Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings - bày tỏ sự xót xa khi chứng kiến ngành du lịch suy thoái nghiêm trọng và gần như "tê liệt" hoàn toàn trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4.
"Ngay cả khi dịch được kiểm soát tốt trong những ngày gần đây, mặc dù một số ngành khác đã bắt đầu quay trở lại thì du lịch vẫn phải chịu cảnh 'chốt cửa' vì nhiều yếu tố khác biệt trong tư tưởng chống dịch", ông nói.
Thực tế, sau một tuần triển khai Nghị quyết 128, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vẫn còn một số địa phương chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho người dân.
Du lịch khó khôi phục nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng
Trước đó, phát biểu tại tọa đàm "Phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19", Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối giữa các địa phương.
Theo ông, Chính phủ đã có Nghị quyết 128 để các địa phương thống nhất điều kiện, tiêu chuẩn trong mở cửa phục hồi kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Tuy nhiên, nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng thì không thể thực hiện mở cửa, phát triển du lịch.
Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng nhìn nhận một trong những thách thức lớn của việc khôi phục du lịch hiện nay là khung pháp lý về phòng chống dịch, đi lại của các tỉnh thành chưa có sự nhất quán.
Do đó, khi lên phương án đón khách nội địa trong thời gian tới, tỉnh này vẫn bỏ ngỏ những kế hoạch chi tiết của mô hình "bong bóng du lịch" bởi phải "điều chỉnh hình thức dịch vụ theo quy định phòng chống dịch, quy định đi lại của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giao thông" hay "theo chỉ đạo của Chính phủ và cập nhật hướng dẫn mới của các bộ, ngành, địa phương".
Các địa phương đến nay vẫn chưa thống nhất phương án đi lại. Ảnh: Vietravel Airlines. |
Từ phía các doanh nghiệp, một tuần sau Nghị quyết 128, họ cho biết vẫn đang chờ Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch ban hành hướng dẫn để hoạt động đồng bộ trên toàn quốc.
"Chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương điểm đến sớm ban hành bộ quy tắc chung, có sự thống nhất để khai thông việc khôi phục du lịch, tránh tình trạng mỗi địa phương lại có quy định khác nhau, để doanh nghiệp chủ động chào bán sản phẩm cho khách hàng", ông Lê Hồng Thái, Phó giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, nhấn mạnh.
Ông cho biết sau khi Hà Nội nới lỏng một số hoạt động, doanh nghiệp đã chủ động đề xuất với các cơ quan quản lý ở một số điểm đến là vùng xanh để tổ chức tour an toàn. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đều gặp phải là quy định mỗi địa phương khác nhau và khách hàng chủ yếu ở Hà Nội được coi là vùng đỏ.
Chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương điểm đến sớm ban hành bộ quy tắc chung, có sự thống nhất để khai thông việc khôi phục du lịch
Ông Lê Hồng Thái, Phó giám đốc Hanoitourist
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông TST Tourist, việc mỗi nơi quản lý một cách không những khiến doanh nghiệp lúng túng mà còn dẫn đến hệ quả du khách không an tâm và không thực sự muốn di chuyển, dù có nhu cầu hay không.
Do đó, ông kỳ vọng trên cơ sở Nghị quyết 128, các địa phương và ngành du lịch sẽ thống nhất để cả nước cùng một chủ trương, tạo điều kiện thuận lợi cho lữ hành, lưu trú, vận chuyển cùng có cơ hội khôi phục trong mùa cao điểm cuối năm.
Lãnh đạo Vietravel và Saigontourist cũng có chung suy nghĩ này. Đặc biệt, ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị ứng dụng công nghệ vào quản lý tiêm chủng, xét nghiệm và khai báo y tế trên một ứng dụng duy nhất cấp Trung ương. Điều này giúp việc quản lý dễ dàng hơn, tạo điều kiện mở cửa thị trường du lịch nội địa.
"Doanh nghiệp cũng sẽ tự tin đưa ra các sản phẩm và chương trình kích cầu để phục hồi ngành du lịch, tạo thêm công ăn việc làm cũng như đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế nói chung", Chủ tịch HĐQT Vietravel nêu quan điểm.
Cũng theo ông Kỳ, Chính phủ nên tính toán thiết lập hộ chiếu vaccine của Việt Nam và tiến đến công nhận hộ chiếu vaccine với các quốc gia khác, tạo tiền đề thúc đẩy du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, biện pháp thức thời hiện nay vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp, từ việc phủ vaccine cho người lao động, đến các chính sách cụ thể và dễ tiếp cận như gói vay trả lương hay khoản vay ưu đãi do Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp có lịch sử đóng góp ngân sách tốt.
Nhu cầu du lịch sẽ tăng cao từ cuối năm
Với số lượng vaccine dự kiến về nhiều trong giai đoạn cuối năm và tỉ lệ tiêm chủng tại các địa phương vẫn còn độ chênh, ông Nguyễn Quốc Kỳ dự báo hàng không và du lịch sẽ phục hồi chậm trong quý IV/2021 bởi khách hàng còn tâm lý dè chừng và cần thời gian để ổn định sau một đợt dịch dài chưa từng có và các quy định giữa các địa phương dần được dỡ bỏ.
Do đó, giai đoạn đầu mở cửa trong tháng 10, Vietravel tập trung vào nhóm sản phẩm staycation tại TP.HCM hoặc đến các vùng xanh như Cần Giờ, Vũng Tàu, Tây Ninh và tour hồi hương đón người Việt về nước, đón chuyên gia đến Việt Nam làm việc.
Giai đoạn kế tiếp từ tháng 11, doanh nghiệp mở rộng ra sản phẩm liên vùng, như các tour đường bộ từ TP.HCM đến Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt, miền Tây, tour đường bay đến Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Hạ Long, Hà Giang hay tour từ Hà Nội đến Ninh Bình, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh...
Các doanh nghiệp bước đầu tập trung sản phẩm du lịch ở các vùng xanh của TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chủ tịch Vietravel cho rằng phải đến cuối tháng 12 và đầu quý I/2022, nhu cầu nội địa mới tăng cao do có các ngày lễ tết kéo dài, đồng thời tâm lý khách hàng cũng đã ổn định hơn. Với thị trường nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phục hồi các sản phẩm và đường bay vào tháng 6/2022 với nhận định tốc độ phục hồi khá chậm trong thời gian đầu.
Ông Nguyễn Minh Mẫn cũng bày tỏ tin tưởng vào cơ hội phát triển từ cuối năm 2021 và năm 2022. "Chúng tôi tin rằng sẽ có những thay đổi lớn trong những tháng tiếp theo, trước hết là sự gia tăng nhu cầu đi lại. Các giao dịch đã có dấu hiệu gia tăng trong tuần 11-15/10, qua tuần 18-22/10 bức tranh kinh doanh sẽ thêm tươi sáng", đại diện TST Tourist chia sẻ.
Ông cho biết các tour Củ Chi, Cần Giờ, nội đô TP.HCM đã được triển khai, sắp tới các tour Tây Ninh và miền Trung sẽ lần lượt ra mắt sau các chương trình kết nối giữa ngành du lịch TP.HCM và các tỉnh thành.
Tương tự, Lữ hành Saigontourist cũng cho hay sẽ linh hoạt theo tình hình dịch bệnh, bước đầu tổ chức những tour khép kín đến các vùng xanh của TP.HCM như Cần Giờ, Củ Chi bằng đường bộ và đường sông hoặc liên tuyến Củ Chi - Tây Ninh và liên tuyến các tỉnh thành đã đủ điều kiện đón khách và tổ chức tour khép kín. Đặc biệt, doanh nghiệp này triển khai tặng bảo hiểm du lịch và bảo hiểm Covid-19 cho mọi du khách để nâng cao mức độ an toàn.
Riêng với lưu trú, các doanh nghiệp đầu ngành như Sungroup, Vingroup đã chuẩn bị sẵn sàng để đón khách trong và ngoài nước. Bên cạnh việc xây dựng sản phẩm dịch vụ mới, các đơn vị đặt mục tiêu chuyển đổi số để vừa nâng cao trải nghiệm vừa đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng giám đốc khối Sun Hospitality Group nhấn mạnh đang khởi động lại trao đổi với đối tác quốc tế ở những thị trường tiềm năng để đưa khách bay charter đến Phú Quốc thông qua hộ chiếu vaccine.
"Từ Phú Quốc sẽ mở cửa ra các địa phương khác, để không chỉ là bay charter mà còn những chuyến bay thương mại khác. Để làm được điều này, doanh nghiệp kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, nhất là những địa phương đón khách du lịch, đồng thời thống nhất quy trình đón khách để có trải nghiệm tốt nhất cho du khách", bà Quỳnh Anh nói.
Link nội dung: https://biztoday.vn/du-lich-tac-vi-nhieu-dia-phuong-van-chot-cua-191621.html