Cổ phiếu CLM lao dốc không phanh sau khi tăng gấp đôi

Cổ phiếu CLM của Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin vừa lao dốc không phanh 3 phiên liên tiếp sau khi tăng chóng mặt gấp đôi trong hơn 1 tuần.

Tăng sốc rồi lại giảm sâu đã không còn là điều hiếm thấy trên thị trường chứng khoán thời gian qua. Những "hiện tượng lạ" này càng gây ngạc nhiên cũng như hiếu kỳ cho giới đầu tư khi xung quanh cổ phiếu và doanh nghiệp niêm yết không có quá nhiều thông tin đáng chú ý.

Theo đó, chốt ngày giao dịch 13/10, mã cổ phiếu CLM của Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (HNX: CLM)đứng mức 32.500 đồng/cổ phiếu, giảm 9,97%, tương ứng mỗi cổ phiếu “bay” 3.600 đồng. Đây là phiên “nằm sàn” thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu CLM.

Tính chung sau 3 ngày giao dịch, mã CLM giảm tới 26%,9%, tức mất 12.000 đồng mỗi cổ phiếu. Với hơn 11 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường CLM bị mất khoảng trên 130 tỷ đồng.

Cập nhật tại thời điểm 10h50 sáng 14/10, giá cổ phiếu CLM tiếp tục giảm sâu 9,5%, lùi về mức 29.400 đồng/cổ phiếu.

Việc cổ phiếu Xuất nhập khẩu Than – Vinacomin giảm sàn khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Nguyên do là trước đó mã này tăng kịch trần liền tù tì 8 phiên. Cụ thể, từ ngày 29/9 – 8/10, cổ phiếu CLM tăng 112%, từ 21.000 đồng/cổ phiếu lên 44.500 đồng/cổ phiếu, giúp mỗi cổ phiếu có thêm 23.500 đồng. Vốn hóa thị trường của CLM nhờ đó được cộng thêm khoảng 258 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu CLM khá thấp, trung bình khoảng 3.000 đơn vị mỗi phiên. Một số phiên thậm chí chỉ có 100 cổ phiếu được giao dịch.

Điểm gây bất ngờ nữa là trước khi bật tăng thần tốc, cổ phiếu Xuất nhập khẩu Than – Vinacomin rơi vào tình trạng “bất động” khi liên tục đi ngang, với thanh khoản bằng 0.

Theo nhiều nhà giao dịch chuyên nghiệp, cổ phiếu Xuất nhập khẩu Than – Vinacomin tăng cao có thể xuất phát từ việc giá than thế giới tăng phi mã. Tuy nhiên, đà tăng “bốc đầu” lại chỉ diễn ra với mã CLM khiến không ít nhà đầu tư nghi ngại.

Xuất nhập khẩu Than – Vinacomin là doanh nghiệp chuyên về kinh doanh, xuất nhập khẩu trực tiếp và ủy thác than mỏ, các sản phẩm chế biến từ than, khoáng sản, kim khí; thiết bị, phương tiện vận tải, xe máy, phụ tùng, vật tư các loại…Cổ đông lớn nhất của CLM là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (nắm giữ hơn 6 triệu cổ phần, tương đương trên 55,4% vốn).

Tại ngày 30/6, tổng tài sản giảm 14% về gần 1.040 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 92%, tương đương 953,3 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền tăng 80% lên 45 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho giảm 14% so với đầu năm xuống 296 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 19% về mức 601 tỷ đồng. Tài sản dài hạn giảm hơn 5,5 tỷ xuống mức 86,4 tỷ đồng.

Về nguồn vốn vay tài chính ngắn hạn tăng 18% lên 444 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản vay từ Vietcombank (146 tỷ đồng) và VietinBank (194 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 248%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý II là 26 tỷ đồng, bên cạnh hơn 32 tỷ quỹ đầu tư phát triển.

Link nội dung: https://biztoday.vn/co-phieu-clm-lao-doc-khong-phanh-sau-khi-tang-gap-doi-189562.html