TP.HCM sẽ thí điểm mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ

TP.HCM sẽ thí điểm mở lại các dịch vụ ăn uống tại chỗ trên tinh thần khẩn trương, nhưng phải đánh giá kỹ tình hình trong thời gian tới...

Ủy ban nhân dân Quận 7 từng có văn bản khẩn gửi Ủy ban nhân dân TP.HCM đề nghị được thí điểm mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ.
Ủy ban nhân dân Quận 7 từng có văn bản khẩn gửi Ủy ban nhân dân TP.HCM đề nghị được thí điểm mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ.

Hội nghị lần thứ 9 mở rộng của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI đã diễn ra ngày 14/10/2021 để bàn về một số vấn đề liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.  

Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. TP.HCM đang nghiên cứu để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 128. Tổ công tác của Thành phố, cơ quan chức năng và các chuyên gia sẽ đánh giá tình hình tại Thành phố.

Theo ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, công việc trước tiên của TP.HCM là phải đánh giá xem Thành phố hiện ở cấp độ dịch theo hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ Y tế và tổ chức các hoạt động theo các cấp độ phù hợp. TPHCM xem xét trong bối cảnh cục bộ và toàn diện để tổ chức hoạt động trên cơ sở hướng dẫn này. Trong tháng 10/2021, Thành phố sẽ tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch trong làn sóng dịch bùng phát lần 4, triển khai công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế thời gian tới. Song song, cụ thể việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Đến thời điểm hiện nay, TP.HCM đang áp dụng các bộ tiêu chí trong các lĩnh vực như sản xuất, giao thông - vận tải, công thương, du lịch… làm cơ sở để các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động. Và từ hướng dẫn tạm thời của Chính phủ theo Nghị quyết 128, TP.HCM sẽ cập nhật và có sự điều chỉnh cho phù hợp với từng lĩnh vực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định, “Chỉ thị 18 trước đó (của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM – PV) hay Nghị quyết 128 mới đây của Chính phủ, là khung chính sách. Còn lại cụ thể sẽ được cập nhật tùy theo tình hình. Các lĩnh vực như giáo dục, sản xuất, y tế, kinh doanh, dịch vụ… đều có các tiêu chí an toàn của lĩnh vực đó. Đây được coi như là phụ lục, sau này có gì thì thay đổi, điều chỉnh phụ lục”.

Nhận định về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng: "Tình hình dịch ở TP.HCM có những cải thiện, đạt được kết quả cơ bản. Tuy nhiên, nếu nói bền vững chưa, TP.HCM trở lại trạng thái "bình thường mới" chưa thì tôi khẳng định là phải tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch và chưa thể nói là đã trở lại trạng thái "bình thường mới” được". Bởi vì, hiện tại các cơ quan nhà nước chưa hoạt động đầy đủ hết, hoạt động dạy và học trực tiếp chưa trở lại hết, hoạt động của các cơ sở y tế và rất nhiều hoạt động bình thường khác của xã hội cũng chưa khôi phục được hoàn toàn. Thành phố đang dần từng bước mở ra và việc này lệ thuộc vào kết quả phòng chống dịch. “Theo diễn tiến thuận lợi như hiện nay thì đến tháng 11/2021 cũng chưa thể nói TP.HCM trở lại trạng thái “bình thường mới” hoàn toàn được. Chưa thể dự báo một mốc thời gian nhất định!”, ông Mãi nói.

TP.HCM dự kiến sẽ mở lại các dịch vụ ăn uống tại chỗ (quán ăn, nhà hàng…) trong thời gian sắp tới. Tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng đã nêu rõ. Theo đó, Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ban hành kèm theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Chương IV mục 1 khoản 4.3 (Nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống), quy định ở cả 4 cấp độ dịch (cấp 1, 2, 3 và 4) đều được hoạt động và bảo đảm quy định về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Riêng cấp 4 (cấp nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ), các hoạt động này được hạn chế; ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định các điều kiện cần thiết để hoạt động đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 bao gồm hạn chế số lượng người bán, mua cùng một thời điểm.

TP.HCM đã tạm dừng hoạt động với các quán ăn uống đường phố, trà đá, cafe vỉa hè (chỉ cho bán mang về), kể từ ngày 31/5/2021, sau khi Thành phố phát hiện 03 chuỗi lây nhiễm ngoài cộng đồng trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư. Các cơ sở dịch vụ làm đẹp, tiệm hớt tóc, gội đầu... cũng tạm ngừng hoạt động.

Sau hơn 120 ngày giãn cách theo các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 11 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, Chỉ thị 12 của Thường vụ Thành ủy TP.HCM, kể từ ngày 01/10/2021, TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 18 về việc tiếp tục kiểm soát ,điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó các có biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội. Các quán ăn được phục vụ trở lại nhưng chỉ được bán mang về, không được phục vụ tại chỗ.

Trên thực tế, nhiều khu vực, địa bàn đã kiểm soát dịch đạt kết quả tốt như huyện Củ Chi, quận 7. Về kế hoạch mở lại các dịch vụ ăn uống tại chỗ trong thời gian sắp tới, ông Phan Văn Mãi cho biết: Có thể là quận 7 hoặc địa phương nào đó trong Thành phố sẽ thí điểm. "TP.HCM sẽ đánh giá kỹ tình hình. Tinh thần là khẩn trương nhưng phải đánh giá kỹ. Bởi nếu nôn nóng một chút sẽ ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch”, Chủ tịch TP.HCM nói.

Link nội dung: https://biztoday.vn/tphcm-se-thi-diem-mo-lai-dich-vu-an-uong-tai-cho-190674.html