăn chia không gian tầng kỹ thuật thành một số phòng (mục đích để làm phòng làm việc ban điều hành, kho chứa vật tư, phòng làm việc các tổ đội trong quá trình thi công dự án).
Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận, để xảy ra những vi phạm trên trách nhiệm thuộc chủ đầu tư dự án.
Phát biểu tại Talkshow "Nhìn từ vụ Evergrande đến tương lai thị trường bất động sản Việt Nam”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cảnh báo: “Bất động sản ở Việt Nam cũng tương tự như Trung Quốc. Các doanh nghiệp cũng có thể huy động vốn từ người dân theo hình thức bán bất động sản hình thành trong tương lai và khách hàng đóng tiền theo tiến độ xây dựng. Nếu doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, các chủ nợ và khách hàng đã bỏ tiền vào dự án. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần rút ra bài học từ vụ việc này", ông Hiếu nói.
Link nội dung: https://biztoday.vn/bai-6-ong-chu-cua-xuan-mai-corp-doanh-nghiep-dang-ngup-lan-trong-khoan-no-hon-3600-ty-la-ai-186123.html