Agribank 'lỡ hẹn' cổ phần hóa 14 năm: Vì đâu đến nỗi?

Việc có 80 cơ sở nhà, đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp khiến ngân hàng Agribank tiếp tục 'lỡ hẹn' cổ phần hóa sau 14 năm khởi động.

Năm 2021, Chính phủ yêu cầu vẫn thực hiện theo Quyết định 908/QĐ-TTg đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, Nghị định 140/2020/NĐ/CP vừa được ban hành có sửa đổi một số điều sẽ góp phần tháo gỡ khá nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, đặt mục tiêu cổ phần hóa thành công trong năm 2021 sau nhiều lần “lỡ hẹn”.

Nguyên nhân vướng về vốn điều lệ của Agribank đã được giải quyết khi Quốc hội đồng ý cấp bổ sung vốn cho nhà băng này từ nguồn ngân sách là 3.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ.

Agribank "lỡ hẹn" cổ phần hóa 14 năm.

Đối với 80 cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt, trên cơ sở quy định tại 67/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/9/2021), Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, hướng dẫn Agribank rà soát lại các cơ sở này để xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp nhà đất theo quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Agribank là ngân hàng sở hữu diện tích đất lớn nhất trong khối ngân hàng Nhà nước đến thời điểm này với khoảng 2,6 triệu m2 và có nguồn gốc hình thành đa dạng. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc xác định giá trị doanh nghiệp của Agribank để thực hiện cổ phần hóa cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian.

Là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, được Nhà nước giao cho sử dụng đất không thu tiền, đó là một lợi thế về chi phí cho Agribank. Tuy nhiên, sau 14 năm Agribank vẫn “lỡ hẹn” cổ phần hóa (khởi động từ năm 2007).

Thông tin với báo chí, ông Chu Mạnh Hùng, Phó ban cổ phần hóa Agribank cho biết, vấn đề đất đai là vấn đề lớn nhất của Agribank trong quá trình cổ phần hóa. Nếu các thủ tục liên quan đến đất đai không thực hiện xong thì ngân hàng không thể ra quyết định cổ phần hóa được.

"Agribank có rất nhiều đất đai đa dạng nguồn hình thành, trải khắp đất nước, nhiều tài sản được chuyển giao nguyên trạng từ Ngân hàng Nhà nước sang khi ngân hàng được thành lập. Do vậy, hồ sơ, thủ tục còn bất cập, vướng mắc", ông Chu Mạnh Hùng nói.

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank cũng từng cho biết: "Đây là nỗi trăn trở, sốt ruột, mong ngóng đối với chúng tôi. Cứ phải ăn đong, không có cách nào khác cả, chúng tôi không thể hàng năm cứ phát hành trái phiếu mãi được, phát hành cũng phải có giới hạn mà dư nợ thì mỗi năm đều có nhu cầu tăng trưởng. Chúng tôi vô cùng sốt ruột với cổ phần hóa!".

Link nội dung: https://biztoday.vn/agribank-lo-hen-co-phan-hoa-14-nam-vi-dau-den-noi-192589.html