Theo kết quả thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, trong số 231/280 dự án với tổng diện tích 1.534,26 ha đã được thanh tra, gồm 145 dự án trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, 86 dự án trong lĩnh vực sản xuất. Kết quả: Có 52 dự án đã hoàn thành, có 03 dự án chưa được thuê đất, 52 dự án đang trong giai đoạn đầu tư, chưa chậm tiến độ, 46 dự án đã chậm tiến độ nhưng chưa quá 24 tháng, 77 dự án không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, vi phạm quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã điểm mặt nhiều dự nhiều dự án chậm tiến độ trên địa bàn
Tại Thị xã Nghi Sơn, trong tổng số 58 dự án với 3.157.381 m2 thì đã có 31 dự án chậm tiến độ, cá biệt có những dự án chậm đến 6 năm, như dự án Khu du lịch dịch vụ tổng hợp, nhà hàng và siêu thị của Công ty CP đầu tư và xây lắp Hoàng Long tại phường Hải Hòa; Dự án Khu du lịch thương mại và khách sạn Xuân Thành Công, tại phường Tĩnh Hải chậm 56 tháng; Dự án đầu tư xây dựng công trình bến xe và thương mại tổng hợp của Công ty Công ty TNHH dịch vụ thương mại và vận tải Phương Gầy tại KĐT Trung tâm KKT Nghi Sơn, có diện tích 26.542 m2 chậm 48 tháng; Dự án đầu tư khu dịch vụ tổng hợp nhà hàng của Công ty TNHH Trung Nam tại xã Tân Trường, có diện tích 13.338 m2 chậm 25 tháng…
Tại Thành phố Thanh Hóa có 54 dự án với tổng diện tích 327.919 m2, thì đã có 23 dự án chậm tiến độ, như dự án: Khu vui chơi, giải trí thanh thiếu niên, khu dịch vụ ăn uống và bãi đỗ xe của Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Ánh có diện tích 8.318 m2 tại xã Đông Tân, chậm tiến độ 78 tháng, Dự án khu cây xanh thể thao của Công ty Vạn Liên Việt có diện tích 10.535 m2 tại phường Quảng Hưng, chậm 60 tháng, Dự án Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, có diện tích 13.677 m2 tại KĐT Đông Hương, chậm 42 tháng.
Tại huyện Ngọc Lặc, Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn có diện tích 35,78 ha tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc với tổng mức đầu tư dự kiến 1.430 tỷ đồng, được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, cho thuê đất năm 2009. Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng quy mô lớn, dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích phát triển cho 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên nhiều năm qua dự án trong tình trạng dừng thi công, bỏ hoang gây lãng phí đất đai. Đến nay dự án đã chậm tiến độ hơn 100 tháng.
Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn tại huyện Ngọc Lặc "treo" từ năm 2010 đến nay
Theo chính quyền địa phương, sau khi được bàn giao đất, chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm: Nhà ở công nhân, tường rào bao quanh nhà máy, ép cọc bê tông móng và một số công trình phụ trợ khác. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên đến cuối năm 2010, hầu hết hoạt động trên công trường dừng lại. Từ đó đến nay, nhiều nơi trong khuôn viên của nhà máy thành bãi chăn thả trâu bò, ao thả cá. Đối diện cổng chính nhà máy là những dãy nhà xiêu vẹo, đổ nát, cỏ mọc um tùm.
Tương tự cũng tại huyện Ngọc Lặc, dự án sản xuất Gang - Phôi thép công suất 125.000 tấn/năm và dự án sản xuất vật liệu xây dựng và đá ốp lát của Công ty Cổ phần Việt Thanh VNC được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất từ năm 2007, 2009 và 2010 với diện tích 51,76 ha. Nhưng đến nay dự án vẫn “treo” đến nay, theo lý giải từ phía công ty là do dự án không hiệu quả, hiện tại Công ty đã xin dừng triển khai dự án, chậm tiến độ 48 tháng.
Yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đầu tư các hạng mục công trình
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhận được báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ rà soát lại các dự án, những dự án nào đủ điều kiện sẽ cho gia hạn, doanh nghiệp phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng. Hết thời gian gia hạn mà các doanh nghiệp vẫn không thực hiện dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ cương quyết thu hồi đất.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tỏ ró quan điểm nếu hết thời gian gia hạn mà các doanh nghiệp vẫn không thực hiện dự án, sẽ cương quyết thu hồi đất
Từ kết quả thanh tra và căn cứ pháp lý nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định xem xét, xử lý đối với 71 dự án chậm tiến độ đầu tư 24 tháng, gồm: có 04/71 dự án chậm tiến độ nhưng không thuộc trường hợp phải gia hạn 24 tháng, 67/71 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng hoặc không sử dụng đất 12 tháng liên tục thuộc trường hợp gia hạn tiến độ 24 tháng. UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định cho gia hạn đối với 08/67 dự án (07 dự án thuộc khu kinh tế Nghi Sơn và 01 dự án tại thị xã Bỉm Sơn), còn lại 59/67 dự án đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cho gia hạn.
Chủ đầu tư các dự án nêu trên phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Thông tư 332/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất (đối với trường hợp giao đất có thu tiền); khoản 4, Điều 2 Thông tư 333/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2014/TT- BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước (đối với trường hợp thuê đất).
Đối với 46 trường hợp chậm tiến độ đầu tư nhưng chưa quá 24 tháng chưa thuộc trường hợp vi phạm pháp luật đất đai quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai thì yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đầu tư các hạng mục công trình theo Mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng, tập trung nguồn lực đầu tư sớm hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường.
Link nội dung: https://biztoday.vn/thanh-hoa-diem-mat-hang-loat-du-an-treo-190942.html